Thời sự

Dùng mật cá trôi bồi bổ, cụ bà nguy kịch

  • Tác giả : Thúy Nga
Rất nhiều người đã bị ngộ độc do mật cá nhưng nhiều người dân vẫn tin phương pháp dân gian để sử dụng và có thể phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.

Bệnh nhân nữ 79 tuổi (Thanh Ba, Phú Thọ) được mách rằng ăn mật cá sẽ giúp bồi bổ, tốt cho mắt. Sau một ngày sử dụng mật cá trôi tại nhà, người bệnh xuất hiện triệu chứng buồn nôn, nôn nhiều, đau bụng dữ dội,...Bệnh nhân được đưa đến cấp cứu tại cơ sở y tế tuyến huyện.

Chiều ngày 13/1 (ngày thứ 3 sau khi ăn mật cá), bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cấp cứu với thể trạng suy kiệt, nhập Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc để điều trị.

Sau hơn 4 ngày, tình trạng bệnh nhân đã thoát khỏi nguy kịch và hiện tiếp tục được theo dõi theo phác đồ điều trị ngộ độc.

Dùng mật cá trôi bồi bổ, cụ bà nguy kịch ảnh 1

Dùng mật cá trôi bồi bổ, cụ bà nguy kịch

Thực tế hàng năm tại các bệnh viện vẫn xảy ra nhiều vụ ngộ độc do uống mật cá trôi, trắm mà nhiều khi đến cấp cứu ở bệnh viện thì đã quá muộn. Thường các triệu chứng ngộ độc xuất hiện 1-2 giờ sau khi uống mật cá trắm: đau bụng dữ dội, tiêu chảy, nôn kéo dài sau 1, 2, 3 ngày sẽ tiểu ít, phù nề do suy thận cấp, bí tiểu, khó thở hôn mê rồi tử vong.

Về vấn đề này Bộ Y tế đã khuyến cáo, các bài thuốc trong Nam dược thần liệu không ghi rõ liều lượng kết hợp với việc truyền miệng trong nhân dân như một bí phương. Vì vậy không nên dùng”.

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, trong dân gian thường quan niệm các loại mật cá, đặc biệt cá to thường có lợi cho sức khỏe, thậm chí có thể chữa một số bệnh. Tuy nhiên bên trong các loại mật cá thuộc họ cá chép như cá mè, cá trôi, cá trắm hay kể cả các loại cá tầm đều có chứa một loại độc tố nguy hiểm.

Tên khoa học của loại độc tố này là 5α-cyprinol, đây là một hợp chất alcohol độc của mật với 5 nhóm hydroxyl trong phân tử, bền vững với nhiệt, giữ độc tính khi nấu chín nên kể cả khi nấu chín ăn vào vẫn sẽ gây ngộ độc. Chất độc này gây tổn thương, viêm, loét đường tiêu hóa, đau bụng, nôn và tiêu chảy.

Sau đó nhanh chóng làm tổn thương, suy thận, hoại tử ống thận, tổn thương gan gây suy gan…

Nhiều bệnh nhân khi trúng độc cần phải điều trị tích cực như lọc máu và nằm viện nhiều ngày với chi phí điều trị tốn kém, nếu không nguy cơ tử vong sẽ rất cao.

Vì vậy, TS.BS Nguyên khuyến cáo người dân tuyệt đối không ăn mật cá bởi sẽ gây ngộ độc. Hơn nữa, bản thân các loại mật động vật chính là nơi chứa những loại vi trùng, vi rút, ký sinh trùng… Chúng có thể gây bệnh cho con người, gây ngộ độc và các bệnh nhiễm trùng tiềm ẩn và việc điều trị rất khó khăn.

Đặc biệt chất Tetrodotoxin thường có trong mật cá nóc, cá trôi, cá trắm có tác hại lên hệ thần kinh gây mệt mỏi, suy hô hấp, rối loạn hành vi. Do đó khi làm thực phẩm cần rửa thật sạch, nấu nướng kỹ, tốt nhất nên bỏ mật, lòng cá trắm, cá trôi.

Thúy Nga