Khoe con trên mạng là hành vi bạo lực tinh thần trẻ.
Khoái… ngàn “like”
Không khó để tìm ra những đoạn phim, hình ảnh những đứa trẻ buồn, vui, cười, khóc… trên các trang mạng xã hội do chính người thân của trẻ đăng tải.
Trên trang Facebook cá nhân của N.T.V. (27 tuổi, Bình Thuận) có đăng đoạn phim đứa trẻ trần truồng đang khóc mếu với dòng giới thiệu đầy tự hào: “Khóc nhè mà trông dễ thương chưa mọi người, con tớ đó”. Đoạn phim này thu hút gần 2.000 lượt xem. Bên cạnh hàng trăm bình luận khen: “Nhóc dễ thương quá V. ơi” thì có cả bình luận: “Con khóc thì có gì vui đâu mà khoe?”. N.T.V phản đối: “Trang cá nhân của tôi và đây là con tôi nên tôi có quyền đăng”.
Tương tự, trên trang Facebook cá nhân của Q.A. (31 tuổi, TPHCM) cũng có đoạn phim về đứa trẻ đứng co ro trong góc nhà, khoanh tay, mếu khóc, tìm đủ mọi lý do để phản đối việc mẹ định đánh đòn. Nhiều lúc đứa trẻ vừa khóc vừa hét to: “Không quay, không được quay” rồi lấy tay che mặt. Nhưng đoạn phim này dài đến hơn 5 phút. Trong phim có cả tiếng cười của những người lớn.
Q.A. cho biết, đoạn phim này được chồng chị quay lại khi chị phạt đứa con 4 tuổi của mình vì phạm lỗi. “Thấy con dùng đủ mọi lý do để biện minh cho sai lầm, mình thấy mắc cười quá nên đăng lên Facebook. Không ngờ được cả ngàn “like” (yêu thích) luôn”, Q.A. cho biết. Ngược với lý do “thấy mắc cười” của Q.A., phần lớn ý kiến của người xem đều tỏ vẻ khó chịu: “Con thì khóc mà bố mẹ lại cười, thật không thể hiểu nổi”…
Ngoài ra, còn có vô số đoạn phim ghi lại hình ảnh trẻ em khóc, cười như thế trên YouTube, thu hút hàng trăm ngàn, thậm chí vài triệu lượt xem, trở thành tâm điểm để dân mạng thi nhau bình phẩm, chê bai, giễu cợt…
Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời tư
Điều 21 luật Trẻ em năm 2016, có hiệu lực từ 1/6/2017, quy định: “Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. Trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư”.
Hành vi bạo lực tinh thần trẻ
TS Xã hội học Phạm Thị Thúy, chuyên viên tham vấn tâm lý Nhà văn hóa Phụ nữ TPHCM nhận định: “Việc phụ huynh quay lại hình ảnh con mình dù là đang mếu khóc hay cười vui, hoặc những người lớn quay phim trẻ em tập đánh vần, tập đếm rồi đăng tải lên mạng đều là hành vi bạo lực tinh thần trẻ”.
“Thật bất ngờ là ngày càng có nhiều phụ huynh, người lớn như thế. Họ tìm đủ mọi thú vui trên mạng xã hội, kể cả thú vui xúc phạm, bạo lực tinh thần trẻ em. Đau đớn nhất là họ xúc phạm cả con cái, người thân của chính họ. Đây là một dạng bạo hành tinh thần kinh khủng. Và khi đăng tải đoạn phim của trẻ lên mạng xã hội để người khác thoải mái bình luận chê bai, chỉ trích, chửi mắng, phán xét… như thế là “bạo hành cấp số nhân”. Thậm chí có đứa trẻ không thích quay nhưng người lớn vẫn cứ ép để quay, đó là hành vi cực kỳ tệ hại”, bà Thúy nói.
Bà Thúy phân tích: “Trong mắt bố mẹ thì con lúc nào cũng dễ thương và đáng yêu, nhưng trong mắt thiên hạ thì chẳng phải vậy. Thiên hạ bình phẩm có khen, có chê, có những bình luận cợt nhả, ác ý. “Thương con” kiểu này khác nào hại con. Đưa hình ảnh của trẻ lên mạng nhưng trẻ không biết, không có quyền ý kiến. Dù được khen hay chê thì chắc chắn trẻ cũng sẽ không thích. Vậy tại sao lại phải đem con cái hay học trò của mình làm công cụ để mua vui cho thiên hạ, rồi những đứa trẻ ấy phải nhận lại những chỉ trích, chê bai?”.
Chuyên viên tham vấn tâm lý này nói thêm: “Những đứa trẻ dễ thương, kháu khỉnh thường là “mồi ngon”, điểm nhắm nhanh nhất cho tội phạm. Mà tội phạm ấy có thể trong danh sách bạn bè trên mạng xã hội”.
Theo luật gia Nguyễn Tấn Thi (TPHCM), luật pháp có quy định bảo vệ quyền nhân thân của trẻ em trước những hành vi xấu, tức là những hành động cố ý hoặc vô ý nhưng gây thiệt hại hoặc có khả năng chắc chắn sẽ gây ra thiệt hại. Vì thế, những hành vi quay phim trẻ em rồi đăng tải trên mạng để mua vui, chọc cười thiên hạ là vi phạm pháp luật.
Bà Thúy khuyên: “Người lớn đừng vì “mua vui một vài trống canh” mà coi thường pháp luật, không được cố tình xâm hại hình ảnh riêng tư của trẻ. Phải tôn trọng quyền nhân thân của trẻ. Phụ huynh sinh con, giáo viên dạy học sinh, nhưng không được coi con, coi học sinh là công cụ để mua vui. Không coi trẻ như món đồ chơi để vui thú. Đó là điều sỉ nhục lên trẻ. Trẻ em cần được tôn trọng”.
Lan Tường (tổng hợp)