Đời sống

Kinh doanh, giết mổ gia cầm trái phép: Nỗi lo "dịch chồng dịch"

  • Tác giả : Hữu Huy
(khoahocdoisong.vn) - Tại TPHCM, nhiều điểm chợ dân sinh tự phát vẫn diễn ra phổ biến tình trạng kinh doanh, giết mổ gia cầm sống trái phép. Điều này tiềm ẩn nguy cơ về dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp.

Trước nỗi lo “dịch chồng dịch” khi Covid-19 đang diễn tiến phức tạp, UBND TPHCM cũng vừa có văn bản chỉ đạo, yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra và xử lý nghiêm các địa điểm kinh doanh, giết mổ gia cầm sống trái phép.

Nhếch nhác kinh doanh, giết mổ gia cầm ở chợ tự phát

Khảo sát một số khu chợ dân sinh tự phát trên địa bàn thành phố, không khó để bắt gặp những hình ảnh về việc kinh doanh, giết mổ gia cầm sống trái phép.

Sáng 29/2, ghi nhận tại chợ tự phát trên đường An Dương Vương (đoạn giáp ranh giữa phường 10, quận 6 và phường An Lạc, quận Bình Tân) cho thấy có ít nhất 3 điểm kinh doanh, giết mổ gia cầm sống.

Chợ họp sát lòng đường An Dương Vương nơi luôn đông đúc xe cộ qua lại, hầu hết người mua gia cầm tại khu chợ này đều có nhu cầu được giết, mổ thịt sẵn nên những người bán hàng giết mổ gia cầm ngay tại nơi bán. Gia cầm được các tiểu thương đặt ngay xuống nền đất để làm lông và mổ. Phần lông, nội tạng được vứt vương vãi trên nền đất, nước thải chảy khắp đoạn vỉa hè.

Sự nhếch nhác, mất vệ sinh đó còn diễn ra ở nhiều khu chợ khác. Đoạn đường Hồ Ngọc Lãm gần chợ Khu phố 2 (phường An Lạc, quận Bình Tân) đang bị một số tiểu thương biến thành khu chợ nhỏ bày bán đầy đủ các mặt hàng nông, thủy sản, gia cầm... Tại đây người bán cũng làm thịt gà, vịt ngay tại điểm kinh doanh. Góc ngã tư Trần Văn Giàu – Võ Văn Vân (phường Tân Tạo, quận Bình Tân) cũng tồn tại 1 điểm kinh doanh gia cầm sống. 

Nhìn chung, các điểm kinh doanh, giết mổ gia cầm sống trái phép tồn tại chủ yếu ở hình thức kinh doanh nhỏ lẻ, tự phát. Do họp chợ không đúng nơi quy định nên sau mỗi buổi họp chợ, tất cả các loại rác thải được vứt bừa bãi ngay ven đường, bốc mùi nồng nặc, ruồi nhặng vây quanh. Thực trạng này không chỉ mất vệ sinh an toàn thực phẩm, mà còn gây nỗi lo tiềm ẩn về lây lan các loại dịch bệnh, đặc biệt trong bối cảnh dịch cúm gia cầm đang có nguy cơ bùng phát.

Một điểm kinh doanh, giết mổ gia cầm sống ở khu vực đoạn đường Hồ Ngọc Lãm gần chợ Khu phố 2 (phường An Lạc, quận Bình Tân).

Một điểm kinh doanh, giết mổ gia cầm sống ở khu vực đoạn đường Hồ Ngọc Lãm gần chợ Khu phố 2 (phường An Lạc, quận Bình Tân).

Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TPHCM cho biết, thời gian tới, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiếp tục chủ động phối hợp với các đoàn kiểm tra liên ngành thành phố và quận, huyện kiểm soát chặt chẽ các hoạt động vận chuyển, giết mổ, kinh doanh gia cầm trên địa bàn thành phố. Kiên quyết xử lý triệt để các trường hợp vận chuyển, giết mổ, kinh doanh gia cầm sống tại các chợ và trong khu vực dân cư, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không đúng quy định; hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ phát sinh dịch cúm gia cầm trên địa bàn thành phố.

Nỗi lo dịch chồng dịch

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm và để chủ động ngăn chặn dịch bệnh bùng phát trên gia cầm và nguy cơ lây sang người, không để xảy ra hiện tượng ‘dịch chồng dịch’ khi bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Covid-19 gây ra trên người đang diễn tiến phức tạp, UBND TPHCM vừa có văn bản chỉ đạo, yêu cầu các Sở, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra và xử lý nghiêm các địa điểm kinh doanh, giết mổ gia cầm sống trái phép.

Theo đó, UBND TPHCM yêu cầu UBND các quận, huyện tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để xử lý dứt điểm tình trạng kinh doanh, giết mổ gia cầm sống trái phép còn tồn tại. Đồng thời giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch, xử lý kịp thời, không để lây lan trên diện rộng, xử lý nghiêm các trường hợp chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, gà đá không đăng ký với chính quyền địa phương và không đảm bảo điều kiện an toàn sinh học, nhất là các quận nội thành và ven nội thành.

“Chủ tịch UBND quận, huyện chịu trách nhiệm về tình trạng kinh doanh, giết mổ gia cầm sống trái phép còn tồn tại trên địa bàn.Đồng thời, chủ động kiểm tra, phát hiện, xử lý các trường hợp kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo ATTP. Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ nguy cơ, tác hại của bệnh cúm gia cầm để chủ động phòng, chống theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn” – Văn bản chỉ đạo của UBND TPHCM nêu rõ.

Ngoài ra UBND TP còn yêu cầu Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Cục Quản lý thị trường, Sở Công Thương, Ban Quản lý An toàn thực phẩm, Công an TP, Sở Giao thông vận tải thực hiện đồng bộ các biện pháp liên quan.

Bên cạnh đó, UBND TPHCM còn giao Sở Y tế chủ động phối hợp với ngành nông nghiệp trong việc chia sẻ thông tin để thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống các bệnh lây truyền giữa động vật và người.

Từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước có 10 ổ dịch cúm gia cầm do chủng virus A/H5N6 gây ra, buộc phải tiêu hủy 43.202 con gia cầm tại 5 tỉnh, thành phố gồm Bắc Ninh, Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa và Nghệ An. Dự báo trong thời gian tới, bệnh cúm gia cầm có chiều hướng gia tăng do ảnh hưởng của thời tiết; việc tăng mật độ chăn nuôi gia cầm bù đắp thiếu hụt thịt heo; cũng như việc mua bán, vận chuyển gia cầm trái phép vẫn còn xảy ra tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

 
Hữu Huy