Suy thận cấp, suy gan do mật cá trắm
Vừa thoát khỏi lưỡi hái tử thần, ông L.D.P, 50 tuổi (ở huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) chưa hết bàng hoàng. Trải qua những ngày điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang trong tình trạng “thập tử nhất sinh”, ông P mới thấy mình quá dại dột khi nghe lời bạn bè rỉ tai uống mật cá trắm cho bổ sức khoẻ.
Gia đình mua được con cá trắm tươi nặng hơn 5kg. Ông P được rỉ tai: Uống mật cá trắm rất tốt cho sức khoẻ, đặc biệt ở tuổi của ông P. Không cần biết thực hư ra sao, ông P đã lấy mật cá trắm pha với bát nước gừng để uống cho bổ. Sau uống thấy đau bụng, bí đại tiện, tiểu ít, phù người, 3 ngày tiếp theo, những cơn đau tăng lên kèm theo nôn, đau bụng, vàng da… nên người nhà đã đưa đi cấp cứu.
Ông P được đưa cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang trong tình trạng vô niệu, đau khắp bụng, đau mỏi thắt lưng, bụng chướng, da vàng.
BS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực – chống độc (Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang) cho biết, bệnh nhân được chẩn đoán suy thận cấp, suy gan, đã được lọc máu cấp cứu, dùng thuốc lợi tiểu, truyền dịch… Sau đợt điều trị, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, các triệu chứng bệnh đã giảm và tiếp tục được theo dõi, điều trị tích cực tại khoa.
Tại Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) thường xuyên tiếp nhận những ca ngộ độc mật cá trắm, đặc biệt vào dịp cuối năm hiện nay.
Th. BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) kể lại: Trung tâm từng điều trị cho một bệnh nhân suýt mất mạng vì mật cá trắm. Bệnh nhân nam L.Đ.Đ, gần 60 tuổi ở tỉnh Hà Nam cũng nghe lời rỉ tai của mọi người đã dùng mật cá trắm đen pha với rượu uống để bồi bổ sức khỏe. Tuy nhiên, khoẻ chưa thấy đâu người bệnh đã rơi vào trạng thái tiêu chảy cấp, buồn nôn, suy thận, suy gan… phải nhập viện cấp cứu.
Ông Đ đã uống mật cá trắm đen được khoảng 7 giờ đồng hồ thì xuất hiện biểu hiện đau bụng, nôn nhiều, tiểu ít. Lúc này, ông Đ vẫn không nghĩ tới ngộ độc mật cá trắm nên ở nhà chịu đau. Gần 4 ngày sau khi uống mật cá trắm ông Đ đau quá không chịu được. Lúc này, ông Đ mới đến Trung tâm chống độc. Vừa vào viện, ông Đ. đã phải chạy thận cấp cứu vì suy thận.
Theo Th.BS Nguyễn Trung Nguyên, nếu bệnh nhân Đ.đến bệnh viện muộn hơn và không được chạy thận lọc độc thì có thể nguy hiểm đến tính mạng, thậm chí có thể tử vong.
Có thể dẫn ra một vài cách chữa bệnh bằng mật cá trắm trong dân gian mà qua khám bệnh, các thầy thuốc đã ghi nhận được: dùng mật cá trắm chữa các chứng đau bụng, đau lưng, hen suyễn, ho kinh niên, suy nhược cơ thể, tăng cường sinh lực, làm trơn tóc, trắng da…
Không chỉ có chị em phụ nữ nhẹ dạ dễ tin mà cánh đàn ông nhiều người cũng bị những đồn thổi mê hoặc, dùng loại mật này thay cho thuốc…Viagra. Người ta mách nhau nên uống mật cá trắm tươi hoặc hoà cùng với rượu thì mới có hiệu quả.
Thế nhưng, tất cả những người áp dụng kinh nghiệm này đều phải đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng sau khi uống chừng một đến hai giờ, xuất hiện đau bụng dữ dội, nôn mửa nhiều, tiêu chảy nặng… Nếu không được cứu chữa kịp thời thì đến ngày thứ hai hoặc thứ ba sẽ thấy các triệu chứng tiểu ít hoặc vô niệu, phù, khó thở do suy thận, thậm chí có thể nôn ra máu, hôn mê và đi đến tử vong.
Mật cá trắm có gì mà nguy hiểm?
BS Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Những ca ngộ độc mật cá trắm không phải ít xảy ra. Có người nuốt nguyên cả mật, có người nuốt mật kèm một chén rượu, có người hòa mật với rượu uống. Dù uống cách nào cũng có thể dẫn đến ngộ độc chết người. Mật cả hai loại cá trắm đen và trắng đều có chất độc, nếu ăn phải có thể bị ngộ độc nguy hiểm.
“Lâu nay, nhiều người truyền nhau đau bụng, đau lưng uống mật cá trắm sẽ khỏi; hen suyễn, ho kinh niên uống mật cá trắm sẽ hết bệnh; người ốm yếu, suy nhược uống mật cá trắm sẽ khoẻ…, coi mật cá trắm là một “tiên dược” có thể chữa khỏi bách bệnh.
Nhưng những “bài thuốc” này không có cơ sở khoa học. Người dân không nên tự ý sử dụng mật của các loại cá nói chung và mật của cá trắm nói riêng, bởi trong mật các loại cá luôn chứa độc, không có lợi cho sức khỏe con người. Độc tố chính trong mật cá trắm là 5α Cyprinol, chất này gây tổn thương cho gan, thận”, BS Nguyễn Anh Tuấn cảnh báo.
Qua phân tích người ta thấy, trong mật cá trắm có muối mật, bilirubin, cholesterol, các axit béo, muối khoáng và quan trọng nhất là nhóm steroit. Uống mật cá trắm là đã đưa vào cơ thể một lượng lớn steroit gây rối loạn chuyển hoá các bộ phận của cơ thể và gây độc, đặc biệt đối với thận và gan.
Thường người bị nhiễm độc mật cá trắm chết do suy thận cấp. Bệnh xảy ra nặng hay nhẹ tùy theo người uống khoẻ hay yếu, uống mật to hay nhỏ. Sau khi uống mật cá trắm 2 – 3 giờ, các triệu chứng ngộ độc bắt đầu xuất hiện.
Trường hợp nhẹ, bệnh nhân bị đau bụng, nôn, đại tiện lỏng, nhưng tiểu tiện vẫn bình thường. Trường hợp nặng, bệnh nhân đau bụng dữ dội, nôn thốc tháo và tiêu chảy. Tiếp theo đó là tiểu tiện ít, phù do suy thận cấp. Có những trường hợp rất nặng, bệnh nhân không có nước tiểu, phù to, khó thở, hôn mê và tử vong.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo: Cá trắm chia thành hai loài. Cá trắm đen (mylopharyngodon piceus) có mình và vây màu xám đen, ăn tôm cá nhỏ và cá trắm trắng (ctenopharyngodon idellus) có mình và vây màu xám nhạt, gần như trắng, ăn rong, cỏ.
Độc tố chính trong mật cá trắm là một Alcol steroid có 27 C gọi là 5α Cyprinol và gây tổn thương chủ yếu là viêm gan, thận. Nguyên nhân tử vong do phù phổi cấp, phù não do vô niệu, ứ nước; tổn thương vi thể như cầu thận tổn thương nhẹ, các mao mạch giãn rộng, chứa đầy nước không có hồng cầu; màng đáy và vỏ Bowmann phù nề, ống thận tổn thương nặng nề ở mức độ khác nhau, đặc biệt ở vùng ống lượn liên bào ống thận mất riềm bàn chải, sưng đục, thoái hoá; gan bị xung huyết các tĩnh mạch giữa múi, các xoang tĩnh mạch giãn rộng, đầy hồng cầu.
Nguyên sinh chất tế bào gan sưng đục hoặc thoái hoá, hạt có nhân đông, khoảng cửa xung huyết không có phì đại, xơ hóa. Mức độ gây ảnh hưởng của mật của cá trắm tới sức khỏe phụ thuộc vào liều lượng đua vào cơ thể. Mật của cá trắm từ 3 kg trở lên thì chắc chắn gây ngộ độc, gây viêm thận cấp và có thể dẫn đến tử vong sau 2 ngày nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời.
Đến nay chưa có tài liệu khoa học nào khẳng định việc nuốt mật cá có tác dụng chữa bệnh mà thực tế rất nhiều trường hợp nuốt mật cá đã dẫn đến tử vong. Để đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng mật cá trắm dưới bất kỳ hình thức và mục đích nào.
Theo Lao Động