Ngân hàng

Gói 16.000 tỷ đồng cho vay trả lương: Rằng hay thì thật là hay...

  • Tác giả : Tuấn Thủy - Đào Vũ
(khoahocdoisong.vn) - Sau gói tín dụng chung tay hỗ trợ của các ngân hàng thương mại vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng chính thức có hành động cụ thể để giúp doanh nghiệp và người lao động vượt qua khủng hoảng thời Covid-19.

Chấp nhận “ôm” rủi ro

Ngày 7/5/2020, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 05/2020/TT-NHNN quy định về tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Theo Thông tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ cho Ngân hàng Chính sách xã hội vay tổng số tiền tái cấp vốn tối đa 16.000 tỷ đồng, với lãi suất tái cấp vốn là 0%/năm. Thời hạn tái cấp vốn là 364 ngày, kể từ ngày tiếp theo liền kề ngày Ngân hàng Nhà nước giải ngân tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội.

Với số tiền trên, chủ doanh nghiệp sẽ được cho vay để trả lương cho người lao động trong thời gian ngừng việc theo khoản 3, Điều 98, bộ luật Lao động, với mức lương không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam đánh giá, hành động trên của Ngân hàng Nhà nước là rất phù hợp với tình hình sức khỏe kinh tế của doanh nghiệp hiện nay. Mục tiêu rất rõ ràng là hỗ trợ người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch, doanh nghiệp sẽ là đối tượng được vay để trả lương và hoàn trả cho Nhà nước sau này.

Ông Bình cũng nhận xét, với gói cho vay này, Nhà nước đang chấp nhận chịu thiệt và “ôm” rủi ro. Bởi lẽ, mức lãi suất cho vay là 0%, thậm chí còn có khả năng rủi ro không thể thu hồi vốn do doanh nghiệp rơi vào tình trạng bị phá sản, mất khả năng chi trả nợ.

Được biết, Ngân hàng Chính sách xã hội có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác cho Ngân hàng Nhà nước các văn bản, tài liệu về việc vay tái cấp vốn; sử dụng tiền vay tái cấp vốn đúng mục đích; theo dõi, hạn toán, quản lý riêng khoản vay tái cấp vốn quy định.

Ước tính, với 16.000 tỷ đồng, chia đều cho mức lương tối thiểu vùng thì sẽ có khoảng 10 triệu lượt người nhận lương ngừng việc cho đến khi kinh tế bình ổn, người lao động đi làm trở lại.

Do doanh nghiệp chỉ được vay tối đa trong 3 tháng (từ tháng 4/2020 đến hết tháng 6/2020) nên dự kiến, nếu giải ngân hết toàn bộ số tiền được vay, mỗi tháng Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ phải xử lý, rà soát khoảng hơn 3 triệu lượt xin nhận lương ngừng việc.

Khó giải ngân hết

Về cơ bản, Ngân hàng Chính sách xã hội là tổ chức tín dụng trực thuộc Chính phủ Việt Nam, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, nhằm thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Chính vì vậy, việc vay vốn ở ngân hàng Chính sách xã hội là chặt chẽ hơn và có khác biệt so với quy trình cho vay tại các ngân hàng thương mại.

Vốn dĩ đã khó, nay muốn tiếp cận gói 16.000 tỷ đồng, doanh nghiệp còn phải chấp nhận thêm một số điều kiện nhất định khá khắt khe. Trong đó, điều kiện để phê duyệt là doanh nghiệp phải có từ 20% hoặc từ 30 người lao động trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên; đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động trong khoảng thời gian từ ngày 1/4/2020 đến hết ngày 30/6/2020.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải chứng minh đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho người lao động, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả cho người lao động ngừng việc; không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm 31/12/2019.

Chưa kể, khách hàng có tên trong danh sách người sử dụng lao động đủ điều kiện vay vốn để trả lương ngừng việc phải có phê duyệt của Chủ tịch UBND cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương. Thời gian để UBND cấp huyện thẩm định, tổng hợp danh sách, trình chủ tịch UBND chỉ có 3 ngày làm việc. Và với số lượng công việc hơn 3 triệu lượt xin nhận lương ngừng việc/tháng như đã nói bên trên, rất khó để UBND có thể thẩm định được hết số đơn phải giải quyết.

Tại một khía cạnh khác, cho dù khách hàng vay vốn không phải thực hiện bảo đảm tiền vay và hưởng lãi suất 0%, đồng thời thời hạn vay được thỏa thuận nhưng điều này cũng khó khuyến khích doanh nghiệp vay vốn. Bởi lẽ, thời hạn thỏa thuận chỉ tối đa 12 tháng, đặc biệt nếu nợ quá hạn, doanh nghiệp sẽ phải chịu mức lãi suất 12%/năm.

Theo ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam, nếu cho nghỉ chờ việc, dù có nhận được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/tháng của Chính phủ, thì người lao động sẽ vẫn phải đi tìm việc làm khác ngay để duy trì cuộc sống.

“Dự báo, nếu đã cho ngừng việc, nghỉ việc thì khả năng mất trên 50% lao động là rất thực tế. Khi đó, dù thị trường có sớm quay lại thì doanh nghiệp cũng không còn cơ hội sản xuất, kinh doanh để bù lại các tổn thất từ dịch bệnh. Do vậy, doanh nghiệp dệt may gần như không chọn giải pháp cho ngừng việc để hưởng hỗ trợ”, ông Trường chia sẻ.

Như vậy, với điều kiện ngặt nghèo, doanh nghiệp chưa mặn mà vay vốn vì không có nhu cầu và sợ rủi phải chịu lãi suất cao khi quá hạn, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đến thời hạn cuối cùng vào ngày 31/7/2020, gói 16.000 tỷ đồng cho vay trả lương lao động ngừng việc cũng khó có thể giải ngân hết được.

Quay lại Thông tư 05 trên, trong trường hợp quá khó để tiếp cận, hoặc một số doanh nghiệp không có nhu cầu vay gói tín dụng hỗ trợ này, khiến số tiền vay tái cấp vốn này không giải ngân hết được, thì chậm nhất ngày 15/8/2020, Ngân hàng Chính sách xã hội phải trả Ngân hàng Nhà nước số tiền vay tái cấp vốn không giải ngân hết.

Tuấn Thủy - Đào Vũ