GIỚI TÍNH

Hà Nội: 100% người cao tuổi khi ốm đau được khám chữa bệnh

  • Tác giả : Thúy Nga
Thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi đến năm 2030 Hà Nội đã triển khai nhiều mô hình chăm sóc người cao tuổi trong cộng đồng.

90% người cao tuổi hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật được tiếp cận dịch vụ y tế

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 30/KH-UBND về thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Kế hoạch được chia thành 2 giai đoạn. Đáng chú ý, giai đoạn 1 (2022-2025), thành phố đề ra mục tiêu trên 80% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế; khoảng 90% người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe ban đầu kịp thời, khám sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe; 100% người cao tuổi khi ốm đau, dịch bệnh được khám chữa bệnh, được hưởng sự chăm sóc của gia đình và cộng đồng…

Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở quận Thanh Xuân

Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở quận Thanh Xuân

Giai đoạn 2 (2026-2030), thành phố đặt mục tiêu, hằng năm, khoảng 90% người cao tuổi hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật được tiếp cận các dịch vụ y tế dưới nhiều hình thức khác nhau; 80% người cao tuổi khuyết tật được sàng lọc, phát hiện các dạng khuyết tật và được can thiệp, phục hồi chức năng; ít nhất 60% người có tuổi hoàn cảnh khó khăn, không có người phụng dưỡng được chăm sóc, phục hồi chức năng và trợ giúp phù hợp tại các cơ sở phục hồi chức năng, cơ sở trợ giúp xã hội. 100% người cao tuổi khuyết tật đặc biệt nặng, người cao tuổi lang thang có nhu cầu được tiếp nhận, chăm sóc, phục hồi chức năng tại các cơ sở trợ giúp xã hội.

Cùng với đó, duy trì 100% người cao tuổi không phải sống trong nhà tạm, dột nát. Duy trì 100% người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không có người phụng dưỡng được hưởng các chính sách trợ giúp xã hội theo quy định. Ít nhất 90% người cao tuổi có khó khăn về tài chính được trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu…

Hà Nội thăm khám sức khỏe cho người cao tuổi

Hà Nội thăm khám sức khỏe cho người cao tuổi

hình chăm sóc cộng đồng

Để thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho người cao tuổi đạt hiệu quả, Thành phố Hà Nội lựa chọn mô hình chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng, mô hình này được xác định là một trong những hoạt động trọng tâm nhằm chăm sóc người cao tuổi sống vui - sống khỏe - sống có ích. Do vậy, hàng năm Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) và các quận, huyện tập trung triển khai khoảng 100 mô hình chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng.

Thông qua các mô hình triển khai việc tuyên truyền vận động tư vấn phổ biến kiến thức, khám sức khỏe cho người cao tuổi, đặc biệt là hỗ trợ việc thành lập, duy trì các câu lạc bộ về văn hóa, thể dục, thể thao, dưỡng sinh cho người cao tuổi. Năm 2020, qua sơ kết đánh giá hoạt động của các mô hình cho thấy, có trên 700 câu lạc bộ văn hóa - văn nghệ, thể dục, thể thao, dưỡng sinh, thơ ca… của người cao tuổi ở cộng đồng được hỗ trợ hoạt động. Với mục tiêu đến năm 2025, Hà Nội phấn đấu 100% xã, phường, thị trấn được triển khai mô hình này.

Mô mình cộng đồng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Mô mình cộng đồng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi đến năm 2030 của Hà Nội là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, tạo sự chuyển biến rõ nét trong việc triển khai Kế hoạch số 93/KH-UBND. Các hoạt động chăm sóc người cao tuổi nói chung và chăm sóc sức khỏe cho người dân nói riêng được các ban, ngành, đoàn thể các cấp quan tâm phối hợp triển khai thực hiện.

Hàng năm, các cấp quận, huyện, xã, phường đều có kinh phí hỗ trợ triển khai thực hiện các hoạt động này. Nhiều quận, huyện duy trì hàng năm như: quận Đống Đa, Hoàn Kiếm, Long Biên, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm… cấp xã, phường tập trung quan tâm đến việc động viên chăm sóc người cao tuổi vào các dịp ngày Người cao tuổi Việt Nam, ngày Quốc tế Người cao tuổi hoặc các dịp lễ tết.

Bên cạnh đó, hệ thống y tế các quận, huyện hàng năm đều xây dựng kế hoạch khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi, lập hồ sơ quản lý bệnh không lây nhiễm ở tuyến cơ sở, trong đó có người cao tuổi và tổ chức triển khai hoàn thành chỉ tiêu khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi. Đây là hoạt động quan trọng và có ý nghĩa. Chính vì vậy, hiện nay người cao tuổi đi khám sức khỏe định kỳ đạt 84%.

Tuy nhiên công tác triển khai chăm sóc người cao tuổi trên địa bàn Hà Nội còn gặp một số khó khăn như: một số cấp chính quyền cơ sở chưa quan tâm thường xuyên đến công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vào những dịp như ngày Người cao tuổi Việt Nam hay Quốc tế Người cao tuổi; kinh phí cho hoạt động chăm sóc người cao tuổi tại cơ sở còn nhiều khó khăn; hệ thống y tế cơ sở phải tự chủ; số người cao tuổi không có lương hưu được hưởng trợ cấp còn ít...

Để đảm bảo hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cả vật chất và tinh thần trên địa bàn Thành phố, đòi hỏi các cấp chính quyền, nhất là cấp cơ sở và các cơ sở y tế cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các quy định của Luật Người cao tuổi, Chương trình hành động về người cao tuổi của Chính phủ.

Thường xuyên tổ chức thực hiện chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại Trạm Y tế xã, phường, thị trấn với các nội dung như: tuyên truyền phổ biến kiến thức về rèn luyện thân thể, tăng cường sức khỏe và phòng bệnh, nhất là những bệnh thường gặp; hướng dẫn các kỹ năng phòng bệnh, chữa bệnh và tự chăm sóc sức khỏe tại nhà; khám, chữa bệnh; hướng dẫn các cộng tác viên xây dựng kế hoạch chăm sóc sức khỏe cụ thể cho từng người cao tuổi.

Đồng thời, ngành y tế cần tiếp tục tăng cường đầu tư nguồn lực, nâng cao hiệu quả công tác khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế nhằm phục vụ tốt hơn việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi nói riêng và người dân Thủ đô nói chung.

Thúy Nga