Dữ liệu y khoa

Chuyển giao kỹ thuật: Tỷ lệ bệnh nhi chuyển tuyến giảm rõ rệt

  • Tác giả : Thúy Nga
Đề án chuyển giao kỹ thuật của bệnh viện Nhi TƯ cho 28 bệnh viện trực thuộc hệ thống chỉ đạo tuyến Nhi khoa đã giúp cho hàng chục nghìn trẻ em được khám, cấp cứu, điều trị kịp thời, hạn chế nguy cơ tử vong, giảm tỷ lệ chuyển tuyến, tiết kiệm chi phí cho gia đình.

Các bệnh viện trong đề án 1816 đã được tiếp nhận kỹ thuật từ Bệnh viện Nhi Trung ương như: Hồi sức cấp cứu cơ bản, hồi sức cấp cứu nâng cao, các bệnh truyền nhiễm thường gặp… đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh tốt hơn cho trẻ em.

Trẻ được cấp cứu, điều trị kịp thời ngay tại tuyến tỉnh

ThS.BS Đỗ Xuân Thụ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La cho biết, trong những năm qua, Bệnh viện Nhi Trung ương đã giúp đỡ, hỗ trợ khoa Nhi trong nhiều hoạt động đào tạo, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nhờ đó, khoa Nhi đã chủ động triển khai nhiều kỹ thuật đặc thù, có nhiều tiến bộ và phát triển vượt bậc về chuyên môn sâu về Nhi khoa.

“Nhiều bệnh nhân trẻ em tại Sơn La đã thực sự được hưởng lợi từ quá trình giúp đỡ, hợp tác vô cùng thiết thực và hiệu quả này. Sơn La tự hào là bệnh viện đa khoa tỉnh có bệnh nhân trẻ em chuyển tuyến về Bệnh viện Nhi Trung ương đạt tỷ lệ thấp”, ThS.BS Đỗ Xuân Thụ nhấn mạnh.

Buổi làm việc giữa bệnh viện Nhi TƯ và bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La

Buổi làm việc giữa bệnh viện Nhi TƯ và bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La

Tương tự, tại BVĐK tỉnh Lai Châu, nhờ chuyển giao kỹ thuật trực tiếp và trực tuyến từ Bệnh viện Nhi TƯ, nhiều bệnh nhi được cấp cứu, điều trị kịp thời, không phải chuyển tuyến.

ThS.BS Nguyễn Thanh Thủy, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Lai Châu cho biết, BVĐK là bệnh viện hạng II, quy mô 500 giường, với 28 khoa phòng. Bệnh viện có nhiều trang thiết bị hiện đại cơ bản đáp ứng công tác khám chữa bệnh như: máy cộng hưởng từ, hệ thống nội soi chẩn đoán và can thiệp tiêu hoá, tiết niệu, sản phụ khoa, tai mũi họng; máy siêu âm lọc máu, sinh hoá, siêu âm 2D, 3D… Bệnh viện cũng đã được tiếp nhận từ Bệnh viện Nhi Trung ương theo Đề án 1816 đang được triển khai có hiệu quả như: hồi sức cấp cứu cơ bản, hồi sức cấp cứu nâng cao, các bệnh truyền nhiễm thường gặp… đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh tốt hơn cho trẻ em.

Khảo sát nâng cao chất lượng chuyển giao

Để nâng cao hơn nữa chất lượng chuyển giao kỹ thuật, tháng 11/2022, Bệnh viện Nhi Trung ương do PGS.TS Phạm Duy Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện kiêm Giám đốc Trung tâm Ngoại Tổng hợp làm Trưởng đoàn đã thực hiện nhiều chương trình khảo sát thực tế, đào tạo, tập huấn, hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện.

Khảo sát thực tế để tìm giải pháp giúp hoạt động chỉ đạo tuyến hiệu quả

Khảo sát thực tế để tìm giải pháp giúp hoạt động chỉ đạo tuyến hiệu quả

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La, dựa vào kết quả khảo sát thực tế, 2 bệnh viện đã cùng thảo luận, phân tích và đưa ra giải pháp hỗ trợ hoạt động chỉ đạo tuyến, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật trong lĩnh vực Nhi khoa giai đoạn 2023 – 2025.

Trong đó có giải pháp chuyển tuyến an toàn cho bệnh nhi; kỹ thuật lọc máu thường quy và lọc máu cấp cứu cho nhóm bệnh lý ở trẻ em dưới 10 tuổi; thực trạng và phân tích nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện ở nhóm bệnh lý hô hấp ở trẻ em có chỉ định khí dung; bổ sung bộ dụng cụ phẫu thuật nội soi Nhi khoa; tăng cường năng lực gây mê và hồi sức sau phẫu thuật Nhi khoa cho bác sĩ, điều dưỡng; nhu cầu chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ trang thiết bị trong một số bệnh lý Ngoại Nhi: bệnh lý lỗ tiểu thấp trẻ em; bệnh lý phình đại tràng bẩm sinh; u nang ống mật chủ trẻ em; khám sàng lọc phát hiện sớm một số dị tật thận và tiết niệu bẩm sinh ở trẻ em tuổi học đường;…và nâng cao xây dựng một số nhóm bệnh lý mãn tính ở trẻ em như: hội chứng thận hư, thiếu máu huyết tán, bệnh lý thuộc chuyên ngành Miễn dịch – Dị ứng – Khớp; ung thư trẻ em, tự kỷ…

Đặc biệt là việc kết nối thông tin liên tục với các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Nhi Trung ương để trao đổi những tình huống lâm sàng cụ thể, hội chẩn trực tiếp để có thể đưa ra giải pháp tối ưu cho những ca bệnh khó, phức tạp, vượt quá khả năng chuyên môn tại Bệnh viện Tỉnh.

Tương tại tại Bệnh viện Đa khoa Thảo Nguyên và Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu…, nhiều giải pháp đã được các đơn vị thảo luận, đề xuất: đào tạo chuyên sâu về hồi sức cấp cứu Nhi khoa/Sơ sinh; đào tạo bác sĩ, điều dưỡng chuyên về phẫu thuật Nhi; bổ sung máy thở CPAP; đèn chiếu điều trị vàng da sơ sinh; cử bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương luân phiên đến hỗ trợ chuyên môn tại chỗ…

“Chuyến khảo sát thực tế đã giúp chúng tôi có thêm nhiều thông tin bổ ích, thiết thực và sẽ chỉ đạo Trung tâm Chỉ đạo tuyến Bệnh viện Nhi Trung ương phối hợp với các đơn vị chuyên môn có liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể, sát với thực tế của từng chuyên khoa, từng bước hỗ trợ, nâng cao chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế tại cơ sở trong hệ thống chỉ đạo tuyến Nhi khoa khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có Sơn La” – PGS.TS Phạm Duy Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện kiêm Giám đốc Trung tâm Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Nhi trung ương nhấn mạnh.

Thúy Nga