Đời sống

Du lịch "trốn" Tết thế nào để không bị coi là bất hiếu?

  • Tác giả : Hồng Linh
Xưa nay, nhiều người Việt quan niệm Tết là sự trở về với với cội nguồn, quê hương, cha mẹ, là cái Tết của sự đoàn viên, sum vầy. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, nhiều người đã tận dụng thời gian nghỉ Tết để đi du lịch.
du-lich.jpg

Tết cổ truyền là thời gian mọi người thường xuyên phải tất bật, vất vả chuẩn bị cỗ Tết, thăm hỏi người thân, họ hàng, ăn, uống không nghỉ. Điều đó, khiến những người hiện đại, người trẻ cảm thấy mệt mỏi, sợ Tết.

Những năm gần đây, vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều người đã chọn “chơi Tết” thay vì “ăn Tết” bằng những chuyến du lịch. Hiện tượng này đã trở nên phổ biến, đặc biệt là ở giới trẻ hoặc giới thượng lưu.

Khi xã hội phát triển, con người sống có phần phóng khoáng, hiện đại hơn. Người ta đã không còn quá nặng nề vào những lễ nghi truyền thống. 

Tết là khoảng thời gian nghỉ dài ngày, trong khi cả năm đã phải làm việc, lao động, học tập vất vả, vì thế, nhiều người muốn dành thời gian nghỉ Tết để nạp cho mình một nguồn năng lượng mới.

Chị Hoài Thương (Hà Nội) cho biết, 2 năm gần đây, vào kỳ nghỉ Tết, chị đều đi du lịch. Ngày thường công việc khá bận rộn nên Tết là thời gian để tận hưởng cho bản thân. Tuổi trẻ không kéo dài, bây giờ còn độc thân, được tự do nên chị muốn làm những điều mình  yêu thích.

Du lịch dịp Tết là cách để mọi người tự thưởng cho bản thân sau một năm lao động, làm việc vất vả. Tìm đến những nơi yên tĩnh, phong cảnh đẹp thay vì sự ồn ào, náo nhiệt những ngày Tết làm cho con người có cảm giác thư thái, thoải mái hơn, giải tỏa những căng thẳng, lo âu trong cuộc sống. Đồng thời, nó cũng giúp con người có thêm một nguồn năng lượng mới, chuẩn bị cho bản thân trên hành trình tiếp theo.

du-lich-mung-2-tet.jpg

Xã hội phát triển, nhìn nhận về vấn đề du lịch Tết đã có phần thoáng hơn nhưng điều đó không có nghĩa là con người cho phép bản thân được tùy tiện, lạm dụng những gì mình muốn. Bởi cái cốt lõi vẫn là các giá trị văn hóa nguyên gốc. Thỏa mãn nhu cầu thực tế cá nhân phải đi liền với sự trân trọng, giữ gìn các giá trị cổ truyền của dân tộc.

Chính vì thế, du lịch Tết vẫn là chủ đề còn gây tranh luận ở nhiều người. Có nhiều luồng ý kiến cho rằng, du lịch vào dịp Tết làm mất đi giá trị truyền thống.

Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia văn hóa, tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng nhận định, du lịch vào dịp Tết không làm mất giá trị truyền thống bởi Tết Việt không chỉ là Tết đoàn viên của gia đình mà còn là Tết sum vầy của cộng đồng. Người Việt không chỉ ăn Tết mà còn chơi Tết. Vấn đề là du lịch phải có văn hóa, chọn điểm du lịch có giá trị thẩm mỹ, đảm bảo an toàn, bảo vệ môi trường, và đừng quên trách nhiệm công việc với gia đình, đoàn viên, sum vầy với bố mẹ.

Tết chính là sự đoàn viên của gia đình, của sự hội ngộ không phải là chia ly. Vì vậy, nếu chúng ta không cân nhắc giữa nhu cầu du lịch cá nhân với việc đoàn tụ, khát vọng về quê ăn Tết thì vô hình trung làm mất đi giá trị truyền thống của dân tộc.

Ví dụ như: Sắp xếp, phân chia thời gian hợp lý về quê thăm gia đình, họ hàng trước khi đi du lịch để thấy mình không bị tội vong bản, không mất cội nguồn.

Khi đi du lịch, cũng nên chia sẻ tình cảm với anh em, bạn bè để những người ở nhà không có cảm giác bị lãng quên. Hãy gửi những lời ngọt ngào, những hình ảnh đẹp để họ có được cảm giác ấm áp. Hoặc mời bố mẹ, người thân cùng nhau đi du lịch.

Hồng Linh