Giáo dục

Giáo viên kiến nghị không thi phần học trên truyền hình

  • Tác giả : Mai Nguyễn
(khoahocdoisong.vn) - Nhiều giáo viên kiến nghị, học trên truyền hình sẽ khó đảm bảo chất lượng đồng đều. Cho nên, không nên thi vào phần học trên truyền hình.

Chủ trương học trên truyền hình nhằm hỗ trợ thí sinh

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều địa phương đã tổ chức cho học sinh lớp 9 và lớp 12 học trên truyền hình.

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, việc tổ chức cho học sinh học tập trên truyền hình nhằm hỗ trợ việc học tập, củng cố kiến thức của học sinh trong thời gian các em tạm nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19, chuẩn bị cho kỳ thi chuyển cấp và tốt nghiệp THPT trong thời gian nghỉ phòng dịch Covid 19.

Các bài giảng truyền hình là các bài tiếp nối trong chương trình lớp 9 và lớp 12 năm học 2019 - 2020. Chương trình học trên truyền hình được phát sóng từ thứ hai đến thứ bảy hàng tuần, từ 9/3 trên kênh 1 Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội.

Một tiết dạy trên truyền hình môn Toán.

Một tiết dạy trên truyền hình môn Toán.

Học sinh lớp 9 có 3 môn học gồm: Ngữ văn, toán, tiếng Anh; học sinh lớp 12 có 9 môn học: Ngữ văn, toán, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân và tiếng Anh.

Cùng với Hà Nội, một loạt các địa phương khác cũng tổ chức, hoặc lên kế hoạch để dạy trên truyền hình, như Nam Định, Đà Nẵng, Phú Thọ, Đồng Nai, Vĩnh Phúc….

Mới đây, trong công văn gửi các Sở GD&ĐT, Bộ GD&ĐT cho biết, sẽ công nhận kết quả học trực tuyến, học trên truyền hình.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết, việc kiểm tra đánh giá việc học qua internet, truyền hình cũng như học thông thường. Trên thực tế, bài học học sinh đã được thầy cô giảng, giáo viên giao bài làm, khi trở lại trường, học sinh phải trình bày lại kiến thức đó.

Căn cứ vào kết quả các con trình bày, giáo viên có thể thay cho các bài kiểm tra thông thường hoặc cô giao bài kiểm tra như các kỳ thi về các kiến thức con đã học. Đó cũng là một cách kiểm tra, đánh giá hiệu quả học qua truyền hình hay internet.

ÔngThành cũng cho biết, nếu học sinh vẫn tiếp tục nghỉ nhiều hơn dự tính thì sẽ xem xét tinh giản nội dung dạy học. Phần nào học sinh được học qua qua internet, truyền hình thì tính toán để hoàn thành nốt phần kiến thức còn lại chưa được học.

Trường hợp học sinh nghỉ dài hơn dự tính thì chắc chắn Bộ GD&ĐT sẽ điều chỉnh tiếp, đảm bảo cho học sinh khi quay trở lại trường còn đủ thời gian để xây dựng kế hoạch đảm bảo kiến thức cho học sinh.

Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ theo dõi sát dịch bệnh để hướng dẫn các địa phương kịp thời đảm bảo hoàn thành chương trình trong năm nay và kịp bắt đầu năm học mới.

Như vậy, có thể thấy, việc học trên truyền hình được coi là một giải pháp “cứu cánh” trong giai đoạn hiện nay học sinh không thể đến trường.

Và việc học trên truyền hình dành cho học sinh lớp 9 và lớp 12 nhằm để cho các thí sinh kip tham gia kỳ thi vào lớp 10 và THPT Quốc gia, trong khi dịch bệnh chưa biết kéo dài tới bao giờ.

Giáo viên kiến nghị không thi phần học trên truyền hình

Tuy nhiên, trái với chủ trương từ phía các Sở GD&ĐT, việc học trên truyền hình nhằm hỗ trợ cho các thí sinh để chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới, thì các giáo viên lại tỏ ra nghi ngại về điều này.

PV KH&ĐS đã thực hiện cuộc khảo sát ý kiến của 20 giáo viên dạy lớp 9 và lớp 12, thì đa số đều đánh giá, việc học trên truyền hình là một giải pháp tốt trong điều kiện dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu kết thúc. Tuy nhiên, nếu chỉ học trên truyền hình rồi đi thi thì không ổn. Bởi, việc học trên truyền hình chỉ hiệu quả đối với các em có ý thức tự giác, chuẩn bị bài học tốt

Còn với các em chưa có ý thức tự học thì việc học trên truyền hình sẽ không hiệu quả.

Trong khi đó, thực tế, ở mỗi lớp luôn có sự đa dạng về học sinh, không phải tất cả các em đều có ý thức tự học. Ở trên lớp, giáo viên sẽ có những cách để học sinh cả lớp đều nắm được kiến thức.

Nhưng học trên truyền hình chỉ là tương tác một chiều, cho nên, sẽ không thể thực hiện được điều này.

Chưa kể, ở mỗi một địa phương sẽ có những cách triển khai khác nhau, có nơi triển khai sớm, có nơi triển khai muộn.

Trong những ngày vừa qua, các giáo viên đều nhận được phản hồi từ phía học sinh, phụ huynh về việc học trên truyền hình, thì rất nhiều trong số đó vẫn chưa làm quen được với cách học, học chưa hiệu quả.

“Cho nên, theo tôi, Bộ GD&ĐT không nên cho thi phần nội dung học trên truyền hình. Mà nên khoanh vùng, thi phần kiến thức đã dừng tới thời điểm nghỉ học do dịch Covid-19”, một giáo viên cho ý kiến.

Ý kiến này của cô giáo cũng nhận được sự đồng thuận của nhiều giáo viên khác.

Ngoài ra, các giáo viên cũng cho rằng, cũng chỉ nên cho học sinh lớp 9 thi ba môn là Toán, Văn, Tiếng Anh, không thi môn thứ 4. Bởi vì, hiện tại vẫn chưa công bố môn thi thứ 4, cộng thêm hoàn cảnh nghỉ học do dịch bệnh, học sinh sẽ không có thời gian chuẩn bị kịp để học môn thứ 4.

Trao đổi với PV KH&ĐS về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành cho biết, Bộ sẽ ghi nhận các phản ánh từ phía giáo viên, phụ huynh để xem xét, có những điều chỉnh cho hợp lý.

Hiệu trưởng một trường THPT đề xuất, nên giới hạn thi là phần kiến thức đã học cho đến khi học sinh nghỉ vì dịch. Tức là từ đầu năm học cho đến hết tháng 1/2020. Khoanh phần kiến thức chưa học lại. Học sinh lớp 9 và lớp 12 dành thời gian này để ôn tập, không học thêm kiến thức mới.
Mọi thủ tục làm xong để đến khi hết dịch là sẵn sàng tổ chức thi được ngay. Nếu may mắn hết dịch vào tháng 5 thì tháng 6 có thể thi. Như thế không ảnh hưởng đến kế hoạch tuyển sinh của đại học, cao đẳng.

 

Mai Nguyễn