STDs là các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Đây là nhóm bệnh lây nhiễm do vi khuẩn, virus, ký sinh trùng hoặc nấm gây ra, chủ yếu qua các hoạt động tình dục không an toàn như quan hệ qua âm đạo, hậu môn hoặc miệng. Một số bệnh thường gặp trong nhóm này bao gồm lậu, giang mai, herpes sinh dục, sùi mào gà, chlamydia...
Nhà vệ sinh là nơi chứa đựng nhiều vi khuẩn gây hại. Ảnh: Pexels. |
Có rủi ro khi dùng nhà vệ sinh công cộng?
Nhà vệ sinh công cộng là nơi tiềm ẩn nhiều vi khuẩn, nhưng nguy cơ lây nhiễm bệnh qua đường tình dục từ đây gần như không thể xảy ra. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ khẳng định rằng việc nhiễm bệnh lây qua đường tình dục khi sử dụng bồn cầu chung là rất hiếm.
Theo Healthline, các vi khuẩn gây bệnh tình dục như lậu, giang mai, hoặc chlamydia chỉ tồn tại trong môi trường ẩm ướt của màng nhầy như hậu môn, dương vật, miệng. Khi ra ngoài môi trường, chúng nhanh chóng chết đi, do đó không thể lây truyền qua bệ ngồi bồn cầu hay nhà vệ sinh công cộng.
Mặc dù vậy, một số loại virus hoặc ký sinh trùng như HPV hoặc rận mu có thể tồn tại ngoài cơ thể trong thời gian ngắn. Về mặt lý thuyết, chúng có thể lây qua tiếp xúc với bề mặt bị nhiễm khuẩn, nhưng khả năng này cực kỳ hiếm.
Một số trường hợp ngoại lệ có thể kể đến như:
Trong một số trường hợp hiếm hoi, bệ ngồi bồn cầu ẩm có thể truyền bệnh trichomoniasis (nhiễm trùng roi). Tuy nhiên, để điều này xảy ra, vùng sinh dục của người bình thường phải tiếp xúc ngay với vi khuẩn mà người bệnh để lại.
Viêm gan B có thể lây qua máu hoặc tinh dịch còn sót lại trên bệ ngồi bồn cầu. Tuy nhiên, bạn chỉ bị lây nếu có vết thương hở và vết thương này tiếp xúc với virus.
Các đường lây bệnh phổ biến
HIV, viêm gan B và HPV là những bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất, mỗi bệnh có đặc điểm và đường lây nhiễm khác nhau, theo Medical News Today.
- HIV
HIV lây truyền qua tiếp xúc với dịch cơ thể như máu, tinh dịch và sữa mẹ. Các con đường lây nhiễm phổ biến gồm:
Quan hệ tình dục không sử dụng bao cao su hoặc biện pháp bảo vệ khác.
Dùng chung dụng cụ tiêm như kim tiêm.
Truyền máu nhiễm bệnh.
Lây từ mẹ sang con trong quá trình mang thai, sinh nở hoặc cho con bú.
- Viêm gan B
Viêm gan B không lây qua dùng chung bệ ngồi bồn cầu, trừ khi có tiếp xúc trực tiếp giữa vết thương hở với máu hoặc tinh dịch của người bệnh. Con người có thể mắc viêm gan B qua:
Quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp bảo vệ.
Chia sẻ kim tiêm.
Truyền từ mẹ sang con trong quá trình sinh nở.
- HPV (Human Papillomavirus)
HPV có nhiều thể bệnh lây qua đường tình dục, chủ yếu qua tiếp xúc da với da trong quan hệ miệng, hậu môn và âm đạo. Đặc biệt, HPV còn có thể lây qua tiếp xúc bộ phận sinh dục mà không cần quan hệ tình dục.
Mặc dù vi khuẩn HPV có khả năng sống trên các bề mặt cứng trong thời gian ngắn, việc lây nhiễm qua bệ ngồi bồn cầu là cực kỳ hiếm. Hiệp hội Ung thư Mỹ khẳng định rằng nguy cơ lây HPV từ bệ ngồi bồn cầu gần như không thể xảy ra.