Doanh nghiệp

Hoãn xuất cảnh giám đốc Mumuso và loạt DN... vì nợ thuế

  • Tác giả : Liên Hà Thái (t/h)
Ngoài đại diện công ty Mumuso Việt Nam, hàng loạt giám đốc doanh nghiệp, người đại diện pháp luật doanh nghiệp khác cũng bị các chi cục hải quan trên cả nước thông báo tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế kéo dài.
Từ đầu tháng 4 đến nay, các chi cục hải quan trên cả nước đã có nhiều văn bản thông báo tạm hoãn xuất nhập cảnh với 29 đại diện doanh nghiệp bị nợ thuế.
Theo Tổng cục Hải quan, những doanh nghiệp nợ thuế bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế chủ yếu do cố tình chây ỳ, kinh doanh thua lỗ, gian lận trong kinh doanh... Nhiều doanh nghiệp nợ thuế trên 30 ngày, cơ quan chức năng gọi điện, nhắn tin ban hành văn bản đôn đốc. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, các doanh nghiệp nợ kéo dài từ 91 ngày trở lên khiến cơ quan chức năng buộc phải cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản.
Cưỡng chế thi hành quản lý thuế
Theo đó, ngày 28/4, Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư - gia công thông báo tạm hoãn xuất cảnh với ông Vũ Hải Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Tiến Thắm (trụ sở tại Quận Kiến An, TP Hải Phòng). Ông Tiến bị tạm hoãn xuất cảnh do Công ty Tiến Thắm đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế do chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Theo thông báo, ông Tiến sẽ bị hoãn xuất cảnh từ 28/4 đến khi hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế và ngân sách.
Bên cạnh đó, ngày 27/4, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1 (Cục Hải quan TPHCM) đã thông báo tạm hoãn xuất nhập cảnh với 6 đại diện doanh nghiệp gồm: Ông Nguyễn Khánh Thanh (Công ty TNHH Hợp Nhất Nông), bà Đỗ Xuân Trang (Công ty CP Green Lotus), ông Đặng Thế Kỷ (Công ty TNHH TM Xuất nhập khẩu Hiệp Vương), ông Tô Hoàng Vũ (Công ty TNHH Tô Liêm), ông Hồ Phạm Minh Tâm (Công ty TNHH Minh Thái Lộc) và bà Lê Thị Thảo (Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phát triển Thảo Đạt). Hầu hết các đại diện doanh nghiệp bị hoãn xuất cảnh vì không hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách Nhà nước.
Trước đó, ngày 19/4, Chi cục Hải quan Cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất có thông báo về việc tạm hoãn xuất cảnh người đại diện pháp luật Công ty TNHH Tân Châu là ông Nguyễn Thế Cường. Lý do, Công ty TNHH Tân Châu do ông Cường đại diện pháp luật nợ thuế cưỡng chế, đã bị cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan với với hàng hóa xuất nhập khẩu, nhưng không chấp hành nộp thuế.
Cũng trong tháng 4/2023, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1 cũng ban hành 5 quyết định hoãn xuất cảnh đối với: Bà Phạm Thị Thùy Duyên, Công ty TNHH Hoàng Phương Long; ông Huỳnh Văn Xuân, Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Thành Công S.G; ông Ahn Jang Kyun, Công ty TNHH Vật liệu Xây dựng và Trang trí nội thất Hàn Việt; bà Trần Hồng Vân, Công ty TNHH Thương mại Kiến Long; ông Nguyễn Công Nguyên, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Mumuso Việt Nam.
Đáng chú ý, trước đó vào năm 2018, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Mumuso Việt Nam đã bị Bộ Công Thương chỉ rõ hàng loạt sai phạm trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, trong thông báo kết luận kiểm tra của Bộ Công Thương với Mumuso Việt Nam, có tới 2257/2273 (chiếm 99,3%) loại hàng hóa của Mumuso được nhập khẩu từ Trung Quốc; phần còn lại được công ty mua tại các đơn vị cung cấp hàng hóa, sản phẩm khác trong nước.
Đặc biệt, trong thông tin, tài liệu cung cấp công khai cho người tiêu dùng, công ty sử dụng nhiều nội dung thể hiện sự liên quan tới nguồn gốc từ Hàn Quốc nhưng không cung cấp được các căn cứ, tài liệu để xác minh tính chính xác của các thông tin, nhất là thông tin về nguồn gốc, công nghệ sản xuất sản phẩm.
Xét trên góc độ pháp luật về cạnh tranh, Bộ Công Thương cho biết việc công ty sử dụng một số nội dung quảng cáo công khai tại cửa ra vào địa điểm kinh doanh như: "Mumuso; Giá chỉ từ 22.000; KOREA"; sử dụng chữ KOREA trên các túi đựng sản phẩm, là không chính xác, có thể khiến khách hàng hiểu rằng cửa hàng, người sản xuất, nơi sản xuất, xuất xứ, sản phẩm của Công ty liên quan đến KOREA (Hàn Quốc). Ngoài ra, công ty này còn bị kết luận nhiều dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật khác…
Hoan xuat canh giam doc Mumuso va loat DN... vi no thue

Lý do tạm hoãn xuất cảnh đa số do doanh nghiệp không chấp hành thông báo về tiền nợ thuế và tiền chậm nộp. (ảnh minh họa: Internet).

Liên quan đến việc nợ thuế, trước đó, trong tháng 3/2023, các đơn vị thuộc Cục Hải quan TPHCM cũng thông báo tạm hoãn xuất cảnh khoảng 60 giám đốc, đại diện doanh nghiệp do doanh nghiệp nợ thuế kéo dài, khó đòi.
Chẳng hạn, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn Khu vực 1 thông báo tạm hoãn xuất cảnh với bà Võ Thị Kim Cương, đại diện pháp luật Công ty TNHH Công nghệ gỗ châu Âu và bà Đồng Thị Kim Nam, đại diện pháp luật Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu đất Quảng Nam. Việc tạm hoãn xuất cảnh do các công ty này nợ thuế từ năm 2020 đến khi có quyết định tạm hoãn xuất cảnh.
Tương tự, cơ quan này cũng thông báo tạm hoãn xuất cảnh với giám đốc của hàng loạt doanh nghiệp như Công ty TNHH Thủy sản H.M.P, Công ty TNHH Xây dựng Phúc Giang, Công ty TNHH Vật liệu Xây dựng Gia Hưng Thịnh, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Xuất nhập khẩu Đức Bình, Công ty TNHH Thực phẩm Thái Bình Dương, Công ty TNHH Villa Home…
Ngoài ra, Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư, Cục Hải quan TPHCM cũng thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Trương Hiếu (sinh năm 1965, ngụ phường 11, quận Tân Bình, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Thương mại Thành Tài) và bà Nguyễn Thị Nam (sinh năm 1968, ngụ phường 11, quận Tân Bình, Giám đốc Công ty CP Sản xuất, Dịch vụ Thương mại và Xây dựng Thành Tài Long An, thuộc Cụm Công nghiệp Long Định, xã Long Định, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) từ ngày 24/3 đến khi hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách Nhà nước. Ông Hiếu và bà Nam là đại diện theo pháp luật của người nộp thuế là doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế với số tiền lần lượt là hơn 12 tỷ đồng và gần 4,9 tỷ đồng. Số tiền này chưa bao gồm tiền phạt chậm nộp tính từ thời điểm phát sinh nợ thuế đến thời điểm người nộp thuế nộp tiền thuế theo quy định…
Tạm hoãn xuất cảnh
Thông tin trên báo chí, Luật gia Nguyễn Thu Thủy, Công ty Luật TNHH YouMe cho biết, Điều 66 Luật Quản lý thuế 2019 quy định về hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh như sau: Người nộp thuế thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh. Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm thông báo cho cơ quan quản lý xuất cảnh, nhập cảnh về cá nhân, người nộp thuế quy định tại khoản 1 điều này.
Bên cạnh đó, điểm a, khoản 1 và khoản 2 Điều 21 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế quy định về hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh, trong đó quy định các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh bao gồm: Cá nhân, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế là doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn tạm hoãn xuất cảnh, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh thuộc về thủ trưởng cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế. Theo đó, người có thẩm quyền căn cứ tình hình thực tế và công tác quản lý thuế trên địa bàn để quyết định việc lựa chọn các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh đối với những trường hợp quy định tại khoản 1 điều này. Người có thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh thì có thẩm quyền quyết định gia hạn tạm hoãn xuất cảnh và hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh. Người có thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh có trách nhiệm hủy bỏ việc tạm hoãn xuất cảnh chậm nhất không quá 24 giờ làm việc, kể từ khi người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Như vậy, nếu công ty thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế mà chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, thì giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty có thể bị tạm hoãn xuất cảnh, luật gia Nguyễn Thu Thủy thông tin.
Liên Hà Thái (t/h)