Dữ liệu y khoa

Hoại tử chân vì tự chữa vết loét

  • Tác giả : Thúy Nga (ghi)
(khoahocdoisong.vn) - Ở người bệnh đái tháo đường, có vết loét ở bàn chân, dù rất nhỏ, nghĩa là họ đã có nhiều biến chứng nặng như biến chứng thần kinh, mạch máu… và nếu không được điều trị đồng thời tất cả những biến chứng này thì vết loét sẽ không thể liền được, nó sẽ lan rất nhanh và làm tăng nguy cơ bị cắt cụt chân, thậm chí đe dọa tính mạng.

Bà Nguyễn Thị N. (76 tuổi, Hải Dương) chẳng may bị trượt chân nên có vết loét nhỏ. Dù có bệnh đái tháo đường, nhưng bà vẫn chủ quan chỉ rửa vết thương mà không đi khám. Khi vết loét mãi không khỏi, bà đã dùng kháng sinh, nhưng vết loét ngày càng lan rộng, hoại tử cả một góc bàn chân. Bà nhập viện trong tình trạng sốt cao, nhiễm khuẩn nặng, phải cắt chi mới bảo toàn tính mạng

Lời bàn: Theo TS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh đái tháo đường gây suy giảm hệ miễn dịch, vì vậy dù một vết loét nhỏ cũng lâu liền và có thể gây nhiều biến chứng nặng…  

Việc chăm sóc bàn chân với người bệnh đái tháo đường thực sự cần thiết. Vì vậy, mỗi tối người bệnh nên dành ra 3 - 5 phút để kiểm tra bàn chân xem có chỗ nào bị xước, phồng rộp... hay không. Rửa chân hằng ngày bằng nước ấm và xà phòng nhẹ, sau đó lau khô từng ngón chân bằng loại giẻ hoặc gạc mềm, lau kỹ kẽ giữa các ngón chân; Có thể xoa chân bằng các thuốc mỡ để giữ cho da ẩm và mềm nhưng không nên bôi vào kẽ giữa các ngón chân...

Khi phát hiện tổn thương cần đến bệnh viện để được điều trị đúng chuyên khoa. Không nên bôi các loại thuốc sát trùng, thuốc kháng sinh hoặc dán các tấm cao lên chân...

Thúy Nga (ghi)