Hỏi: Tôi phát hiện ung thư tuyến giáp thể nhú nhưng bác sĩ lại chưa chỉ định mổ mà chỉ tái khám theo dõi. Tôi rất lo lắng liệu hoãn mổ có khiến u tiến triển và di căn?
Nguyễn Thị Phượng (Hà Nội)
Siêu âm tuyến giáp |
Trả lời: Ung thư tuyến giáp thể nhú (PTC) là loại ung thư tuyến giáp phổ biến nhất và cũng có tiên lượng tốt nhất. Những nghiên cứu mới đây cho thấy nhiều bệnh nhân vi ung thư tuyến giáp thể nhú (≤ 1cm) có thể chỉ cần theo dõi mà không cần mổ.
Một nghiên cứu trên 871 bệnh nhân PTC có nguy cơ tái phát từ trung bình đến cao (tức là có chỉ định mổ rõ ràng), đã được phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp và điều trị iốt phóng xạ (RAI) tại 3 bệnh viện ở Trung Quốc. Khoảng thời gian trung bình từ khi chẩn đoán đến khi được phẫu thuật PTC là 2 tháng (từ 1 - 87 tháng).
Các bệnh nhân được chia thành 3 nhóm theo thời gian phẫu thuật: Nhóm A < 6 tháng (624 bệnh nhân chiếm 71,6%), nhóm bệnh nhân từ 6-11 tháng (123 bệnh nhân chiếm 14,1%), hoặc nhóm C ≥ 12 tháng (124 bệnh nhân chiếm 14,2%).
Đánh giá sau điều trị 1 năm thấy lần lượt 64,7%, 71,5% và 66,1% bệnh nhân ở các nhóm A, B và C đáp ứng rất tốt với điều trị (P = 0,27), tức là không còn dấu hiệu về lâm sàng, hình ảnh hay sinh hóa của ung thư tuyến giáp.
Thời điểm phẫu thuật dường như không ảnh hưởng đến kết quả điều trị ở các nhóm bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể nhú có nguy cơ từ trung bình đến cao, và ở các giai đoạn khối u (T = Tumor).
Kết quả này không thay đổi khi so sánh ảnh hưởng của thời điểm phẫu thuật trên các nhóm nhỏ hơn được chia theo liều iốt phóng xạ: 654 bệnh nhân điều trị liều trung bình ≤ 3,7 GBq và 217 bệnh nhân điều trị liều cao 5,5 GBq.
Từ những kết quả trên, các tác giả nhận định bước đầu, thời điểm phẫu thuật dường như không ảnh hưởng đến kết quả bệnh ngắn hạn ở những bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể nhú có nguy cơ từ trung bình đến cao.
TS.BS Nguyễn Quang Bảy (Trưởng Khoa Nội tiết – Đái Tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai)