Cá Koi chết là nước ô nhiễm?
Trưa 18/9, một con cá Koi Nhật Bản được phát hiện đã chết sau 2 ngày thả xuống bể xử lý nước sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano Bioreactor của Nhật Bản tại khu vực đầu đường Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Anh Lê Minh Toán - bảo vệ của công ty Cổ phần cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) cho biết, từ hôm được thả, đàn cá không có biểu hiện gì bất thường, tuy nhiên khoảng 12h trưa 18/9 thì phát hiện một con cá Koi bơi yếu dần rồi chết ngửa bụng.
Trước đó, sáng 16/9, sau đúng 4 tháng thử nghiệm công nghệ Nano - Bioreactor của Nhật Bản trên sông Tô Lịch và một góc hồ Tây, các cơ quan chuyên môn đã tiến hành lấy mẫu nước mang đi phân tích để đánh giá hiệu quả của công nghệ này. Song song với việc lấy mẫu nước, Công ty cổ phần cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) - đơn vị lắp đặt công nghệ Nano Nhật Bản đã tiến hành thả 100 con cá Koi Nhật Bản, 150 con cá chép Việt Nam, cùng khoảng hơn 200 cá rô đồng… xuống sông Tô Lịch và hồ Tây đoạn được xử lý bằng máy sục khí nano.
TS Nguyễn Kiêm Sơn, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật cho biết, đối với cá chép Việt Nam hay cá rô đồng, sức sống của chúng rất mạnh. Thậm chí cá rô đồng có thể thở trên cạn một thời gian tương đối, hoặc có thể tự luồn lách đi tìm môi trường sống trong các hang, hẻm do mang của chúng có gai. Do vậy, nước dù có ô nhiễm (không quá nặng), chúng vẫn sống được. Nhưng cá Koi thì yêu cầu lượng oxy phải đủ lớn, nước trong, không nhiễm tạp chất… thì chúng mới sống được. Việc thay đổi môi trường sống đột ngột để chuyển sang môi trường khác cũng có thể khiến 10-15% cá Koi bị chết là bình thường.
“Khi đi khảo sát chất lượng nước sông Tô Lịch, tôi từng bắt được khá nhiều cá rô ở các cống xả. Còn việc cá Koi bị chết ngoài các nguyên nhân khác thì phải tìm hiểu xem môi trường nước sau xử lý như thế nào, nước đó đã đảm bảo tiêu chuẩn hay chưa”, TS Nguyễn Kiêm Sơn cho biết.
Tô Lịch chỉ là kênh dẫn nước thải
GS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi cho biết, các biện pháp xử lý nước thải để “hồi sinh” sông Tô Lịch là một giải pháp tốt, nhưng cần nhìn nhận vào thực tế là Tô Lịch không bao giờ trở lại được là sông nữa. Bởi để biến Tô Lịch trở lại thành sông, phải có các yếu tố là nguồn nước tự nhiên bổ cập thường xuyên (cái này chúng ta không có), có bùn cát và hoạt động theo quy luật lở, bồi (cái này cũng không thể vì hai bờ kè đã bê tông hóa). Do vậy, trong quy hoạch sông Tô Lịch, cần thiết phải đưa ra các phương án tốt nhất làm sạch dòng kênh này. Việc xử lý nước thải không quá khó. Có thể ngăn thành từng đoạn để xử lý như Nhật Bản đang áp dụng hiện nay cũng là một cách, nhưng không giải được bài toán quy hoạch tổng thể cho sông Tô Lịch.
Theo GS Vũ Trọng Hồng, để sông Tô Lịch có dòng nước trong xanh, thì phải xây dựng hệ thống đường thu gom nước thải riêng. Đường nước thải có thể đi ngầm dưới lòng sông hoặc làm hệ thống cống xả thải riêng biệt, không đổ chung vào nước sông như hiện nay. Làm thế sẽ giải quyết được tận gốc vấn đề ô nhiễm. Khi đó, nước thải sẽ dồn về nhà máy xử lý nước Yên Xá, sau xử lý sẽ đưa trở lại sông. Phần thượng nguồn phía giáp sông Hồng, đầu tư các trạm bơm liên tục để lấy nước sông Hồng đổ vào sông Tô Lịch cũng là một giải pháp cần tính toán. Có như thế mới tạo ra cảnh quan đẹp cho dòng sông. Việc hồi sinh dòng sông Tô Lịch như ngày xưa là bất khả thi. Cách duy nhất là phải quy hoạch lại cả hệ thống kênh dẫn nước thải này để có phương pháp xử lý phù hợp.
“Vừa rồi có người đề xuất ý tưởng kết hợp phát triển du lịch. Xử lý nước cho sạch, rồi cho các tàu, cano chạy trên sông. Nhưng vì Tô Lịch hiện là kênh dẫn nước thải, được thiết kế có độ dốc cao để thoát nước, nên khi làm du lịch, cho thuyền, cano chạy trên sông thì sẽ không phù hợp. Rồi như thế, việc quy hoạch hai bên bờ phải được thực hiện như thế nào? Hạ tầng đi kèm để phát triển du lịch ra sao, là vấn đề rất khó giải quyết. Xử lý nước sông Tô Lịch chỉ là việc đầu tiên cần làm, nhưng chúng ta vẫn cứ loay hoay rất lâu rồi”, GS Vũ Trọng Hồng nhận định.
Bảo Khánh
Hiện dọc sông Tô Lịch có gần 300 cống lớn nhỏ, hàng ngày có khoảng 150.000m3 nước thải sinh hoạt qua các cống này đổ trực tiếp xuống dòng sông. Hà Nội đã khởi động Dự án tài trợ thí điểm xử lý làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản. Qua thử nghiệm, chất lượng nước đã được cải thiện, nhưng ở những khu vực không lắp đặt hệ thống lọc thì mùi hôi thối vẫn nồng nặc. Theo các chuyên gia, công nghệ này chỉ phát huy tác dụng khi nước được phân loại, không có nước thải bổ cập. Ngoài thu gom nước thải, phải nạo vét sạch lớp bùn lưu niên độc hại, gây ra mùi hôi thối dọc sông mới làm sạch được sông Tô Lịch.