Thời sự

Hy hữu: Người phụ nữ 40 tuổi đi ngoài ra sán 1,5m

  • Tác giả : Thúy Nga
Thỉnh thoảng người phụ nữ lại bị đốt sán chui ra ngoài và khi đi cầu ra con sán dây dài 1,5m. Bệnh không có triệu chứng và rất nguy hiểm người dân cần chú ý.

Mới đây, một bệnh nhân nữ 40 tuổi, quê tại Yên Bái đã đến Bệnh viện Đặng Văn Ngữ thuộc Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương khám bệnh với các biểu hiện đau bụng, chán ăn, rối loạn tiêu hóa, suy nhược.

Theo bệnh nhân mô tả, thỉnh thoảng thấy ở hậu môn có từng đoạn dẹp, màu trắng, dài khoảng 1 đến 3cm ra ngoài theo phân, ngay cả những lúc không đi cầu cũng phát hiện thấy những đốt như vậy.

Nguồn nhiễm bệnh sán dây

Nguồn nhiễm bệnh sán dây

Sau khi được bác sĩ thăm khám và làm các xét nghiệm bệnh nhân được chẩn đoán bị nhiễm sán dây trưởng thành và được chỉ định tẩy xổ sán theo quy trình của Bệnh viện Đặng Văn Ngữ. Sau uống thuốc khoảng 3h, bệnh nhân đi cầu lần thứ nhất thu hồi được 3 - 5 đốt sán, 15 phút sau bệnh nhân đi cầu lần thứ 2 ra một con sán dây dài khoảng 1,5m.

Bệnh sán dây là bệnh truyền nhiễm đã được biết từ lâu, là bệnh lây truyền từ động vật ( lợn, trâu, bò) sang con người. Ở Việt Nam gặp 3 loài sán dây chủ yếu là sán dây lợn, sán dây bò, sán dây Châu Á. Con người nhiễm bệnh chủ yếu khi ăn phải trứng sán hoặc ấu trùng sán dây trong thịt lợn, thịt bò, thịt gạo chưa được nấu chín.

Sán dây trưởng thành đều ký sinh tại ruột, thường tồn tại rất nhiều năm, người bệnh có thể không có triệu chứng lâm sàng gì đặc biệt hoặc triệu chứng tiêu hóa mơ hồ, không đặc hiệu.

Hy hữu: Người phụ nữ 40 tuổi đi ngoài ra sán 1,5m ảnh 2

Hy hữu: Người phụ nữ 40 tuổi đi ngoài ra sán 1,5m

Triệu chứng của bệnh sán dây

Đa số các bệnh nhân nhiễm sán dây trưởng thành không có triệu chứng lâm sàng gì đặc biệt, nhiều người bệnh cảm thấy sự di chuyển của đốt sán qua hậu môn hoặc nhìn thấy đốt sán trong phân của mình.

Thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 2 – 3 tháng, người bệnh không có các triệu chứng bất thường gì. Khi sán trưởng thành ký sinh và hút chất dinh dưỡng tại ruột người, các triệu chứng như: buồn nôn, nôn, chán ăn, ăn không ngon miệng, đầy bụng, khó tiêu, đau bụng vùng thượng vị, người bệnh có thể kèm theo rối loạn đại tiện như đi ngoài phân nát, phân lỏng, đôi khi táo bón, thi thoảng có ngứa hậu môn,…

Triệu chứng toàn thân thường không có sốt, đôi khi người bệnh có lo lắng, nhức đầu, sụt cân hoặc nổi mề đay. Rất hiếm khi các đốt sán di chuyển đến các vị trí khác như ruột thừa, ống mật chủ, ống tụy,… tuy nhiên về lý thuyết khi lạc chỗ ký sinh trùng có thể gây tắc nghẽn cơ học.

Đốt sán tự chui ra ngoài

Đốt sán tự chui ra ngoài

Khuyến cáo cách phòng chống bệnh sán dây:

- Tuyên truyền giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức của người dân.

- Thực hiện an toàn thực phẩm: sử dụng nguồn thực phẩm thịt lợn, thịt bò, thịt trâu có nguồn gốc rõ ràng, sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh, không sử dụng thịt lợn gạo, không ăn các loại thịt tái, thịt lợn, thịt trâu, bò chưa được nấu chín, …

- Hạn chế các tập quán không đảm bảo vệ sinh như sử dụng phân tươi để bón cây trồng, nuôi lợn thả rông, nhà xí chưa đảm bảo, …

- Người bệnh nhiễm sán dây cần được phát hiện và đến các cơ sở y tế chuyên khoa Ký sinh trùng điều trị sớm.

Thúy Nga