Băng huyết sau sinh được xác định là mất máu tích lũy 1.000 ml hoặc mất máu do các dấu hiệu, triệu chứng giảm thể tích máu trong vòng 24 giờ sau khi sinh, đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho người mẹ trên thế giới. Vì thế, người mẹ sau khi sinh cần được theo dõi, cấp cứu kịp thời khi có hiện tượng băng huyết sau sinh, nhằm đảm bảo sự an toàn cho mẹ, tránh hậu quả xấu không đáng có.
Không có tiền sử bệnh tật, sau sinh sản phụ chảy máu không ngừng
ThS.BS Phan Thị Hằng, Phó Khoa Sản, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) cho biết, bản thân vẫn còn cảm giác hồi hộp của những giây phút cùng sản phụ băng huyết nặng sau sinh chiến đấu với "tử thần".
![]() |
Sản phụ bị băng huyết sau sinh nặng qua "cửa tử" nhờ chuyên môn và sự nỗ lực của các y bác sĩ - Ảnh BVCC |
Theo đó, sản phụ T., trú huyện Bố Trạch nhập viện chờ sinh với chẩn đoán mang thai lần 3, thai quá ngày sinh, đái tháo đường thai kỳ. Sản phụ này không có tiền sử bệnh tật hay sản khoa gì bất thường. Thai phụ được theo dõi và xử trí theo đúng phác đồ.
Quá trình chuyển dạ, bệnh nhân có dấu hiệu sốc phản vệ độ 1, được các bác sĩ xử trí ổn định. Đến 23h40 sản phụ sinh 1 bé gái, nặng 3,5 kg. Sau sinh, sản phụ có hiện tượng băng huyết mức độ nặng, tiến triển nhanh. Bằng kinh nghiệm chuyên môn và sự hỗ trợ của khoa, phòng liên quan, các bác sĩ tiến hành cấp cứu, điều trị thành công.
Người bệnh chảy máu không ngừng, được truyền máu và các chế phẩm máu liên tục. Tình trạng bệnh nhân ngày càng xấu. Bác sĩ nhận định tình huống khẩn cấp, nguy kịch. Báo động đỏ toàn viện được kích hoạt. Hội chẩn các bác sĩ liên chuyên khoa, đồng loạt chuẩn bị phòng mổ, máu sẵn sàng cấp cứu.
"Ca mổ diễn ra khẩn trương, căng thẳng. Chúng tôi vừa mổ vừa truyền máu liên tục, lượng máu huy động cho ca mổ là 18 đơn vị. Sau gần 3 giờ đồng hồ cấp cứu, điều trị, lượng máu bệnh nhân mất gần 3 lít" bác sĩ Hằng kể.
Sau những giây phút căng thẳng trong phòng mổ, bệnh nhân được chuyển về phòng theo dõi nhưng áp lực chưa kết thúc. Bác sĩ vừa theo dõi bệnh nhân vừa trấn an cho người nhà bệnh nhân. Trong đầu họ bộn bề với những suy nghĩ, lo lắng.
"Phẫu thuật xong chúng tôi vẫn thấy áp lực, lo lắng vô cùng. Lo nhất là nguy cơ chảy máu lại vì tình trạng rối loạn đông máu chưa cải thiện. Nếu phải mổ lại trong tình trạng này, cơ hội sống gần như bằng không", bác sĩ Hằng nhớ lại.
Hơn 1 giờ theo dõi và điều chỉnh chức năng đông máu hậu phẫu, tình trạng sản phụ T. chuyển biến tốt dần. Các y bác sĩ vui mừng thông báo tới người nhà bệnh nhân, họ cùng thở phào nhẹ nhõm. Bác sĩ Hằng cùng ê-kíp không được nghỉ ngơi mà tiếp tục điều trị ca bệnh khó sinh khác. Đêm trắng chiến đấu giành lại nhiều sinh mạng từ tay tử thần.
"Niềm vui lớn với ê-kíp chúng tôi là bệnh nhân tưởng chừng không qua khỏi đã được cứu sống. Đêm trắng chạy đua vì tính mạng bệnh nhân, mang lại kết quả tuyệt vời", bác sĩ Hằng xúc động nói.
"Vợ gặp tình trạng nguy kịch, tôi vô cùng lo lắng, tôi đã hỏi bác sĩ. Các bác giải thích tình trạng và phương án điều trị tôi đồng ý thực hiện. May nhờ có sự nỗ lực của bác sĩ mà vợ tôi qua cửa tử", chồng sản phụ T. chia sẻ.
![]() |
Ca phẫu thuật cấp cứu cho sản phụ - ảnh BVCC |
Nhiều nguyên nhân gây băng huyết sau sinh gây tử vong hàng đầu cho thai phụ
Các chuyên gia sản phụ khoa cảnh báo, băng huyết sau sinh là một tai biến sản khoa thường gặp và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở sản phụ sau sinh. Đây là hiện tượng chảy máu kéo dài sau sinh cần được xem xét cẩn trọng và xử trí kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Hiện tượng chảy máu (băng huyết sau sinh) qua ngã âm đạo với lượng máu vượt quá 500ml sau khi sản phụ sinh con được gọi là chảy máu sau sinh đẻ. Đây là một trong 5 tai biến sản khoa thường gặp nhất, tiềm ẩn nguy cơ gây tử vong cho người mẹ.
Theo đó, cần phân biệt hiện tượng chảy máu kéo dài sau sinh với sản dịch vì thông thường sau khi sinh, sản phụ sẽ có hiện tượng mất máu nhưng với lượng ít và sau đó ngưng hẳn, chỉ còn lại sản dịch chảy ra ngoài âm đạo với lượng ngày càng ít lại. Bác sĩ cần đánh giá lượng máu sản phụ mất sau sinh, nếu mất máu trên 300ml thì bắt đầu gây nguy hiểm cho sản phụ. Có rất nhiều nguyên nhân chảy máu sau sinh:
Đờ tử cung: Tử cung của sản phụ không co lại sau khi thai nhi và nhau thai đã được tống ra. Đờ tử cung gây chảy máu sau khi xổ nhau thai, tử cung giãn to, mềm nhão, co hồi kém hoặc không co hồi, không có khối an toàn.
Chấn thương đường sinh dục: Người mẹ bị chấn thương ở đường sinh dục, đặc biệt là vỡ tử cung, rách âm hộ, âm đạo, rách tầng sinh môn, cổ tử cung... Thăm khám thấy tử cung co hồi tốt nhưng máu vẫn chảy ra ngoài âm hộ, máu có màu đỏ tươi, chảy rỉ rả hay chảy liên tục thành dòng, phát hiện thấy vết rách và máu tụ lại ở đường sinh dục.
Bất thường trong quá trình bong nhau, sổ nhau: Sót nhau thai, sót màng nhau thai. Triệu chứng nhận biết là chảy máu âm đạo sau khi sổ nhau thai, tử cung có thể co hồi kém, máu chảy rỉ rả, có thể ít hoặc nhiều, máu có màu đỏ tươi lẫn máu cục. Có thể phát hiện sớm tình trạng sót nhau thai khi kiểm tra bánh nhau và màng nhau. Nếu phát hiện muộn, sản phụ bị mất máu nhiều có thể quá sốc.
Nhau không bong: Nhau không bong xảy ra trong vòng 30 phút sau khi sổ thai nhi. Trường hợp nhau thai cài răng lược bán phần: Sau khi thai nhi sổ 30 phút, nhau thai không bong và chảy máu nhiều/ít tùy theo diện tích nhau thai bong rộng hay hẹp. Trường hợp nhau cài răng lược toàn phần khá ít gặp và không gây chảy máu.
Rối loạn đông máu: Ngoài dấu hiệu chảy máu kéo dài sau sinh và các chỉ số đông máu bất thường, sản phụ còn có thể có biểu hiện vật vã, hốt hoảng hoặc lơ mơ, da niêm mạc nhợt nhạt, chân tay lạnh. Khi sản phụ bị mất nhiều máu sẽ dẫn đến mạch nhanh, huyết áp giảm. Để ngăn ngừa băng huyết sau sinh, trước khi chuyển dạ sản phụ phải được đánh giá tình trạng đông máu một cách cẩn thận.
Sản phụ có nguy cơ cao bị băng huyết sau sinh: Sinh đôi, thai to, đa ối, sinh đẻ nhiều lần, chuyển dạ kéo dài, tiền sử băng huyết lần sinh trước.
Để phòng ngừa sản phụ bị băng huyết sau sinh, nhân viên y tế phải đỡ đẻ đúng kỹ thuật, nhẹ nhàng, tránh gây chấn thương đường sinh dục, đồng thời thực hiện các phương pháp sau đây:
Khi có tổn thương đường sinh dục, cần phát hiện sớm và xử trí kịp thời.
Theo dõi sản phụ 6 giờ đầu sau khi sinh đẻ, đặc biệt 2 giờ đầu để phát hiện sớm tình trạng chảy máu kéo dài sau đẻ hoặc xuất huyết bất thường.
Tất cả sản phụ trước khi sinh phải được đánh giá tình trạng đông máu một cách cẩn thận.
"Rất nhiều sản phụ sinh nở hoàn toàn bình thường, nhưng không ai biết được điều gì sẽ xảy ra trong lần sinh tiếp theo.
Biến chứng có thể đến bất ngờ và diễn biến cực kỳ nhanh nên các sản phụ và gia đình không nên chủ quan. Hãy đến các cơ sở y tế đủ chuyên môn để khám thai định kỳ, được theo dõi, can thiệp kịp thời", bác sĩ Hằng khuyến cáo.