Doanh nghiệp

Hancorp kinh doanh kém: Ông lớn ngàn tỷ "đi giật lùi"

  • Tác giả : Tuấn Thủy
(khoahocdoisong.vn) - Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) là doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hoá từ năm 2014. Bộ Xây dựng nắm giữ 98,83% cổ phần công ty. Được ưu ái giao nhiều đất thực hiện dự án lớn, Hancorp vẫn kinh doanh sa sút dần đều, và vướng phải quá nhiều sai phạm.

Doanh nghiệp Nhà nước ngàn tỷ ... “đi giật lùi”

Có số vốn điều lệ hơn 1.410 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận thu về trong cả năm 2020 của Hancorp chỉ dừng ở những con số hàng chục nhỏ lẻ. Kết thúc năm 2020, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Hancorp đạt 37 tỷ đồng, giảm 72% so với năm 2019 (tương ứng giảm 94 tỷ đồng).

Theo giải trình của ban lãnh đạo Hancorp, nguyên nhân của sự chênh lệch lớn giữa 2 niên độ là do dịch bệnh Covid-19, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội dẫn đến một số công trình xây lắp, dự án đầu tư của Hancorp không đảm bảo tiến độ theo kế hoạch. Doanh thu và lợi nhuận ghi nhận trong năm 2020 vì thế đều suy giảm.

Hơn nữa, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã chỉ ra nhiều sai phạm tại Hancorp trong năm 2019, với khoản chênh lệch chi phí đầu tư các dự án lên tới hơn 61 tỷ đồng, trong đó tính sai khối lượng là 10,5 tỷ đồng, áp sai đơn giá 2,5 tỷ đồng, sai khác gần 48 tỷ đồng.

Do đó, tổng công ty đã phải điều chỉnh giá vốn một số dự án đầu tư, dẫn đến lợi nhuận trước thuế của năm 2019 tăng đột biến từ 60 tỷ đồng lên 131 tỷ đồng, “vênh” quá nhiều so với lợi nhuận thực hiện trong năm 2020.

Điều đáng bàn, trong trường hợp KTNN không phát hiện và chỉ ra những sai sót, chênh lệch này, Nhà nước sẽ mất đi cả 50 tỷ đồng cổ tức. Cơ quan thuế cũng hụt thu cả chục tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp của Hancorp.

Tính đến ngày 31/12/2020, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của Hancorp ước đạt 1.992 tỷ đồng, giảm 18% so với năm trước, chủ yếu do giảm các hợp đồng xây lắp (giảm 27%) và kinh doanh bất động sản (giảm 55%).

Thực tế, năm 2020 không phải là năm đầu tiên Hancorp kinh doanh sa sút. Kết quả kinh doanh của Hancorp đã có dấu hiệu “đi giật lùi” từ cả chục năm nay.

Cách đây 10 năm, lợi nhuận trước thuế của Hancorp ghi nhận con số 686 tỷ đồng. Từ 2010, lợi nhuận mà Hancorp thu về giảm theo số lần, xuống còn 382 tỷ đồng trong năm 2011, tiếp tục giảm một mạch về hai con số là 93 tỷ đồng trong năm 2019 và sang năm 2020, lợi nhuận thu về chỉ bằng 1/3 năm 2019 và chưa bằng số lẻ của những năm 2010 - 2017.

Nếu như hoạt động kinh doanh của Hancorp xưa nay vẫn phụ thuộc vào bất động sản và xây lắp, thì đến năm 2020, Hancorp lại phải “trông cậy” vào các khoản thu từ hoạt động tài chính, mới có thể kéo vực lợi nhuận của công ty lên.

Cụ thể, trong năm 2020, Hancorp đã thanh lý các khoản đầu tư tài chính thu về 151 tỷ đồng, trong khi năm 2019 ghi nhận khoản thu này chỉ với 1,7 tỷ đồng. Cộng với các khoản tiền lãi cho vay, gửi ngân hàng (4 tỷ đồng) và 13 tỷ đồng cổ tức, lợi nhuận được chia từ các công ty góp vốn, doanh thu hoạt động tài chính của Hancorp đạt khoảng 167,7 tỷ đồng, tăng gấp 8 lần doanh thu tài chính của công ty trong năm 2019.

Tuy nhiên, các chi phí, đặc biệt chi phí quản lý vẫn quá cao khiến lợi nhuận của Hancorp bị suy giảm nặng nề so với "quá khứ".

Bao giờ hết những sai phạm?

Trước đó, Bộ Xây dựng đã lên kế hoạch thoái vốn toàn bộ vốn tại Hancorp với khoảng 139,4 triệu cổ phần, tương đương 1.394 tỷ đồng tại công ty vào ngày 16/4/2020 (mức giá khởi điểm là 19.930đ/cổ phần).

Tuy nhiên, ngay trước thời điểm Bộ Xây dựng chuẩn bị thoái vốn, cơ quan KTNN đã báo cáo có nhiều sai phạm trong đầu tư, quản lý sử dụng đất, quản lý nợ của Hancorp và không hề nộp cổ tức (hơn 167 tỷ đồng) trong 2 năm 2018 - 2019 về Ngân sách Nhà nước, dù công ty vẫn báo lãi.

Qua quá trình kiểm toán, KTNN phát hiện Hancorp chây ì không đóng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất từ năm 2008 đến nay với loạt dự án tại Khu Ngoại giao Đoàn ở Xuân Đỉnh (Từ Liêm). Trong khi đó, một loạt hạng mục tại Dự án Ngoại giao đoàn hiện vẫn đang được Hancorp ghi nhận giá trị tồn kho là 905 tỷ đồng.

Cư dân KĐT Ngoại giao đoàn phản đối chủ đầu tư Hancorp.

 Cư dân KĐT Ngoại giao đoàn phản đối chủ đầu tư Hancorp.

KTNN kiến nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý việc thu hồi và giao diện tích khu đất CC1 tại Dự án Khu Ngoại giao đoàn cho Công an TP Hà Nội xây dựng trụ sở Công an phường Xuân Đỉnh.

Với khu đất 5.000m2 tại xã Kiến Hưng, quận Hà Đông (Hà Nội) mà Hancorp “quên” thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất từ năm 2001, KTNN yêu cầu các Sở, ban ngành nhận bàn giao lại đất.

Ngoài ra, KTNN cũng yêu cầu Hancorp nộp bổ sung vào ngân sách Nhà nước hàng trăm tỷ đồng, cũng như giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn đầu tư chưa hiệu quả của công ty mẹ tại các doanh nghiệp có vốn góp.

Tính đến thời điểm cuối năm 2020, số tiền vốn có thể “mất trắng” mà Hancorp đã đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết là hơn 192 tỷ đồng.

Ngoài Dự án trên, Hancorp còn đang “ngâm” một loạt dự án khác gần chục năm nay, không chịu bàn giao, hoặc bàn giao thiếu. Trong đó, có Dự án Đầu tư xây dựng Hạ tầng Khu Đô thị Cao Xanh, Hà Khánh B đã quá tiến độ 10 năm theo phê duyệt của UBND tỉnh Quảng Ninh. Dự án này hiện đang được Hancorp ghi nhận tồn kho với giá trị 28,6 tỷ đồng.

Trong năm 2020, khi chưa có báo cáo của KTNN về các sai phạm tại Hancorp, công ty này đã phải nộp phạt 572 triệu đồng liên quan đến các sai phạm trong hoạt động của công ty. Năm 2019, Hancorp từng nộp phạt 4,2 tỷ đồng liên quan đến các sai phạm tương tự. Ngoài ra, công ty còn chậm nộp thuế, dẫn tới bị phạt 202 triệu đồng tiền lãi chậm nộp thuế.

Cũng trong năm tài chính qua của Hancorp, công ty kiểm toán đã đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ do không có đầy đủ biên bản đối chiếu đối với các khoản phải thu hơn 359 tỷ đồng, dư nợ phải trả (269,6 tỷ đồng) và chi phí trả trước (4,9 tỷ đồng). Vì vậy, những khoản này không đảm bảo được tính hiện hữu, đầy đủ trong báo cáo tài chính của công ty.  

Bên cạnh đó, công ty kiểm toán cũng không thu thập được đầy đủ Báo cáo tài chính của các khoản đầu tư góp vốn vào đơn vị khác, dẫn tới sự thiếu tính hiện hữu của các khoản đầu tư này, cũng như các khoản dự phòng có thể phải trích lập trên Báo cáo tài chính hợp nhất.

Như vậy, những “kẽ hở” trong đầu tư, tình trạng chậm nộp thuế, vi phạm không chỉ tồn tại trong năm 2019 theo báo cáo của KTNN (được báo cáo vào cuối năm 2020), mà vẫn còn duy trì tiếp trong năm 2020.

Hoạt động kinh doanh sa sút, đầu tư không hiệu quả dẫn tới thất thoát, dự báo kết quả kinh doanh của Hancorp sẽ tiếp tục lao dốc. Chưa kể, các khoản phải nộp phạt, nộp trả tiền thuê đất, tiền sử dụng đất trong nhiều năm, thực hiện khắc phục theo kiến nghị của KTNN hàng trăm tỷ đồng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới lợi nhuận trong tương lai của Hancorp.

Tuấn Thủy