Estrogen tổng hợp được sử dụng làm hoạt chất chính rất phổ biến trong thuốc tránh thai (Ảnh minh họa). |
Bằng việc phát hiện và nghiên cứu tác hại của estrogen đối với môi trường sống của động vật, con người; TS Đặng Minh Hiếu (giảng viên Trường Đại học Việt Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội) cùng các cộng sự của mình đã đưa ra những cảnh báo về vấn nạn sử dụng estrogen tổng hợp trong đời sống hiện nay.
Estrogen tổng hợp, hay 17α-ethinylestradiol, là một dạng đồng phân tổng hợp hóa học của estrogen tự nhiên, 17b-estradiol, trong cơ thể con người hay động vật. Estrogen tổng hợp được sử dụng phổ biến nhất trong các thuốc tránh thai hay trong một số thuốc điều trị. Ngoài ra, estrogen tổng hợp trước kia còn được tìm thấy trong một số thức ăn chăn nuôi hay nuôi trồng thủy sản.
Với tính bền vững cao trong môi trường và khả năng ứng dụng rộng rãi, lượng lớn estrogen tổng hợp được thải ra sau khi sử dụng và dần dần tích lũy trong các môi trường sống, đặc biệt là trong môi trường nước. Trong y học, đối với ứng dụng trong thuốc tránh thai, estrogen được sử dụng rất phổ biến. Mỗi năm, thế giới tiếp nhận khoảng 700 kg estrogen tổng hợp được thải ra ngoài, gây ảnh hưởng lớn đến môi trường và sức khỏe con người.
Estrogen tổng hợp có khả năng bắt chước các hoạt động của estrogen tự nhiên trong cơ thể để điều hòa việc sản xuất các hóc môn trong cơ thể. Chất có tính chất này được gọi là có hoạt tính estrogen. Estrogen tổng hợp có thể bám vào các thụ thể estrogen trong tế bào, kích hoạt quá trình phiên mã và biểu hiện gen ở trong tế bào. Các chất từ bên ngoài tế bào có hoạt tính estrogen như estrogen tổng hợp. Do vậy, có thể gây ra rất nhiều những biến đổi sinh học và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của con người và các động vật khác.
Nhóm nghiên cứu do TS Đặng Minh Hiếu, giảng viên Chương trình Nông nghiệp Thông minh và Bền vững (Trường Đại học Việt Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội), nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, dẫn đầu là một trong số ít nhóm nghiên cứu tại Việt Nam quan tâm tới vấn đề về sự tồn tại của estrogen tổng hợp trong môi trường.
Kết hợp với các nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi GS Yutaka Sakakibara và TS Yoshihiko Inagaki tại Đại học Waseda (Nhật Bản), TS Đặng Minh Hiếu đã có nhiều công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong và ngoài nước về vấn đề này.
Tháng 12/2021, cùng với các cộng sự của mình, TS Đặng Minh Hiếu đã có một bài trình bày về vấn đề quản lý estrogen tổng hợp trong môi trường nước trong một hội thảo quốc tế về Các vấn đề đương đại trong phát triển bền vững tổ chức tại Hà Nội.
Một nghiên cứu công bố năm 2019 của nhóm trên một số hồ ở Hà Nội đã cho thấy, trong mẫu nước thu thập từ các hồ đều chứa hàm lượng estrogen tổng hợp trên ngưỡng có thể phát hiện, 0,01ng/L. Một số mẫu có hàm lượng khá cao lên đến vài ng/L và thường cao hơn trong mùa mưa từ tháng 5 - 9. Đặc biệt, một số mẫu nước từ hồ Yên Sở, nơi được xem là nhận được nước đã qua xử lý từ nhà máy nước thải Yên Sở gần đó, đôi khi có thể lên đến trên 7ng/L trong mùa mưa.
Các báo cáo nghiên cứu gần đây cũng đã đưa ra một tình trạng đáng báo động ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia khu vực châu Á và thậm chí cả các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật, Úc và một số nước châu Âu, về việc phát hiện hàm lượng cao của các chất ô nhiễm có hoạt tính estrogen gồm cả estrogen tổng hợp trong các nguồn nước đã qua xử lý.
Một số nghiên cứu khác của nhóm nghiên cứu đã cho thấy, khi tiếp xúc ngắn với estrogen tổng hợp trong nước ở hàm lượng rất thấp, 0,5 ng/L, các con cá nhỏ như cá bắt muỗi và cá medaka đã có thể bị ảnh hưởng lên hành vi khiến chúng trở lên hung hăng hơn khi tiếp xúc với những con cá khác.
Những nghiên cứu trong khoảng 10 năm trở lại đây cũng đã chứng minh việc tiếp xúc với các chất ô nhiễm có hoạt tính estrogen trong môi trường có thể làm thay đổi hành vi xã hội, sinh sản và tập tính của các loài cá và động vật nhỏ. Công bố của nhóm nghiên cứu trong vài năm gần đây cho thấy, khi sử dụng nước chứa estrogen tổng hợp ở nồng độ tương đương nồng độ trong môi trường cũng có thể làm ảnh hưởng đến tốc độ và mô hình phát triển của một số loài thực vật và rau quả thưc phẩm.
TS Đặng Minh Hiếu thuyết trình trong một hội thảo về nông nghiệp bền vững tại Trường Đại học Việt Nhật – Đại học Quốc gia Hà Nội (Ảnh: Trường ĐHVN). |
Từ năm 2012, Cục Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) đã vận hành Chương trình sàng lọc chất gây rối loạn nội tiết (EDSP – Endocrine Disruptor Screening Program) nhằm phát hiện các chất có tiềm năng gây ảnh hưởng lên tuyến nội tiết của động vật và con người để đưa ra các khuyến cáo cũng như quy định về quản lý phù hợp.
Tới năm 2015, các chất estrogen gồm cả dạng tự nhiên và tổng hợp đã được đưa vào danh sách cần theo dõi. Các nghiên cứu trên động vật về ảnh hưởng của các chất này nhằm xác định ngưỡng gây độc cụ thể vẫn đang tiếp tục được tiến hành và cũng chưa có qui định cụ thể nào được đưa ra đối với hàm lượng cho phép của các chất này trong nguồn nước.
Ở châu Âu, Anh là quốc gia đầu tiên đưa ra quy định về nồng độ cụ thể của các hợp chất estrogen trong môi trường nước mặt với nồng độ tối đa không gây ảnh hưởng là 0,1ng/L cho estrogen tổng hợp và khoảng 1 - 5ng/L cho các estrogen tự nhiên như 17b-estradiol và estrone. Vấn đề về các chất ô nhiễm estrogen trong môi trường vẫn còn gây nhiều tranh cãi xung quanh các nước châu Âu.
Năm 2012, Chỉ thị khung về nước (Water Framework Dirrective) của Ủy ban châu Âu đã đưa estrogen tổng hợp và 17b-estradiol vào danh sách cần được kiểm soát. Tuy nhiên, trong chỉ thị năm 2013 của Ủy ban châu Âu (Directive 2013/39/EU) đã đưa estrogen tổng hợp và 17b-estradiol sang danh sách theo dõi mà không có tiêu chuẩn chất lượng môi trường nào được thiết lập cho các chất này nhằm thu thập thêm dữ liệu giám sát và xác định lại các ngưỡng thích hợp liên quan đến rủi ro do các chất này gây ra.
Ở Việt Nam, cho đến nay, trong các văn bản quy phạm pháp luật cũng như các quy định, hướng dẫn về quản lý chất lượng nước mặt và tài nguyên nước, không có văn bản nào đề cập đến việc kiểm soát, quản lý tài nguyên nước liên quan đến hóa chất thải có nguy cơ gây phá vỡ chức năng bình thường của hệ nội tiết, cũng như các estrogen trong môi trường.
Luật Bảo vệ môi trường mới nhất được Quốc hội thông qua năm 2020 đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) một loạt nhiệm vụ trong đó có hướng dẫn đánh giá và tổ chức đánh giá chất lượng nước mặt; tổ chức kiểm kê, đánh giá tài nguyên chất thải và xử lý ô nhiễm các sông, hồ liên tỉnh; và kiểm tra việc thực hiện kế hoạch quản lý, ngăn ngừa ô nhiễm và cải thiện chất lượng nước sông, hồ liên tỉnh.
Thông tư 10/2021/TT-BTNMT do Bộ TN&MT ban hành tháng 6/2021 về Quy chuẩn kỹ thuật quan trắc môi trường và quản lý thông tin, dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường, đưa ra các thông số tối thiểu được lựa chọn để quan trắc chất lượng nước mặt ở cấp quốc gia và cấp tỉnh phải bao gồm pH, tổng chất rắn (TSS), oxy hòa tan (DO), nhu cầu oxy hóa học (COD), oxy sinh học (BOD5), amoni (NH4+), tổng nitơ hoặc NO3-, tổng phốt pho hoặc PO43- và tổng số coliform, đều là các thông số quy ước, không có đề cập nào liên quan đến các chất gây rối loạn nội tiết cũng như estrogen trong nước mặt.
Vấn đề estrogen cũng như các chất gây rối loạn nội tiết trong môi trường nước đã đặt các quốc gia trước những thách thức lớn trong việc quản lý các chất này trong môi trường. Ở Việt Nam, vấn đề này chưa được thảo luận trong các luật và quy định hiện hành về môi trường.
Dựa trên thực tế ngày càng có nhiều bằng chứng về ảnh hưởng sức khỏe của các chất gây ô nhiễm có hoạt tính estrogen, cùng với một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, Việt Nam nằm trong số các quốc gia có chỉ số ô nhiễm môi trường cao đối với các chất estrogen và chất gây rối loạn nội tiết khác, chính phủ và các cơ quan liên quan cần quan tâm đúng mức đến các chất ô nhiễm này càng sớm càng tốt và bắt đầu các qui trình xây dựng các chính sách và quy định phù hợp để quản lý các chất ô nhiễm này trong môi trường, giảm thiểu tác hại khôn lường đến sức khỏe con người và tác động tiêu cực đến môi trường sống.