Gia đình bà Hoàng Thị Lam chụp năm 2017.
Gia đình giàu truyền thống cách mạng
Gia đình bà Lam là gia đình có truyền thống yêu nước. Ông bà ngoại của bà đều tham gia khởi nghĩa Phan Đình Phùng từ năm 1890. Sau khi phong trào Cần Vương thất bại, thực dân Pháp chặt đầu nhiều nghĩa quân tham gia phong trào, trong đó có ông của bà. Để bảo toàn tính mạng và tiếp tục tham gia hoạt động, bà ngoại của bà đã chạy sang Lào.
Bốn năm sau, thực dân Pháp thôn tính cả Lào, Campuchia, càn quét người Việt Nam nên bà của bà cùng đoàn bà con (chủ yếu là nghĩa quân khởi nghĩa) đã bơi qua sông Mê Kông sang đất Xiêm, dừng lại ở vùng Đông Bắc Thái Lan, làng Ban Tạy ở Uthen thuộc tỉnh Nakhon Phanom. Vùng này sau đó trở thành căn cứ địa cách mạng của người Việt Nam trên đất Thái.
Bà ngoại của bà Lam sau đó kết hôn với người Việt và sinh ra mẹ bà. Từ đời ông bà, cha mẹ đến đời bà Lam đều đi theo cách mạng. Ngôi nhà bà sống suốt hơn nửa thế kỷ là địa điểm liên lạc, là nơi đi lại của nhiều nhà ái quốc nổi tiếng của Việt Nam hoạt động trên đất Thái Lan, trong đó có Bác Hồ, cụ Hồ Tùng Mậu và nhiều vị lão thành cách mạng khác. Ngôi nhà này đến nay được Việt kiều Thái Lan bảo tồn như một di tích lịch sử cách mạng.
Từ bé được sống trong cái nôi của cách mạng, ngay từ khi còn niên thiếu bà Lam đã có ý thức một lòng đi theo cách mạng. Sống trên đất Thái vô cùng vất vả vì đây là vùng hẻo lánh, chỉ có núi rừng, bà Lam làm bún, buôn bán kiếm sống và nuôi các chiến sĩ. Chồng của bà Lam là cán bộ hoạt động trong phong trào công nhân Bến Thủy, phụ trách quân giới quân khu 4, năm 1948 được cử sang Thái thành lập lực lượng tình nguyện Thái – Lào – Campuchia để mở mặt trận ở Campuchia tiến tới giải phóng Việt Nam. Với nhiệm vụ đó, năm 1948 ông Nguyễn Song Tùng, chồng bà sang Bangkok với danh nghĩa mở đại sứ quán đầu tiên của Việt Nam trên đất Thái. Ông gặp gỡ bà Lam, được tổ chức vun vén nên năm 1949 hai người kết hôn.
Những năm theo chồng đi sứ
Năm 1950 khi bà Lam sinh con trai đầu lòng được 9 tháng, chồng bà đã phải chia tay người vợ trẻ để về Việt Nam, đưa đội quân tình nguyện sang Campuchia đánh thực dân Pháp đến năm 1954 thì tập kết ra Bắc. Năm 1956 tình hình chính trị thay đổi, trong nước Ngô Đình Diệm lên nắm quyền, đưa ra luật 10-59 lê máy chém đi khắp nơi. Bên Thái, tình trạng bắt bớ cán bộ đã xảy ra.
Bà Lam nằm trong danh sách cán bộ chủ chốt, giữ chức huyện ủy viên. Để bảo vệ cán bộ, tổ chức Đảng đã bố trí cho bà về nước. “Trên đường về, tôi và con trai đóng giả người Trung Hoa và nhập vào đoàn hồi hương của người Hoa. Từ Bangkok tôi lên tàu thủy về Quảng Châu, đầu năm 1957 thì về đến biên giới Việt Nam. Sau bảy năm xa cách, vợ chồng tôi mới được đoàn tụ”, bà Lam bồi hồi kể lại.
Hòa bình lập lại, chồng bà Lam được cử sang làm đại sứ ở Đức và bà theo chồng sang Đức với vai trò là phu nhân đại sứ, lúc này bà đang mang bầu người con thứ hai. Năm 1957, Bác Hồ sang thăm Đức, chồng bà tháp tùng Bác và bà có nhiều dịp tiếp xúc với Bác. “Thắng lợi của cách mạng Việt Nam lúc đó có sự giúp đỡ của nhiều nước trong phe XHCN. Sau chiến thắng, Bác Hồ đi một vòng qua Liên Xô, Đức, Bungari... để cảm ơn bạn bè. Tại đại sứ quán Đức, tôi có dịp gặp Bác.
Bác rất gần gũi, ân cần hỏi thăm gia đình tôi. Bác hỏi thăm bố tôi là cụ Hoàng Khắc Kỳ là học trò của Bác, từng tham gia phong trào Thanh niên cách mạng đồng chí hội, làm việc trực tiếp với Bác thời gian dài nên khi gặp Bác, biết tôi là con ông Kỳ, Bác vui lắm. Trong tiệc liên hoan tôi được ngồi cạnh Bác, tôi hát tặng Bác bài “Tình mẹ” bằng tiếng Thái. Sau này về Việt Nam tôi có nhiều dịp gặp Bác, Bác vẫn nhớ tôi là con cụ Kỳ và lần nào Bác cũng gọi ra nói chuyện, hỏi thăm sức khỏe, công việc của vợ chồng tôi”, bà Lam kể.
Hết nhiệm kỳ làm đại sứ ở Đức, chồng bà Lam được chuyển sang làm tham tán sứ quán tại Liên Xô (lúc đó ông Nguyễn Lương Bằng làm đại sứ). Năm 1959, Bác sang thăm Liên Xô, bà Lam cũng được gặp Bác, trong buổi liên hoan đón Bác, bà Lam lại được Bác yêu cầu hát lại bài “Tình mẹ”. Những bức ảnh bà đứng hát cho Bác nghe qua các lần gặp gỡ đều được bà lưu lại trong cuốn album của gia đình.
Rèn luyện sức khoẻ theo gương Bác
Trong những lần làm việc với Bác Hồ, sau khi trao đổi công việc, Bác Hồ hay gọi ông Nguyễn Song Tùng vào nói chuyện và trao đổi kinh nghiệm về cách tập về Thái cực quyền và Thái cực Trường sinh. Bác Hồ tập Thái cực quyền còn chồng bà Lam tập Thái cực Trường sinh. Do có cùng sở thích, hai môn cũng có nhiều điểm tương đồng về phương pháp, về mục tiêu nên chồng bà được Bác khuyến khích phát triển môn tập để phổ biến cho toàn dân.
Khi ông Tùng nghỉ hưu, có thời gian, ông phát triển môn tập Thái cực Trường sinh Đạo cho nhân dân hầu khắp các tỉnh thành. Sau khi ông Tùng mất, bà Lam lãnh đạo Trung tâm UNESCO Thái cực Trường sinh Đạo Việt Nam, là nơi chỉ đạo phong trào dưỡng sinh cả nước với trên dưới 150 nghìn người tập tại 50 tỉnh, thành. Bà làm tiếp những dự định còn dang dở của ông, bà đi hầu khắp các tỉnh để phổ biến môn tập.
Những năm gần đây, sức khỏe không cho phép bà đi xa nhưng bà vẫn tổ chức các buổi tập cho các thành viên Ban huấn luyện của Trung tâm và các câu lạc bộ ở Hà Nội. Bà Lam kể, môn tập này đem đến cho bà sức khỏe và sức đề kháng dẻo dai. Năm 2016, trong một lần tai nạn, bà bị gãy đôi 10 chiếc xương sườn, gãy xương cẳng chân.
Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 đã khám. Các chuyên gia về xương nhận định với độ tuổi 90 thì việc khôi phục như cũ là không thể, đề nghị gia đình chuẩn bị tinh thần nuôi bà trong điều kiện tàn phế đến hết đời. Bà Lam tâm sự: “Không biết có phải do mấy chục năm tôi tập Thái cực trường Sinh không nhưng sau hai tháng tĩnh dưỡng và bó lá, tất cả các xương sườn của tôi đã liền trước sự kinh ngạc của bệnh viện và các chuyên gia”.
Là một lão thành cách mạng, Đảng viên 75 năm tuổi Đảng, trải qua nhiều gian truân vất vả, được hưởng nhiều vinh dự và có được sức khoẻ do kiên trì luyện tập, bà Lam thường nói với con cháu rằng, vinh dự và may mắn lớn nhất cuộc đời của bà là được nhiều lần tiếp xúc, trò chuyện với Bác Hồ, được Bác nhớ đến và quan tâm chăm sóc, được lan tỏa niềm đam mê rèn luyện sức khoẻ để có được niềm hạnh phúc và bình an như ngày hôm nay.