Tại khoản 2 Điều 42 Nghị Định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản có quy định: “Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, trừ hộ kinh doanh phải lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác; lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan".
Quy định này nhằm kiểm soát chặt chẽ sản lượng khoáng sản khai thác thực tế của các tổ chức, cá nhân, ngăn chặn tình trạng khai báo sai thực tế sản lượng khoáng sản khai thác hàng tháng khi kê khai nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, chống thất thu ngân sách nhà nước.
Quy định là vậy nhưng tại mỏ đá của Công ty TNHH Ngọc Bình (xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng) đã xảy ra tình trạng dựng trạm cân nhưng không sử dụng.
Xe chở đá ra khỏi mỏ nhưng không đi qua trạm cân tại mỏ đá Ngọc Bình. |
Ngày 21/2, phóng viên (PV) Khoa học và Đời sống đã có mặt tại mỏ đá của Công ty TNHH Ngọc Bình để ghi nhận sự việc.
Theo ghi nhận của PV, mỗi ngày có nhiều xe chở khoáng sản ra vào nhưng việc cân xe không được thực hiện.
Toàn cảnh mỏ đá của công ty TNHH Ngọc Bình tại huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng. |
Trước thực trạng trên, câu hỏi đặt ra là khối lượng tài nguyên khoáng sản đã khai thác là bao nhiêu, công ty TNHH Ngọc Bình ghi chép số lượng tài nguyên khoáng sản bằng cách nào?
Bên cạnh đó, theo người dân xã Liêng Srônh, xe chở đá từ mỏ đá Ngọc Bình lưu thông trên tuyến đường này diễn ra nhiều năm qua đã gây hư hỏng nghiêm trọng, xuất hiện ổ voi, ổ gà không chỉ gây mất ATGT, mà còn gây bụi bặm, ô nhiễm bầu không khí.
Mỗi lần xe tải di chuyển qua lại khiến bụi bay mù mịt, những hàng cây ven đường dày đặc lớp đất đỏ.
Bà N.T.H – một người dân xã Liêng Srônh cho hay: “Trời nắng lên thì bụi bay mù mịt, còn trời mưa thì lầy lội. Hơn nữa, do đường nhỏ hẹp nên mỗi khi xe tải chạy ngang qua, người dân đang lưu thông trên đường phải đi xuống lề để né tránh nên rất nguy hiểm”.
Ghi nhận thực tế, mỗi khi có xe ben chở đá đi qua, các phương tiện xe 2 bánh, ô tô con phải tấp vào lề đường tránh né. Đáng lo, vào thời điểm đến trường và tan học, con em học sinh trên địa bàn đi lại tuyến đường này đối diện với hiểm họa, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Từ đó, việc ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông, đường đi bị xuống cấp đã gây nhiều bức xúc cho người dân nơi đây.
Trước thực trạng trên, PV đã liên hệ và đặt lịch làm việc với UBND huyện Đam Rông. Đồng thời phản ánh thông tin sự việc đến ông Nguyễn Ngọc Thanh – Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đam Rông. Trao đổi với PV, ông Thanh cho biết sẽ báo cáo với Chủ tịch UBND huyện Đam Rông, sẽ có đoàn kiểm tra và thông tin đến báo chí.
Khoa học và Đời sống sẽ tiếp tục thông tin...
Xem thêm: Trường hợp nào bị coi là khai thác khoáng sản trái phép? Theo Điều 2 Luật Khoáng sản năm 2010 định nghĩa về khoáng sản thì: Khoáng sản là những khoáng vật, khoáng chất được tạo thành trong vỏ trái đất tồn tại dưới dạng rắn, lỏng, khí và được sử dụng trong công nghiệp, trong cuộc sống hàng ngày của con người. Tại Điều 4, Luật Khoáng sản 2010 cũng nêu rõ, cá nhân, tổ chức chỉ được tiến hành hoạt động khoáng sản khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép. Điều này có nghĩa, các cá nhân, tổ chức chỉ được khai thác khoáng sản khi được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản hợp pháp. Từ những căn cứ trên có thể hiểu, khai thác khoáng sản trái phép là hoạt động thu hồi khoáng sản của cơ quan, tổ chức không có quyền hoặc có quyền mà thực hiện không đúng phạm vi, quyền hạn của mình, không được sự chấp thuận, cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Khai thác khoáng sản trái phép là hành vi vi phạm pháp luật, do đó cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự tùy theo mức độ vi phạm. |