Y học và đời sống

Hôn mê nhiễm toan ceton, do bỏ dùng thuốc đái tháo đường

  • Tác giả : Thúy Nga
Hôn mê do nhiễm toan cetoan ở bệnh nhân Đái tháo đường (ĐTĐ) là một biến chứng cấp tính rất nặng của bệnh lý ĐTĐ, nguy cơ tử vong cao nếu bệnh nhân không được phát hiện kịp thời và điều trị tích cực.

Vừa qua Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Thận nhân tạo, TTYT huyện Cẩm Khê đã tiếp nhận một bệnh nhân nam 48 tuổi, nhập viện trong tình trạng rất nặng, hôn mê, tụt huyết áp.

Theo Bác sĩ cung cấp: Bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường nhưng bỏ dùng thuốc 10 ngày nay; gia đình phát hiện bệnh nhân lơ mơ, nói nhảm nên nhanh chóng đưa đến viện cấp cứu.

Thời điểm nhập viện bệnh nhân lơ mơ, nói nhảm, tím môi - ngọn chi, thở nhanh sâu, da tái lạnh, mạch nhanh nhỏ, khó bắt, huyết áp tụt, đường máu 40,15Mmol/L, xét nghiệm khí máu cho kết quả toan chuyển hóa, nước tiểu thấy có Ceton niệu.

Bệnh nhân được chẩn đoán: Hôn mê do nhiễm toan Ceton/Đái tháo đường bỏ dùng thuốc. Ngay lập tức bệnh nhân được đảm bảo hô hấp bằng thở oxy kính, truyền insulin tĩnh mạch liên tục, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm bù dịch và điện giải.

Sau khoảng 1h điều trị, Tri giác của bệnh nhân đã có sự cải thiện, nhưng bệnh nhân vẫn còn trong tình trạng rất nguy hiểm. Bệnh nhân tiếp tục được theo dõi, điều trị, chăm sóc tích cực trong những giờ tiếp theo.

Sau 24h điều trị, bệnh nhân tiến triển tốt, tỉnh táo hoàn toàn, các chỉ số sinh tồn mạch, nhịp thở, huyết áp, oxy máu được duy trì ổn định, đường máu được kiểm soát, không phải truyền insulin liên tục, Kết quả xét nghiệm khí máu đã hết toan chuyển hóa.

Hôn mê nhiễm toan ceton do bỏ dùng thuốc đái tháo đường - Ảnh BVCC

Hôn mê nhiễm toan ceton do bỏ dùng thuốc đái tháo đường - Ảnh BVCC

Hôn mê do nhiễm toan cetoan ở bệnh nhân Đái tháo đường (ĐTĐ) là một biến chứng cấp tính rất nặng của bệnh lý ĐTĐ, nguy cơ tử vong cao nếu bệnh nhân không được phát hiện kịp thời và điều trị tích cực.

Nguyên nhân có thể gây ra tình trạng này ở bệnh nhân ĐTĐ có thể do bệnh nhân bỏ thuốc hoặc dùng thuốc không đúng liều hoặc dùng một số thuốc gây tăng đường huyết, nhiễm khuẩn hoặc mắc các bệnh lý cấp tính…

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế (2011) người bệnh đái tháo đường để đạt được mục tiêu cần tuân thủ các chế độ điều trị, bao gồm: Chế độ sử dụng thuốc; Chế độ ăn uống; Thay đổi thói quen sống; Kiểm soát đường huyết; Khám sức khỏe định kỳ.

Việc không tuân thủ kéo theo những biến chứng cấp tính như: Hạ đường huyết; Nhiễm toan ceton và hôn mê nhiễm toan ceton; Hôn mê tăng đường máu không nhiễm toan ceton; Hôn mê nhiễm toan lactic; Các bệnh nhiễm trùng cấp tính.

Ngoài ra, những biến chứng mạn tính được ghi nhận như: Biến chứng thần kinh; Loét chân và đoạn chi; Biến chứng tim mạch; Biến chứng suy thận; Biến chứng mắt; Suy giảm nhận thức.

Do đó, việc tuân thủ phác đồ điều trị là chìa khóa vàng để kiểm soát chặt chẽ tình trạng sống chung với bệnh. Trong điều trị đái tháo đường, hiệu quả phụ thuộc rất lớn vào ý thức hợp tác tự quản lý của người bệnh.

Thúy Nga