Y học và đời sống

Cách bổ sung kẽm cho trẻ thấp còi các mẹ nên biết

Kẽm giúp duy trì hoạt động hiệu quả của hệ thống miễn dịch, bảo vệ cơ thể trước bệnh tật, làm vết thương mau lành.

Hỏi: Con tôi 3 tuổi, cháu thấp còi so với các bạn cùng lứa. Cháu hay ốm vặt, đặc biệt cứ viêm họng, viêm mũi nhiều khi biến thành viêm phổi. Đường tiêu hóa của cháu cũng kém nên tôi phải kiêng khem, lắm khi cứ phải cho cháu ăn thịt nạc mãi, không dám chuyển sang các chất tanh, sợ cháu đau bụng. Tôi phải làm sao để cải thiện tình trạng bệnh cho cháu?

Lý Thị Vân (Hải Phòng)

/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/maxresdefault-1-300x189.jpg

Bổ sung kẽm từ hàu.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Viện phó Viện Dinh dưỡng Quốc gia: Nghiên cứu tại Mỹ cho thấy, bổ sung kẽm giúp làm giảm 18% trường hợp tiêu chảy, 41% trường hợp viêm phổi và làm giảm tỷ lệ tử vong trên 50%.

Kẽm giúp duy trì hoạt động hiệu quả của hệ thống miễn dịch, bảo vệ cơ thể trước bệnh tật, làm vết thương mau lành. Trẻ thiếu kẽm sẽ ảnh hưởng trầm trọng tới sự tăng trưởng cả cân nặng và chiều cao.

Ngoài ra, kẽm còn tham gia vào quá trình sinh tổng hợp và điều hòa chức năng của trục hormon dưới đồi như GH (Growth hormon), IGF-I là những hormon tăng trưởng và kích thích tăng trưởng.

Nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy, can thiệp bổ sung kẽm cho trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi có tác dụng phục hồi rõ rệt cả về tốc độ phát triển chiều cao và cân nặng, làm tăng nồng độ hormon IGF-1, tăng cường miễn dịch, giảm bệnh tật.

Kẽm có nhiều trong các thực phẩm như tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan lợn, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành, các hạt có dầu (hạnh nhân, hạt điều, đậu phộng…).

Đậu xanh nảy mầm cũng là thực phẩm giàu kẽm và dễ hấp thu. Không phải sợ cháu tiêu chảy mà kiêng chất tanh. Khi chế biến thực phẩm cho cháu nên nấu kỹ, cho ăn từ từ đến tăng dần để cháu quen với thức ăn.

PV (ghi)