Ngân hàng

Hỗ trợ bằng "tiền túi", ngân hàng có cam lòng?

  • Tác giả : Tuấn Thủy - Đào Vũ
(khoahocdoisong.vn) - Áp lực từ dịch Covid-19 dường như đang đổ dồn lên đôi vai ngành ngân hàng. Song, vẫn có những khoảng trống để ngân hàng tìm được lợi ích, ngay trong thế khó.

Ngân hàng có hỗ trợ

Khi KH&ĐS trao đổi với một số doanh nghiệp, điều họ lo nhất là các khoản vốn vay của ngân hàng. Bởi lẽ, khi doanh thu không thể bù đắp các khoản chi phí cho hoạt động trả lương, lãi vay, phí thuê mặt bằng… sẽ phải đóng cửa, gán nợ tài sản.

Đại diện chuỗi bán lẻ Vua Nệm chia sẻ, công ty này đã gửi công văn cho tất cả các chủ mặt bằng từ ngày 11/3, xin giảm 25% chi phí thuê tháng 3. Sau khi nhận được công văn xin giảm giá thì khoảng 40% các chủ mặt bằng sẵn lòng hỗ trợ.

“Tuy nhiên, ở số còn lại, nhiều chủ mặt bằng, đặc biệt tại TPHCM đưa ra những điều kiện vô cùng khó đáp ứng như đóng tiền 12 tháng giảm 1 tháng; không giảm giá và vẫn phải đóng phí dịch vụ trong thời gian tạm đóng cửa; hoặc xin ý kiến rất lâu nhưng không có phản hồi. Áp lực từ chi phí mặt bằng lên dòng tiền là rất lớn”, vị đại diện trên nói.

Thấy được thực tế, Thông tư 01/2020/TT-NHNN được Ngân hàng Nhà nước ban hành, quy định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Điều này sẽ giúp cho nhiều doanh nghiệp tránh bị rơi vào nợ xấu, đồng thời có thể dễ dàng tiếp cận gói tín dụng gần 300.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi từ các ngân hàng thương mại.

Theo TS.Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Viet Nam, trong ngắn hạn và nếu có một chiến lược rút lui thành công thì việc giải ngân sau Thông tư 01 sẽ có lợi cho cả ngân hàng và doanh nghiệp. Ngân hàng chung tay hỗ trợ vừa là sự chia sẻ, vừa là sự hy sinh và cũng là vì lợi ích của chính ngành ngân hàng.

Song, vị tiến sĩ trên cũng đưa ra lưu ý, việc phía nhà điều hành cho phép không đưa nợ của doanh nghiệp gặp khó khăn vào nhóm nợ xấu trong năm nay, mà đưa vào nợ tái cơ cấu sẽ khiến nợ xấu bị nén lại và đẩy rủi ro về tương lai. Các ngân hàng theo đó phải tăng trích lập dự phòng.

Nhấn mạnh rằng, trước khi dịch Covid-19 bùng phát, nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp trong năm nay được giới chuyên gia nhận định sẽ không tăng mạnh như những năm trước và điều này càng gia tăng cho đến hiện tại.

Ngoài ra, việc giảm lãi suất mà không sử dụng Ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp đã khiến biên lãi gộp từ hoạt động tín dụng bị hạ xuống. Như vậy, riêng mảng tín dụng trong năm nay của ngân hàng dự kiến sẽ bị giảm cả về số lượng lẫn chất lượng.

Cũng chính vì phải tăng trích lập dự phòng nợ xấu, tín dụng bị ảnh hưởng xấu nên tại một báo cáo gần đây, Công ty Chứng khoán SSI đã điều chỉnh dự báo lợi nhuận trước thuế đối với các ngân hàng được nghiên cứu giảm 11,1% và giảm 16,4% so với dự báo trước đây để phản ánh tác động của dịch Covid-19 đối với kịch bản cơ sở và kịch bản xấu nhất.

Nhưng lợi ích là trên hết

Như vậy, khi những áp lực bắt đầu được lượng hoá, việc buộc phải lùi Đại hội cổ đông thường niên phần nào sẽ giúp cho các ngân hàng có khoảng thời gian cân nhắc về những kế hoạch vừa có thể hỗ trợ doanh nghiệp, vừa duy trì được lợi ích cho cổ đông.

Nói phải đem lợi ích cho cổ đông bởi lẽ ngân hàng cũng là doanh nghiệp, là công ty cổ phần đang niêm yết trên sàn chứng khoán. Thậm chí, nhiều ngân hàng có cổ đông lớn là nhà đầu tư nước ngoài.

Với việc các ngân hàng đang hỗ trợ bằng chính tiền túi và mới đây là yêu cầu không chia cổ tức bằng tiền mặt, có không ít cổ đông tỏ ra lo ngại về quyền lợi của mình. Họ cho rằng, họ cũng là người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Theo đó, ngân hàng bị rơi vào thế khó, phải cân đo lợi ích doanh nghiệp và lợi ích quốc gia. Nhưng gặp khó sẽ ló cái khôn, vẫn còn một vài khoảng trống để các ngân hàng giải quyết vấn đề này, thông qua vai trò của các công ty “sân sau”, hay công ty thân hữu.

Tại Việt Nam, không khó để tìm hiểu về doanh nghiệp thân hữu, hoặc công ty “sân sau” đúng nghĩa của ngân hàng. Các doanh nghiệp này nếu có vay vốn của chính ngân hàng của ông chủ, thì cũng góp phần không nhỏ và ổn định vào doanh thu, lợi nhuận cho ngân hàng qua việc trả gốc, trả lãi vay.

Trong giai đoạn trước đây và thực tế là ngay cả giai đoạn hiện tại, không ít trường hợp ngân hàng bơm vốn với lãi suất thấp, tài sản đảm bảo mù mờ... cho công ty "sân sau", công ty thân hữu. Các doanh nghiệp này có thể kinh doanh với lợi thế vốn vay lãi suất thấp, hoặc đem số tiền vay từ ngân hàng cho vay lại với lãi suất cao hơn, hoặc đầu tư mua lại các doanh nghiệp có lợi thế khác.

Điều đó có nghĩa, trong khủng hoảng doanh nghiệp vì dịch Covid - 19, không loại trừ trường hợp cho chính công ty "sân sau", công ty thân hữu vay lượng vốn hỗ trợ lớn với lãi suất thấp. Lượng vốn này, như thường lệ, được sử dụng để cho vay lại, hay mua lại những doanh nghiệp có chất lượng tốt nhưng bị khủng hoảng về tài chính, doanh thu vì dịch bệnh. 

Một chuyên gia ngân hàng cho biết, khả năng này là hoàn toàn có thể xảy ra. Bởi các gói hỗ trợ mà hệ thống ngân hàng công bố là không sử dụng ngân sách, mà sử dụng vốn của ngân hàng. Nói cách khác, sự giám sát của cơ quan chức năng, ở đây là Ngân hàng nhà nước và một số cơ quan khác, là không có nhiều thay đổi so với khi ngân hàng cho vay thương mại trong điều kiện bình thường.

Việc "bơm" vốn rẻ qua các công ty thân hữu, công ty "sân sau" cũng tạo độ an toàn vốn cao cho các ngân hàng, giải quyết được nhiều vấn đề cho ngân hàng như thanh khoản, huy động... Thậm chí là gỡ khó cho ngân hàng ngay ở thủ tục thế chấp khi vay vốn của doanh nghiệp, khi chính các cổ đông lớn của ngân hàng đảm bảo cho các khoản vay của “sân sau”, như vậy có thể thông qua hết quy trình của tín dụng.

Cho công ty "sân sau", công ty thân hữu vay vốn rẻ cũng khó phát sinh thêm nợ xấu, và biên lãi gộp có thể cao hơn do lãi suất đầu ra được tự các ông chủ cân đối, công ty “sân sau” không nhất thiết đòi hạ sâu lãi suất. Trong các trường hợp này, quy mô gói hỗ trợ của các ngân hàng có thể co dãn tùy theo tính toán của giới chủ ngân hàng. Và đương nhiên vẫn phù hợp với yêu cầu của nhà điều hành là hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Cần lưu ý rằng, dù công bố các gói hỗ trợ lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, sẽ khó tin nếu ngân hàng hồn nhiên cho vay hết toàn bộ gói hỗ trợ tới các doanh nghiệp khách hàng. Dịch bệnh đang diễn biến khó lường, năng lực tự vệ và hồi phục của doanh nghiệp đang suy yếu. Vì thế, cho vay toàn bộ gói hỗ trợ mà không làm chủ được khoản vay đó sẽ biến lựa chọn hưởng ứng lời kêu gọi của nhà điều hành thành canh bạc có độ rủi ro rất cao về kinh doanh của ngân hàng. 

Trong trường hợp ấy, thật khó tin các ông chủ ngân hàng "hồn nhiên" nghe hiệu triệu của Chính phủ để tự đẩy mình vào rủi ro. 

Tuấn Thủy - Đào Vũ