Trong nước

Kỹ thuật cao triển khai tại tuyến tỉnh cứu nhiều ca bệnh nguy kịch

  • Tác giả : Thúy Nga
Nhiều kỹ thuật cao được triển khai thành công ngay tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang, giúp cứu sống nhiều ca bệnh nguy kịch. 

3 ca bệnh được can thiệp, điều trị thành công ngay tại BVĐK tỉnh Hà Giang

Ngày 5/6, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hà Giang tiếp nhận bệnh nhân (BN) Nguyễn Văn Q. 61 tuổi vào viện trong tình trạng đột ngột xuất hiện yếu nửa người trái, đau đầu nhiều, nói khó. Qua thăm khám và đánh giá ban đầu, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu đa ổ.

Kết quả chụp cắt lớp vi tính mạch máu não phát hiện tình trạng mảng vữa xơ gây hẹp trên 85% động mạch cảnh trong bên phải. Xác định tình trạng của bệnh nhân rất nghiêm trọng, nếu không được can thiệp sẽ có nguy cơ tắc hoàn toàn động mạch cảnh trong bên phải gây đột quỵ nhồi máu não, kíp can thiệp mạch, Khoa Chẩn đoán hình ảnh BVĐK tỉnh Hà Giang đã hội chẩn qua Telehealth với các chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai.

Kết quả cuộc hội chẩn chớp nhoáng, các bác sĩ thống nhất phác đồ điều trị đặt stent động mạch cảnh là phương pháp điều trị đem lại hiệu quả và an toàn nhất đối với bệnh nhân.

Kíp bác sĩ BVĐK tỉnh Hà Giang thực hiện kỹ thuật ngày 5/6

Kíp bác sĩ BVĐK tỉnh Hà Giang thực hiện kỹ thuật ngày 5/6

Dưới sự hướng dẫn của e kíp các bác sỹ Điện quang can thiệp, Bệnh viện Bạch Mai kỹ thuật được tiến hành sau đó tại phòng can thiệp mạch BVĐK tỉnh Hà Giang. Kết quả can thiệp thành công tốt đẹp; dòng máu động mạch cảnh trong bên phải được tái thông hoàn toàn, ngăn chặn được tình trạng phát triển gây tắc động mạch. Sau điều trị, bệnh nhân cải thiện trên lâm sàng và không có các biến chứng nguy hiểm. Bệnh nhân được ra viện sau 1 tuần điều trị, hiện đang dùng thuốc theo đơn.

BS.Trần Minh Chương, Khoa Chẩn đoán hình ảnh, BVĐK tỉnh Hà Giang - người trực tiếp tham gia thực hiện can thiệp cho bệnh nhân Q. cho biết: bệnh nhân vào viện trong tình trạng nguy kịch. Nếu không được can thiệp xử trí kịp thời thì tỷ lệ tử vong cũng như khả năng tàn phế rất lớn, để lại hậu quả nặng nề. Nhờ sự hướng dẫn của các thầy từ Bệnh viện Bạch Mai, kíp chúng tôi đã can thiệp thành công và đem lại chất lượng sống cho người bệnh.

Trước đó, sáng ngày 31/5/2024, Khoa Chẩn đoán hình ảnh, BVĐK tỉnh Hà Giang dưới sự hỗ trợ của các bác sỹ của Trung tâm Điện Quang, Bệnh viện Bạch Mai đã tiến hành kỹ thuật: Can thiệp nội mạch nút phình mạch não vỡ bằng vòng xoắn kim loại cho nam bệnh nhân 45 tuổi.

Bệnh nhân đột ngột xuất hiện đau đầu nhiều, hoa mắt, chóng mặt. Kết quả chụp MSCT cho thấy bệnh nhân bị xuất huyết dưới nhện do vỡ phình động mạch não vị trí động mạch thông trước. Bệnh nhân được chỉ định can thiệp nút túi phình bằng vòng xoắn kim loại, sau can thiệp bệnh nhân ổn định.

BS.Trần Minh Chương cho biết: Phình mạch máu não là tình trạng một đoạn mạch máu não bị phình to ra hoặc căng phồng lên, thường xảy ra khi thành mạch bị yếu. Phình mạch máu não có thể xảy ra ở bất cứ đoạn mạch nào và ở bất cứ thời điểm nào. Đây là một bệnh lý nghiêm trọng để lại nhiều biến chứng nguy hiểm thậm chí là tử vong.

Ca thứ hai là can thiệp nội mạch nút búi trĩ cho bệnh nhân nữ 74 tuổi, có tiền sử trĩ nhiều năm. Đợt này búi trĩ lòi ra ngoài nhiều gây chảy máu khó khăn trong việc đại tiện. Sau khi thăm khám và hội chẩn, bệnh nhân được tiến hành can thiệp nút mạch búi trĩ. Các bác sĩ đã tiến hành can thiệp qua động mạch quay. Sau can thiệp, BN không cần phải nằm bất động, có thể đi lại nhẹ nhàng, rất thuận tiện cho việc sinh hoạt.

Kíp bác sĩ BVĐK tỉnh Hà Giang thực hiện kỹ thuật ngày 31/5

Kíp bác sĩ BVĐK tỉnh Hà Giang thực hiện kỹ thuật ngày 31/5

Hàng trăm lượt cán bộ y, bác sỹ của Hà Giang được đào tạo chuyển giao kỹ thuật cao, kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu

PGS.TS. Vũ Đăng Lưu, Giám đốc Trung tâm Điện quang - Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Việc tiến hành thành công các kỹ thuật đặt Stent điều trị hẹp động mạch ngoài sọ, can thiệp nút mạch... tại Bệnh viện tỉnh Hà Giang cho thấy kết quả bước đầu của Dự án hỗ trợ hợp tác y tế toàn diện giữa Bệnh viện Bạch Mai với tỉnh Hà Giang.

Khi bác sĩ của tỉnh Hà Giang có thể làm chủ các kỹ thuật cao sẽ giúp nâng cao chất lượng điều trị, cải thiện chất lượng sống cho người bệnh, giúp ngăn ngừa được các trường hợp đột quỵ nhồi máu não trầm trọng, làm giảm tỷ lệ tử vong, tàn phế cũng như gánh nặng cho gia đình và xã hội...

Trước đó, ngày 8/12/2023, nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, nay là Viện Đào tạo và Nghiên cứu Y dược Bạch Mai đã diễn ra Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác hỗ trợ y tế toàn diện giữa Bệnh viện Bạch Mai và tỉnh Hà Giang.

Theo đó Thỏa thuận hợp tác hỗ trợ y tế. được ký kết và triển khai toàn diện trên các mặt: Đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên cán bộ, ứng dụng y học từ xa và nghiên cứu khoa học. Trong vòng 5 năm, Bệnh viện Bạch Mai ưu tiên hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ thuật, quản lý cơ bản và chuyên sâu cho cán bộ y tế của Hà Giang theo 3 hình thức: Đào tạo trực tiếp tại BV; đào tạo tại tỉnh và đào tạo từ xa qua hệ thống công nghệ thông tin (Telehealth).

Trong đó, đặc biệt quan tâm nâng cao năng lực quản lý bệnh viện, các kỹ thuật y học thực hành, nhất là về tim mạch can thiệp, điện quang can thiệp, tiết niệu, lọc máu, hồi sức cấp cứu, nhi khoa…

Việc phát triển y tế chuyên sâu nói riêng và phát triển toàn hệ thống y tế nói chung không chỉ phục vụ cho người dân mà còn tạo sự liên kết với hệ thống y tế trong khu vực. Đặc biệt, nhờ đó, người dân trên địa bàn tỉnh đã được chăm sóc sức khỏe một cách kịp thời ngay tại địa phương, được thụ hưởng các dịch vụ y tế có chất lượng, giảm chi phí do phải chuyển tuyến và làm giảm tỷ lệ chuyển tuyến

Bệnh hẹp động mạch cảnh là một trong các nguyên nhân quan trọng gây đột quỵ nhồi máu não và cơn thiếu máu não thoáng qua vì động mạch cảnh là động mạch lớn nhất cung cấp máu cho não. Tỷ lệ hẹp động mạch cảnh ngoài sọ có triệu chứng khoảng 20 - 40%.

Để chẩn đoán hẹp động mạch cảnh có thể sử dụng các phương pháp: siêu âm, chụp cộng hưởng từ mạch máu (MRA), chụp CT đa cắt lớp (MSCT), chụp mạch số hóa xóa nền (DSA). Phương pháp chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) để chẩn đoán, can thiệp điều trị là phương pháp đưa ra chẩn đoán chính xác nhất về tình trạng lòng mạch, được coi là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán bệnh mạch máu.

Thúy Nga