Giáo dục

Kiến nghị không thực hiện chủ nghĩa bình quân trong chính sách học phí

  • Tác giả : Mai Loan
(khoahocdoisong.vn) - Mặc dù đã tăng học phí ở mức khiến dư luận phản ứng dữ dội, nhưng theo đại diện Trường Đại học Y Dược TPHCM, trường này vẫn chưa tính đúng, tính đủ học phí. Và trường đại học này kiến nghị không thực hiện chủ nghĩa bình quân trong chính sách học phí.

Mức học phí của Đại học Y Dược TPHCM chưa thực sự tính đúng, tính đủ

Liên quan đến vấn đề tự chủ tài chính trong tự chủ đại học theo Luật Giáo dục đại học, ông Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y Dược TPHCM đã có những chia sẻ về một số vướng mắc, bất cập khi triển khai Luật tại Hội nghị VEC 2020.

Cụ thể, một trong những vướng mắc, bất cập, đó là mặc dù đã được Luật và các Nghị định ban hành cho phép, nhưng đối với các đơn vị được tự chủ hoàn toàn, các cơ sở đủ điều kiện thực hiện tự chủ theo Luật, khi Hội đồng Trường triển khai thực hiện tại cơ sở thì chưa được sự ủng hộ và đồng thuận từ các cơ quan quản lý.

Xã hội hiện tại vẫn chưa quen và chưa chấp nhận việc xã hội hóa các nguồn tài trợ của các cơ sở giáo dục công lập khi tự chủ và tự quyết định các khoản thu học phí. Bản thân cơ sở giáo dục, một bộ phận không nhỏ viên chức còn quen với phong cách của thời bao cấp khi được hưởng chính sách từ ngân sách nhà nước cấp đào tạo.

Điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo, bao gồm việc đổi mới, cải tiến chương trình; ảnh hưởng đến các khoản chi phí trả lương, thu nhập… đối diện với nguy cơ không giữ được nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong khi đó, các cơ sở đào tạo tư nhân thì không bị khống chế mức trần về học phí và không được các cơ quan quản lý giám sát về chất lượng đào tạo, gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh. Điều này, về tổng thể có thể gây suy yếu cho hệ thống giáo dục công lập.

Năm 2020, Đại học Y Dược TPHCM bắt đầu triển khai tự chủ tài chính theo Luật Giáo dục đại học sửa đổi số 34/2018/QH-14 thì đã đương đầu với các khó khăn.

Cụ thể, trường xây dựng mức thu học phí áp dụng cho đối tượng mới, thực hiện công khai, minh bạch theo quy định của Luật thì bị phản ứng mạnh từ xã hội và chưa được sự ủng hộ hoàn toàn từ các cơ quan quản lý cấp trên.

Thực hiện theo Luật, Trường đã giải trình và cung cấp đầy đủ minh chứng cho viêc xác định tự chủ tài chính trong thu học phí. Dù vậy, với trách nhiệm của một trường công lập trọng điểm quốc gia Trường vẫn chưa thu đủ và hết các khoản chi phí đào tạo khi không còn được hưởng kinh phí từ ngân sách cấp cho hoạt động thường xuyên.

Đại học Y Dược TPHCM đã cam kết chất lượng đào tạo là chất lượng tốt nhất của khối ngành sức khỏe do đầu tư của nhà trường cho cơ sở vật chất, xây dựng chương trình đào tạo mới dựa trên chuẩn năng lực và đội ngũ giảng viên hàng đầu nhưng mức thu học phí chưa thật sự tính đúng tính đủ.

Trong khi đó, sinh viên trúng tuyển năm 2020 - 2021 sẽ có những trải nghiệm khác biệt so với các năm trước.

Lựa chọn trường học sẽ do xã hội quyết định

Từ những bất cập đã chỉ ra, đại diện của Đại học Y Dược TPHCM cho rằng, đề phát huy hết các điều khoản của Luật Giáo dục đại học sửa đổi bổ sung số 34/2018/QH14 khi triển khai thực hiện tự chủ tự chịu trách nhiệm tại các cơ sở giáo dục công lập, cần có các đề xuất như sau:

Thứ nhất, cần đổi mới phương thức phân bổ ngân sách nhà nước cho các cơ sở giáo dục công lập trọng điểm qua hình thức đầu tư công (nguồn không thường xuyên hàng năm). Nhà nước tập trung đầu tư chiều sâu, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực chất lượng cao đối với các trường đại học công lập ở một số lĩnh vực mang tầm cỡ khu vực và quốc tế để thực hiện chính sách quốc gia thông qua cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu công khai, cạnh tranh lành mạnh.

Thứ hai, cần thống nhất trong quản lý nhà nước về trao quyền tự chủ cho cơ sở giao dục, phát huy vai trò của Hội đồng Trường trong các cơ sở giáo dục công lập khi triển khai tự chủ theo Luật và gắn trách nhiệm giải trình. ‘

Thứ ba, cần có các biện pháp phối hợp với các cơ quan quản lý liên Bộ về việc triển khai thực hiện Luật Giáo dục đại học sửa đổi bổ sung số 34/2018/QH14, để các 560 cơ sở giáo dục triển khai thực hiện quyền tự chủ không bị vướng mắc trong khi Luật cho phép.

Thứ tư, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận ở các ngành, các cấp, các đơn vị sự nghiệp và toàn xã hội trong việc thực hiện chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hoá dịch vụ giáo dục công.

Thứ năm, cần tạo điều kiện và ủng hộ sự cạnh tranh công bằng cho các trường trong khối ngành sức khỏe, cho hệ thống giáo dục công và tư. Sự đánh giá và lựa chọn trường học sẽ do xã hội quyết định, phụ huynh học sinh có quyền lựa chọn trường đại học với mức thu học phí tương ứng với chất lượng đào tạo thật sự của các trường đại học, không thực hiện chủ nghĩa bình quân trong chính sách học phí.

Thứ sáu, cần tạo mọi điều kiện cho các cơ sở giáo dục công lập, đặc biệt là đào tạo khối ngành sức khỏe có đủ nguồn kinh phí, cụ thể là có chính sách đầu tư cho nghiên cứu khoa học, chuyển giao kỹ thuật cao, và cho các chuyên ngành sâu đặc thù theo định hướng chiến lược phát triển quốc gia; ủng hộ việc xây dựng học phí tính đúng và đủ của các cơ sở giáo dục để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, bao gồm việc phát triển và cải tiến chương trình đào tạo, đầu tư trang thiết bị dạy học, tăng thu hút và giữ chân đội ngũ giảng viên giỏi trong hệ thống giáo dục công lập.

Mai Loan