Trong nước

Đồ ăn vặt cổng trường gắn liền với hiểm họa về an toàn thực phẩm

  • Tác giả : Bình Nguyên
Số liệu từ Cục ATTP, Bộ Y tế cho thấy, có tới 70 - 80% thức ăn đường phố, trong đó có quà vặt cổng trường được xác định là bị nhiễm khuẩn như E.coli - loại vi khuẩn gây tiêu chảy, bệnh đường ruột và khuẩn gây tả.
Đặc biệt, các chất hóa học, thuốc trừ sâu, chất tăng trọng,… còn tồn dư trong các loại thực phẩm sẽ từ từ ngấm vào cơ thể, sau đó tích tụ gây bệnh ung thư.
Nguy cơ ngộ độc từ thực phẩm bẩn, chế biến mất vệ sinh
Trước cổng nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội, hàng quán vỉa hè, xe hàng lưu động, xe hàng rong xuất hiện nhan nhản, hoạt động khó kiểm soát. Những hàng quán bày bán đủ các món ăn vặt như xúc xích, nem chua rán, phô mai que, thịt xiên, bánh tráng trộn, bánh kẹo,… luôn thu hút đông học sinh bởi hương vị hấp dẫn, màu sắc bắt mắt và giá cả phải chăng.
Do an vat cong truong: Tien loi gan lien voi hiem hoa ve ATTP
"Cửa hàng di động" xiên bẩn trên phố Hàng Bài, trước cổng trường THCS Trưng Vương. Ảnh KTĐT
Các loại “xiên bẩn” được bán với mức giá dao động chỉ 2.000 – 10.000 đồng/xiên, rất phù hợp với túi tiền học sinh; nhiều loại nước giải khát đủ màu, đủ vị chỉ có giá 5.000 – 15.000 đồng/cốc... Các loại thực phẩm chiên rán, chế biến tại chỗ hay đồ khô đóng gói sẵn có giá thành dao dộng chỉ từ 2.000 – 10.000 đồng. Giá rẻ chính là một trong những lý do đồ ăn vặt cổng trường có sức hút học sinh dù không ai đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đáng lo ngại, những mặt hàng thực phẩm này thường được chế biến một cách sơ sài với nhiều nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác thương hiệu,... Dầu chiên thường được tái sử dụng nhiều lần và ngả màu đen kịt, gây nguy cơ sinh ra các chất độc hại.
Quy trình chế biến ở các cơ sở này cũng là một điều đáng chú ý khi dụng cụ chế biến thường xuyên được sử dụng lẫn lộn giữa thực phẩm sống và chín mà không qua vệ sinh kỹ lưỡng. Người bán tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm bằng tay trần; cách bảo quản sơ sài, không che đậy khiến bụi bẩn và côn trùng dễ dàng xâm nhập;…
Thậm chí, tại một cơ sở bán "xiên bẩn" ở ngã tư phố Lò Đúc giao Phạm Đình Hổ (quận Hai Bà Trưng), gần trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, phóng viên bắt gặp hình ảnh chiếc giẻ lau sau khi được người bán hàng dùng làm sạch bàn cuốn nem – nơi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, lại tiếp tục được dùng để lau tay và các dụng cụ chế biến như dao, kéo hay thấm dầu thừa trong khay đựng đồ chín.
Do không thể tìm được vị trí hợp lý, nhiều xe hàng rong bất chấp bán ngay gần các khu vực mất vệ sinh như cạnh thùng rác, cống rãnh. Không những vậy, tại đây còn tồn tại hiện tượng các que xiên sau khi “thượng đế” vứt xuống đất đã được chủ hàng vô tư nhặt lên để tái sử dụng.
Do an vat cong truong: Tien loi gan lien voi hiem hoa ve ATTP-Hinh-2
Sức hút khó cưỡng của đồ ăn vặt cổng trường . Ảnh VOV
Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm quanh cổng trưởng học
Trước tình trạng ngộ độc thực phẩm gia tăng, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị ngành y tế các tỉnh, thành tăng cường công tác liên ngành trong thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm; trong đó, tập trung vào các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, cơ sở sản xuất kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình;
Thời gian qua, công tác bảo đảm ATTP tại các trường học luôn được TP Hà Nội quan tâm, chú trọng. Từ tháng 8/2024, TP đã bắt đầu triển khai kế hoạch chuyên đề “Tăng cường kiểm soát ATTP trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn Hà Nội” đối với các cơ sở giáo dục trên toàn địa bàn.
Các cơ quan chức năng của thành phố đã tiến hành rà soát, thống kê các cơ sở giáo dục, bếp ăn tập thể, căng tin trường học trên địa bàn quản lý. Đồng thời, điều tra, rà soát, cập nhật thường xuyên, liên tục các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, kinh doanh tạp hóa có bán thực phẩm bao gói sẵn, thực phẩm chế biến ăn ngay theo từng ngành hàng, mặt hàng thực phẩm xung quanh cổng trường.
An toàn thực phẩm trong trường học là vấn đề cấp bách, đòi hỏi sự vào cuộc và phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng, nhà trường và địa phương. Cần tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, siết chặt quản lý nguồn cung cấp thực phẩm, loại bỏ ngay những điểm bán hàng không đảm bảo vệ sinh quanh trường để nhằm hạn chế tối đa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.
Bên cạnh đó, phụ huynh cần trang bị cho con em kiến thức cơ bản về việc phân biệt thực phẩm bẩn và thực phẩm sạch, nhận diện các địa chỉ uy tín và tránh xa những nơi bán thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Chuyên gia khuyến cáo
TS Trần Việt Nga - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, ẩm thực đường phố, nơi công cộng, trước cổng trường tuy thuận tiện nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm ở mọi lứa tuổi, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người sử dụng. Bởi, đa số người kinh doanh mặt hàng này thường sử dụng nguồn nguyên liệu không rõ nguồn gốc, sử dụng phụ gia thực phẩm bừa bãi, không đảm bảo vệ sinh trong quá trình chế biến, nguồn nước sử dụng bị ô nhiễm...
Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với nơi bày bán thức ăn đường phố: Phải cách biệt nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm; phải được bày bán trên bàn, giá, kệ, phương tiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, mỹ quan đường phố.

Còn theo chuyên gia dinh dưỡng Nguyễn Trang Nhung – Cán bộ Viện Dinh Dưỡng Quốc gia, việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc và bảo quản không đúng cách tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe trẻ em, đặc biệt là các bệnh về đường tiêu hóa như ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy.

Thêm vào đó, các xe hàng rong thường chế biến thức ăn ngay tại chỗ, trong điều kiện vệ sinh không đảm bảo, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh như Salmonella, E.coli, Campylobacter, và các virus như Norovirus phát triển mạnh, gây ra các bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng. Về lâu dài, các thức ăn không đảm bảo vệ sinh còn có thể gây ra các bệnh mạn tính nguy hiểm như tim mạch, gan, thận.

>>> Mời độc giả xem thêm video 82 người tại Phú Yên ngộ độc thực phẩm:

(Nguồn: THĐT)

Bình Nguyên