Hỏi: Tôi phát hiện u tuyến giáp, có bác sĩ chỉ định mổ nhưng bác sĩ khác lại đề nghị theo dõi. Tôi rất ngại mổ nhưng cũng sợ bệnh nguy hiểm. Xin hỏi, những trường hợp nào thì chưa cần mổ và phải theo dõi ra sao?
Nguyễn Thị Thành (Hà Nội)
TS.BS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai: Tại Hội nghị Nội tiết Hoa Kỳ tuần trước (ENDO 2022) có bài báo cáo rất ấn tượng của BS B. Gigliotti, Giám đốc Trung tâm Tuyến giáp của Trường Đại học Rochester về những điểm mới trong điều trị ung thư tuyến giáp thể biệt hóa. Trong đó, ông đề cập đến một số bệnh nhân ung thư tuyến giáp có thể không mổ ngay mà chỉ cần theo dõi chặt (active sur-veillance). Cụ thể:
Bệnh nhân ung thư tuyến giáp có thể không cần mổ ngay với các trường hợp: Tuổi cao > 60; Chấp nhận theo dõi chặt và có thể phải phẫu thuật về sau; Có nguy cơ cao bị biến chứng nếu phẫu thuật, có nhiều bệnh đi kèm, thời gian sống thêm ngắn.
Về đặc điểm khối u: U < 1cm và không tăng kích thước theo thời gian; U đặc và có phần nhu mô xung quanh > 2mm là lành tính; Không có bằng chứng di căn; Kết quả tế bào học và sinh học không thuộc nhóm nguy cơ cao.
Điều kiện về thầy thuốc: Được theo dõi bởi nhóm đa chuyên khoa gồm bác sĩ nội tiết, siêu âm và phẫu thuật viên giàu kinh nghiệm; Có máy siêu âm tốt để siêu âm vùng cổ; Có đội ngũ hỗ trợ bệnh nhân được theo dõi chặt.
Những trường hợp này theo dõi siêu âm mỗi 6 tháng trong vòng 2 - 3 năm. Sau đó nếu khối u không phát triển thì theo dõi hàng năm
Trường hợp phải chuyển phương án điều trị (xét mổ) khi đường kính 1 chiều khối u tăng ≥ 3mm; Thể tích khối u tăng > 50%, đặc biệt là nếu thời gian tăng thể tích gấp đôi ngắn (ví dụ trong vòng 6 tháng), hoặc khối u nằm sát vỏ tuyến giáp; khi xuất hiện di căn hạch cổ.
Kết quả một số phân tích gộp công bố năm 2022 cho thấy, theo dõi chặt và phẫu thuật ngay có kết quả tương đương về tỷ lệ tử vong, tỷ lệ tái phát và một số kết cục khác.