Giáo dục

Học sinh lớp 1, 2 có cần kiểm tra học kỳ online?

  • Tác giả : Mai Nguyễn
(khoahocdoisong.vn) - Nhiều ý kiến cho rằng, kết quả bài kiểm tra học kỳ online chỉ là một căn cứ để đánh giá, xếp loại học sinh; khó kiểm soát được sự minh bạch thì không cần thiết phải kiểm tra học kỳ online.

Công bằng phụ thuộc công tâm

Sở GD&ĐT Hà Nội vừa có văn bản gửi Phòng Giáo dục các quận, huyện về việc thay đổi hình thức kiểm tra đánh giá với cấp học lớp 1, lớp 2.

Theo đó, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các Phòng GD&ĐT chỉ đạo những trường tiểu học trên địa bàn quản lý, nếu chưa hoàn thành việc kiểm tra đánh giá định kỳ các môn học cuối học kỳ II và không đủ điều kiện kiểm tra trực tuyến theo quy định thì được vận dụng các thông tư của Bộ GD&ĐT quy định về đánh giá học sinh tiểu học để hoàn thành việc đánh giá, xếp loại học sinh.

Các trường giao quyền cho giáo viên dựa vào kết quả học kỳ I, kết quả giữa kỳ II và kết quả đánh giá thường xuyên để khẳng định kết quả năm học 2020 - 2021 đối với học sinh lớp 1, lớp 2.

Trước thông tin này, có ý kiến lo ngại rằng sẽ có sự thiếu công bằng trong việc kiểm tra, đánh giá bằng các hình thức khác nhau và từ chính giáo viên khi đánh giá, xếp loại học sinh mà không qua hình thức kiểm tra học kỳ 2.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, cô giáo Lê Huyền, Trường Tiểu học Thụy Lâm A, Đông Anh, Hà Nội cho biết, cho đến thời điểm hiện tại, có nhiều trường đã thực hiện kiểm tra trực tuyến học kỳ 2 ở các lớp và tổng kết năm học. Tuy nhiên, cũng có một số trường điều kiện cơ sở vật chất chưa đáp ứng được việc kiểm tra trực tuyến, đường truyền internet chưa ổn định, hoặc phụ huynh không có đủ trang thiết bị để con có thể làm bài kiểm tra trực tuyến… Chính vì vậy, chỉ đạo của Sở GD&ĐT về việc không bắt buộc học sinh lớp 1, 2 thi học kỳ online là nhằm tháo gỡ khó khăn cho những cơ sở giáo dục này.

Về việc không kiểm tra học kỳ mà chỉ dựa vào kết quả học kỳ I, kết quả giữa kỳ II và kết quả đánh giá thường xuyên để khẳng định kết quả năm học 2020 - 2021 đối với học sinh lớp 1, lớp 2 liệu có công bằng, chính xác hay không, theo cô Huyền, điều này hoàn toàn có thể làm được. Bởi vì, bài thi cũng chỉ là một khẳng định và thêm căn cứ để đánh giá học sinh, chứ không phải là tất cả.

Thực tế, trong quá trình học sinh học, các giáo viên cũng đã đánh giá được thực lực học tập của các em. Em nào điểm cuối kỳ cao nhưng cả quá trình học không tốt, thì cũng không thể được đánh giá ở mức tốt được.

Tuy nhiên, để có được sự công bằng, khách quan cũng còn phụ thuộc vào sự công tâm của giáo viên. Nếu giáo viên công tâm trong suốt quá trình dạy và trong việc đánh giá học sinh thì sẽ có sự công bằng.

Nên bỏ kiểm tra học kỳ online với toàn bộ học sinh lớp 1, 2?

Gần hai tuần nay, gia đình chị Nguyễn Thu Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) ngày nào cũng phải bố trí người ngồi kèm cạnh cậu con trai lớp 1, chuẩn bị lên lớp 2 học ôn thi online để chuẩn bị cho bài kiểm tra học kỳ. Mỗi khi có trục trặc về mạng, máy tính còn kịp thời hỗ trợ. Hết buổi học, phụ huynh lại chụp bài làm của con, gửi qua mạng xã hội cho giáo viên.

“Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội, không thể ra hàng in được, nên phải cho con ngồi nhìn máy tính để chép bài tập ra làm. Sáng nào các con cũng học ôn online, sau đó lại nhìn máy tính làm bài tập. Trong khi đó, theo như giáo viên phổ biến trong cuộc họp phụ huynh, điểm thi này chỉ là một trong những căn cứ để đánh giá kết quả học tập của học sinh. Vậy tôi không hiểu tại sao không bỏ luôn kiểm tra đi, chỉ căn cứ vào quá trình học luôn, cho đỡ vất vả cả cô, cả trò?”, chị Hà bày tỏ.

Trao đổi với phóng viên, một giáo viên dạy lớp 1 ở Hà Nội cho biết, trong tình hình dịch bệnh, đối với học sinh lớp 1, lớp 2. Thay vào đó, giáo viên căn cứ vào kết quả học kỳ I, kết quả giữa kỳ II và kết quả đánh giá thường xuyên để khẳng định kết quả năm học. Bởi các em còn nhỏ, việc thi vẫn cần sự hỗ trợ của người lớn, kết quả có thể không đạt được sự chính xác, minh bạch cao.

Ví dụ, như đối với học sinh lớp 1 trường cô, quy định học sinh phải bật camera trong suốt quá trình làm bài kiểm tra, nhưng lại yêu cầu tắt micro (tránh trường hợp các em còn nhỏ, chưa giữ được trật tự, làm ảnh hưởng đến các bạn khác). Và phụ huynh có quyền ngồi ở vị trí phù hợp, chỉ cần không để hình ảnh xuất hiện trên camera. Hết giờ làm bài, phụ huynh chụp bài của con, gửi qua mạng xã hội cho giáo viên. Như vậy, nếu muốn “gà” bài cho học sinh, phụ huynh hoàn toàn có thể làm được.

Cũng chính vì lý do này, mà điểm thi chỉ là một trong những căn cứ để đánh giá học sinh cả năm. Nếu điểm thi học sinh được 10, nhưng trong cả quá trình học, học sinh chỉ đạt ở mức 7 thì giáo viên cũng không thể đánh giá học sinh ở mức 10.

Nói như vậy để thấy, trong hoàn cảnh dịch bệnh, đối với học sinh lớp 1, 2, chỉ cần đánh giá, xếp loại từ kết quả học quá trình học của các em, không cần thiết phải kiểm tra học kỳ online (không có ý nghĩa nhiều trong việc đánh giá, xếp loại) trong khi lại gây khó khăn cho cả phụ huynh và giáo viên.

Cô giáo Lê Huyền cho biết, để tránh học sinh quên kiến thức trong những ngày các em chưa thể đến trường, phụ huynh nên có sự sắp xếp hợp lý kết hợp phân bổ thời gian cho con ở nhà để vừa chơi -  vừa ôn tập. Với học sinh lớp 1, 2, 3 đang cần phát triển kĩ năng đọc thì phụ huynh có thể mua sách, báo để con đọc (đọc truyện- rèn đọc).

Đối với môn Toán có nhiều trò chơi kết hợp, phần rèn tính thì phụ huynh có thể dùng hình thức đố vui, tính nhanh để giúp học sinh nhớ lại kiến thức.

Mai Nguyễn