Xạ trị là gì? Cơ chế của xạ trị là gì?
Xạ trị là phương pháp điều trị phổ biến giúp giảm kích thước khối u và tiêu diệt tế bào ung thư.
Các tế bào trong cơ thể luôn phân chia và tạo ra các tế bào con. Tuy nhiên, tế bào ung thư phân chia quá nhanh gây ra các triệu chứng tổn thương tại chỗ, chèn ép các cơ quan khác, di căn.
Xạ trị sử dụng các hạt năng lượng cao để làm hỏng AND (gen) của tế bào ung thư nhằm tiêu diệt hoặc làm hỏng các tế bào này, khiến chúng không thể phân chia được nữa.
Mục tiêu của xạ trị là gì?
Xạ trị làm chậm hoặc ngừng phát triển khối u.
Xạ trị có thể được thực hiện trước phẫu thuật để làm nhỏ khối u hoặc xạ trị sau phẫu thuật để giảm nguy cơ tái phát.
Xạ trị trong giai đoạn muộn của bệnh giúp giảm nhẹ các triệu chứng.
Hiểu đúng về xạ trị điều trị ung thư để đỡ sợ |
Có những loại xạ trị nào?
Mỗi người bệnh có thể được chỉ định loại xạ trị khác nhau phụ thuộc vào loại ung thư, kích thước khối u, vị trí khối u, tình trạng sức khoẻ, phương pháp điều trị khác,…
Có 2 loại xạ trị chính: xạ trị chiếu ngoài và xạ trị chiếu trong. Xạ trị chiếu ngoài là phương pháp sử dụng một máy hướng các chùm bức xạ bên ngoài đến khối u từ nhiều góc độ. Với xạ trị chiếu trong, thuốc phóng xạ được vào cơ thể bằng đường uống hoặc tĩnh mạch.
Đây là phương pháp phổ biến trong điều trị ung thư tuyến giáp, khi đó người bệnh được uống I-ốt phóng xạ. Xạ trị chiếu trong có thể là xạ trị áp sát, nguồn phóng xạ được đưa vào bên trong cơ thể hoặc áp sát với khối u.
Xạ trị gây ra các tác dụng phụ nào?
Tuỳ thuộc vào vị trí xạ trị, loại xạ trị, tác dụng phụ có thể là mệt mỏi, rụng tóc, ảnh hưởng khả năng sinh sản, tổn thương da,…
Các tác dụng phụ khác có thể gặp phải như: buồn nôn, nôn, đau đầu, chán ăn,…
Để làm giảm tác dụng phụ, người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ để được kê đơn thuốc hoặc nhận được lời khuyên phù hợp với tình trạng bệnh.
ThS.BSNT Nguyễn Xuân Tuấn (Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt)