Vusta News

Giữ Sở Quy hoạch - Kiến trúc để bảo đảm tính hài hoà

  • Tác giả : Thiên Tuấn
Thành ủy Hà Nội vừa có báo cáo việc tổng kết Nghị quyết số 18, trong đó nêu phương án đề xuất sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy thành phố.

Đáng chú ý, theo phương án đề xuất, UBND thành phố Hà Nội có 16 sở và cơ quan tương đương sở, vượt mức "không quá 15 sở" như gợi ý, định hướng của Ban chỉ đạo Chính phủ. Trong đó có phương án duy trì Sở Quy hoạch - Kiến trúc.

Theo Thành ủy Hà Nội, lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc có tính đặc thù, chuyên sâu cao; công tác quy hoạch phải đi trước, có tầm nhìn chiến lược; đồng thời đáp ứng yêu cầu đối với việc quản lý quy hoạch để phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô…

Đồng tình với quan điểm của Thành uỷ Hà Nội, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam (Hội thành viên Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, việc Hà Nội xin giữ lại Sở Quy hoạch và Kiến trúc là hợp lý vì Thủ đô mang nhiều tình đặc thù, đặc biệt.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Sở Quy hoạch - Kiến trúc chỉ có ở Hà Nội và TP HCM. Đây là Sở mang tính đặc thù riêng biệt trong toàn bộ quá trình phát triển đô thị và kinh tế của địa phương.

Thứ nhất, Hà Nội hiện có diện tích lớn nhất cả nước và là Thủ đô đứng thứ 10 về diện tích trong các Thủ đô trên toàn thế giới. Do đó, công tác quy hoạch - kiến trúc yêu cầu rất quan trọng và cần nhiều lực lượng tham gia.

Thứ hai, Hà Nội là địa phương có nhiều quỹ di sản, di tích nhất của cả nước. Trong đó có cả di sản, di tích được thế giới công nhận hay ở các cấp quốc gia, thành phố. Đối với đô thị có quỹ di sản, di tích lớn đòi hỏi việc phát triển đô thị phải vừa bảo tồn đô thị vừa phát huy giá trị di sản.

Thứ ba, trong cấu trúc phát triển đô thị, hiện nay Hà Nội đang là đô thị có tốc độ phát triển kinh tế cao và đặc biệt nhất là có tốc độ đô thị hoá cao. Dự kiến 5 năm tới sẽ phát triển cao hơn nữa. Rõ ràng giữa phát triển đô thị hoá và phát triển kinh tế phải có đường đi riêng, đặc thù riêng, bởi vậy duy trì hoạt động của Sở Quy hoạch Kiến trúc - đơn vị quản lý không gian là cần thiết phải có.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cũng nhấn mạnh, Hà Nội là đô thị đặc biệt nhưng tỷ lệ nông thôn còn nhiều. Đặc biệt Hà Nội có những đặc trưng về văn hoá khu vực nông thôn như làng nghề truyền thống, vùng nông thôn sản xuất nông nghiệp…Nếu chỉ cần phát triển đô thị, Sở Xây dựng lo được, nếu chỉ phát triển nông thôn thì Sở Nông Nghiệp cũng không ngại nhưng để phát triển hài hoà đô thị và nông thôn thì rất cần Sở Quy hoạch - Kiến Trúc để làm sao bảo đảm được tính hài hoà của 2 không gian này.

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết, đây không phải lần đầu Sở Quy hoạch -Kiến trúc được đưa ra để xem xét sáp nhập hay giải thể. Từ khi đơn vị Sở này thành lập năm 2002, ít nhất đã có 2 lần được đề cập về việc sáp nhập hoặc giải thế nhưng Quốc hội, Chính phủ đều thống nhất giữ lại vì thấy được tính đặc thù của Sở Quy hoạch - Kiến trúc trong quá trình phát triển đô thị, kinh tế của thành phố lớn.

Thiên Tuấn