Ông L.D.T. (48 tuổi, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng toàn thân, vết loét bị khoét vẫn đang mưng mủ, hoại tử lan rộng. Nguyên nhân là do ông bị đái tháo đường đã 7 năm, nhưng khi thấy chân có cái nhọt, ông vẫn chủ quan, chỉ đắp cao dán để tiêu nhọt. Nào ngờ nhọt sưng to, mưng mủ rộng. Tại bệnh viện huyện các bác sĩ đã trích mủ và khoét bỏ những tổn thương nhưng bệnh vẫn tiến triển hoại tử lan rộng, nhiễm trùng toàn thân.
Tại Bệnh viện Nội tiết T.Ư, ông được điều trị toàn thân tích cực kết hợp với khoét rộng tổn thương rồi dùng máy hút áp lực âm làm lành tổn thương anh mới tránh được họa cắt cụt chân.
Lời bàn: ThS.BS Đặng Thị Mai Trang, Trưởng khoa Chăm sóc bàn chân, Bệnh viện Nội tiết T.Ư cho biết, rất nhiều bệnh nhân tiểu đường chủ quan với những vết xước, gai đâm, mụn nhọt… dẫn tới phải cắt cụt chi.
Sự khởi đầu của biến chứng này là nhiễm trùng và có sự kết hợp của bệnh lý về thần kinh cùng với bệnh lý về mạch máu, đây là những bệnh lý mà vốn dĩ người bị bệnh tiểu đường phải gánh chịu.
Vì vậy, người bệnh bị tiểu đường phải có thói quen chăm sóc và kiểm tra bàn chân hàng ngày, khi phát hiện bất kỳ tổn thương nào: vết thương, trầy xước, vết loét, cục chai, mắt cá, mụn cóc, móng quặp, phồng nước… thì cần đi khám ngay, tránh tình trạng tự điều trị dẫn đến nhiễm trùng toàn thân, nhiễm trùng máu, phải cắt cụt chi.