Giáo dục

Không vì khó khăn mà đổ học phí online lên đầu học sinh

  • Tác giả : Mai Nguyễn
(khoahocdoisong.vn) - Dịch Covid-19 xảy ra, tất cả đều chịu ảnh hưởng, trong đó có phụ huynh. Nhà trường không thể vin chuyện khó khăn của mình mà đổ học phí online lên đầu học sinh.

Liên tiếp các vụ phụ huynh phản đối thu học phí online

Ngày 11/5, Bộ GD&ĐT có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước về việc thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực GD&ĐT năm học 2019 - 2020, 2020 - 2021 và chỉ đạo điều hành giá.

Theo chỉ đạo này, đối với các cơ sở ngoài công lập, trong thời gian học sinh, sinh viên nghỉ học để phòng tránh dịch bệnh, nếu không tổ chức học trực tuyến thì sẽ không được thu học phí và các khoản thu hộ, chi hộ.

Nếu đã thu, sẽ thực hiện thanh toán bù trừ khi học sinh đi học trở lại và thanh quyết toán vào cuối năm học với phụ huynh.

Nếu tổ chức học trực tuyến, các cơ sở căn cứ vào tình hình thực tế triển khai, các khoản chi phí phát sinh cần thiết để triển khai các hoạt động tổ chức dạy, thời gian thực tế học trực tuyến, các nội dung truyền tải qua dạy học trực tuyến, tỉ lệ hoàn thành chương trình học… để xác định mức thu hợp lý.

Mức thu trên nguyên tắc chia sẻ khó khăn chung giữa cơ sở giáo dục và phụ huynh học sinh nhưng không được vượt quá mức thu, tổng thu cả năm học đã được cam kết, công khai từ đầu năm học; đồng thời có chính sách giảm mức thu phù hợp với điều kiện của học sinh, sinh viên.

Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các khoản thu, chi trong cơ sở giáo dục trên địa bàn; xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục và trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn để xảy ra tình trạng thu sai quy định, lạm thu.

Tuy nhiên, những ngày gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ việc phụ huynh phản đối việc thu học phí online của các trường ngoài công lập.

Cụ thể, ngày 13/5, nhiều phụ huynh có con học tại Trường Quốc tế Singapore (cơ sở Vạn Bảo, quận Ba Đình, Hà Nội) đã đến trước cổng trường để phản đối việc Trường ra thông báo chỉ khấu trừ cho phụ huynh 20% học phí học phần 3 (thời gian học sinh nghỉ học vì dịch bệnh) và yêu cầu có buổi đối thoại trực tiếp với nhà trường. 

Phụ huynh phản đối về học phí trước Trường Quốc tế Singapore.

Phụ huynh phản đối về học phí trước Trường Quốc tế Singapore.

Trưa ngày 11/5 tại TPHCM hàng chục phụ huynh Trường Quốc tế Mỹ (TAS) tập trung tại cơ sở của trường ở quận 2. Những người này cầm tờ rơi yêu cầu nhà trường công bằng, tôn trọng, đối thoại phụ huynh... Đồng thời, tờ rơi cũng được dán lên phía trước cổng trường.

Trước đó, hàng loạt các cơ sở giáo dục ngoài công lập khác cũng bị phụ huynh phản ứng vì đã thu học phí online không thỏa đáng theo đánh giá của phụ huynh trong mùa dịch Covid-19. Có trường phụ huynh phản ánh đã thu học phí online áp đặt như Báo KH&ĐS phản ánh.

Cơ sở vật chất không dùng tới sao lại đổ lên đầu học sinh?

Trao đổi với phóng viên KH&ĐS về vấn đề thu học phí online trong mùa dịch, TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng chia sẻ, Trường Đinh Tiên Hoàng chỉ thu 1 tháng cho 3 tháng học online.

Số tiền này nhà trường dùng để đủ trả cho giáo viên dạy online. Còn trường vẫn phải đi thuê địa điểm, cơ sở vật chất… thì không tính vào tiền học online.

Giải thích về mức thu, TS Nguyễn Tùng Lâm cho biết, trong mùa dịch thì tất cả đều khó khăn. Có những học sinh bố mẹ không đi làm, không có tiền. Vậy thì cộng đồng phải cùng chia sẻ.

Giả sử nếu vẫn thu cả năm hoặc thu đủ giống như học trên lớp là không đúng. Bởi vì, học online không thể bằng được như học thật. Cũng không nên vin vào cớ thầy cô khó khăn. Mà chỉ nên trao đổi để phụ huynh hiểu, thầy cô đã đổ công, đổ sức trong việc dạy online thế nào...

“Còn tất cả các hoạt động khác, từ cơ sở vật chất không dùng đến sao lại đổ lên dầu học trò? Hiện tại, trường tôi cũng còn đang nợ một loạt tiền cơ sở vật chất nhưng cũng phải chấp nhận, bởi vì dịch mà”, ông Lâm chia sẻ.

Còn cô giáo Nguyễn Thu Hà, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm chia sẻ, ngay từ đầu mùa dịch, Trường đã nhận được sự chia sẻ của phụ huynh trong việc hỗ trợ trả lương cho các thầy cô dạy online.

Tuy nhiên, chỉ khi bắt đầu học online bắt buộc theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT thì trường mới tiếp nhận tấm lòng phụ huynh. Và Trường cũng đã tổ chức một buổi họp phụ huynh để chốt chỉ thu ở mức 350.000đ trong một tuần học đối với tiểu học và 400.000đ đối với THCS và THPT.

Số tiền này so với tiền học phí khi học bình thường là rất nhỏ. Chủ yếu chỉ chi trả cho các thầy cô và những nhân viên phục vụ trường phần nào.

Và đặc biệt, là mức thu này không bắt buộc, mà chỉ để phụ huynh tự nguyện đồng hành. Nếu ai không đồng tình, không đóng cũng không sao. Chính thầy hiệu trưởng cũng đã có một bức thư ngỏ dành cho phụ huynh nói về vấn đề này.

Nhưng rất may mắn là nhà trường đã có sự đồng hành từ phía các phụ huynh. Theo thống kê từ phía Trường tiểu học thì thấy có tới 90% phụ huynh đồng hành. Thậm chí, có phụ huynh còn ngỏ ý cho trường vay tiền. Hoặc đóng luôn học phí cả năm học.

Cô Hà cho biết, có một số phụ huynh thắc mắc sao trường thu ít thế, nhưng theo tính toán của nhà trường, việc học online không thể giống như học ở trên lớp. Cho nên, thu khoảng 27% là chấp nhận được.

Chiều 14/5, Sở GD&ĐT TPHCM có hướng dẫn về thực hiện thu học phí và các khoản thu khác trong năm học 2019-2020 khi các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập tổ chức đi học lại. 

Đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, Sở GD&ĐT TPHCM nhắc lại công văn ngày 27/2/2020 của Sở: "Riêng đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập khác cần thỏa thuận với phụ huynh học sinh các khoản thu phát sinh phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo tính công khai và được sự đồng thuận của phụ huynh học sinh". 

Mai Nguyễn