Giáo dục

Học trực tuyến ngán lắm cô ơi!

  • Tác giả : Mai Loan
Khi được hỏi về việc có mong được trở lại trường, nhiều học sinh chia sẻ, quá nhớ trường nhớ lớp, mong được trở lại trường học trực tiếp.

Mong được quay trở lại trường

Bé Khánh An (học sinh lớp 4, TPHCM) đã không đến trường 6 tháng kể từ khi bắt đầu dịch bùng ở TPHCM. Do dịch bệnh, Khánh An hầu như chỉ ở trong nhà, không được ra ngoài. Nhà không có người trông, vào tháng 10, khi bắt đầu đi làm trở lại, mẹ của bé phải “cắp” con lên cơ quan.

Hiện tại, chị vẫn không dám cho con đi đến những khu vui chơi vì F0 trong cộng đồng vẫn nhiều, chị sợ con sẽ bị nhiễm bệnh.

Buổi sáng, bé Khánh An học trực tuyến. Thời gian còn lại, ngoài những lúc làm bài tập, bạn của em chỉ là chú chó. Chơi chán thì lại đọc truyện, thi thoảng chơi game.

tro-lai-truong.jpg
Bé Khánh An chia sẻ, đã quá chán với việc học online và mong muốn được trở lại trường học trực tiếp, được gặp thầy cô và vui chơi cũng các bạn.

Khi hỏi về việc có muốn quay trở lại trường hay không, bé Khánh An cho biết, em rất mong được đến trường.

“Học trực tuyến chán lắm, mệt lắm cô ơi, con muốn được đến trường gặp bạn bè, gặp thầy cô lắm rồi”, bé Khánh An chia sẻ.

Bé Khánh An cho biết, khi học trực tuyến, mạng chập chờn, rất nhiều bài giảng của cô em không hiểu. Các bạn thì hay nói chen vào micro át cả tiếng cô. Nếu như học trực tiếp trên lớp, các bạn nói em vẫn có thể nghe được cô giảng thì khi học online, khi có một bạn nói chen ngang là tiếng cô cũng bị ngắt quãng luôn. Điều đó khiến em cảm thấy rất khó chịu, bực bội. Cũng có rất nhiều lần em vừa học vừa ngủ gật, hoặc chảy nước mắt vì nhìn màn hình lâu.

Mẹ của Khánh An cho biết, việc học trực tuyến khiến cả hai mẹ con đều mệt mỏi, áp lực. Con không hiểu bài cô giảng ở trên lớp, nhưng bản thân phụ huynh cũng không biết để giảng lại cho con hiểu. Có những đêm, thậm chí hai mẹ con “đánh vật” đến tận 1h sáng. Có lúc, mẹ không kìm chế được cũng “tét mông” con vài cái.

Ngoài ra, thiết bị học tập cho con cũng là cả một vấn đề. Máy tính cũ con đang học thì bỗng “lăn ra” hỏng. Lương bị cắt giảm do dịch bệnh, nhưng chị vẫn buộc phải mua máy mới cho con. Công việc của chị cũng gắn với máy, nhưng khi con học chị đành phải nhường cho con.

Dù cũng rất lo ngại về dịch bệnh, nhưng chị cho rằng, vẫn nên có giải pháp an toàn để cho trẻ đến trường. “Tôi cảm thấy khi ở nhà nhiều quá, trẻ bị ảnh hưởng nhiều về sức khỏe, tâm lý. Nhiều trẻ quên cả giao tiếp, mất kỹ năng chào hỏi, trở nên sợ giao tiếp, nhút nhát”, phụ huynh này nói.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Khoa học & Đời sống, rất nhiều học sinh cũng chung suy nghĩ giống như bé Khánh An, đều mong muốn được quay trở lại trường học.

Em Nguyễn Vân Chi (Nam Từ Liêm, Hà Nội) năm nay học lớp 7, và em trai học lớp 5, mỗi sáng đều ngồi bên chiếc điện thoại để học bài. Bố mẹ đi làm cả ngày, ở nhà chỉ có hai chị em. Màn hình điện thoại nhỏ, nhiều khi em phải dí sát mắt vào màn hình mới nhìn được chữ trong bài giảng của cô.

“Ngày nào con cũng theo dõi số ca nhiễm Covid-19, chỉ chờ ngày được đến trường. Mắt con đã tăng thêm độ cận sau mấy tháng phải ở nhà học online”, chị Vân Anh, mẹ của em chia sẻ.

Thủ tướng yêu cầu khẩn trương có giải pháp mở cửa trường học

Mới đây, trong cuộc họp trực tuyến toàn quốc với các địa phương về những kết quả bước đầu của công tác phòng chống dịch trong đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4 đến nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã yêu cầu, khẩn trương có giải pháp mở cửa trường học cho các cháu; triển khai một số giải pháp cả trước mắt và lâu dài để chăm sóc các cháu mồ côi do dịch bệnh. Bộ Y tế hướng dẫn an toàn, khoa học, hiệu quả, kịp thời để các địa phương tiếp tục triển khai mạnh mẽ chiến dịch tiêm chủng văcxin...

Nên mở cửa trường, xác định “sống chung với dịch”

Trao đổi với phóng viên Khoa học & Đời sống, cô giáo Đỗ Phương Nam, Trường THCS Trung Tự, Hà Nội cho biết, việc học trực tuyến chỉ là giải pháp tình thế, không thể thay thế học trực tiếp và cũng không thể kéo dài mãi được.

Thực tế, việc học trực tuyến không chỉ là vấn đề học tập, mà quan trọng hơn, ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe của các con. “Mắt, cột sống của các con bị ảnh hưởng rất nhiều. Nhiều con có dấu hiệu bị các vấn đề về tâm lý. Một số trẻ, thậm chí nữ nhiều hơn nam sa vào chơi game. Nếu kéo dài thời gian phải ở nhà thì không ổn”, cô Nam chia sẻ.

Theo cô Nam, giờ phải xác định “sống chung với Covid-19”, chứ không thể nào hết sạch và thoát khỏi Covid-19 vĩnh viễn được. Cho nên, cần có các giải pháp đảm bảo an toàn một cách tốt nhất cho các con, để sớm mở cửa trường học.

Đồng quan điểm với cô Nam, cô Đặng Thị Liễu, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều cũng cho rằng, nếu mọi hoạt động xác định chuyển sang bình thường mới thì giáo dục cũng không thể là một “ốc đảo”.

Việc học trực tuyến kéo dài gây nhiều hệ lụy thế nào đã có ý kiến của rất nhiều giáo viên, học sinh và cả các nhà chuyên môn. Cho nên, phải tìm cách để sớm mở cửa trường, trong đó có vấn đề tiêm văcxin, đảm bảo 5K.

Cũng theo cô Liễu, nhiều người lo ngại đang hình thành một thế hệ Covid vì học sinh không được đến trường do dịch bệnh.

“Làm như thế nào thì các cơ quan chức năng, trong đó, Bộ Y tế phải đưa ra những giải pháp. Còn bản thân giáo viên và học sinh rất mong ngóng ngày được trở lại trường. Học sinh cần được đến trường, gặp bạn bè, được vui đùa. Trường học không có học sinh thì không phải là trường học”, cô Liễu nói.

Bên cạnh những phụ huynh mong mở cửa trường học thì cũng có nhiều phụ huynh bày tỏ sự lo lắng khi số ca nhiễm vẫn tiếp tục tăng cao từng ngày, trong số những ca tử vong vẫn có trẻ em. Một số giáo viên cho rằng, mở cửa trường học khi chưa phủ được văcxin lúc này rất nguy hiểm. Việc học là cả đời chứ không phải ngày một ngày hai. Có thể tìm những giải pháp để giảm giờ học online, thay đổi cách thi cử, đánh giá, thay vì mở cửa trường học “non” trong lúc này.

Mai Loan