Đời sống

Du lịch thế giới thiếu vắng du khách “chịu chi” đến từ Trung Quốc

  • Tác giả : An Quý
Covid-19 mang đi nguồn thu khổng lồ cho du lịch toàn cầu, tác động mạnh mẽ tới ngành kinh doanh hàng hiệu xa xỉ. Đặc biệt, các nước thiếu vắng du khách Trung Quốc.

Phụ nữ Trung Quốc thích du lịch xa, mua sắm hàng hiệu

Đối với bất kỳ khách du lịch nào, mua quà lưu niệm là một phần quan trọng của trải nghiệm kỳ nghỉ.

mua-sam.jpg
Khách du lịch Trung Quốc thích chi những khoản tiền lớn cho những món đồ xa xỉ, chẳng hạn như quần áo và phụ kiện hàng hiệu, khi họ đi du lịch nước ngoài. Nguồn: Tom Wang/Shutterstock

Tuy nhiên, một số lượng đáng kể khách du lịch Trung Quốc thích chi những khoản tiền lớn cho những món đồ xa xỉ, chẳng hạn như quần áo và phụ kiện hàng hiệu, khi họ đi du lịch nước ngoài.

Theo Conversation, khoảng 1/3 chi tiêu toàn cầu cho các mặt hàng xa xỉ được ghi có cho người tiêu dùng Trung Quốc vào năm 2018.

Các nhà tư vấn của Bain dự đoán con số này sẽ tăng lên 50% vào năm 2025.

Trước đại dịch coronavirus, gần như toàn bộ khoản chi tiêu trị giá 85 tỷ bảng Anh (92%) đã được thực hiện bên ngoài đại lục Trung Quốc.

Hơn nữa, phần lớn hoạt động mua sắm ở nước ngoài này do phụ nữ trong độ tuổi từ 19 đến 29 thực hiện, theo một cuộc khảo sát năm 2018 với hơn 750 triệu người Trung Quốc.

Rõ ràng, khi nền kinh tế Trung Quốc phục hồi sau coronavirus, những du khách này sẽ quay trở lại tiêu xài. Những địa phương nào họ sẽ đến để du lịch và chi tiêu sẽ có tác động lớn đến sự phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Ngành du lịch Châu Âu thiệt hại 10 tỷ euro

Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 và nhất là sự xuất hiện của siêu biến thể Omicron, từ Quảng trường Tây Ban Nha ở Rome (Ý) đến Phố Vaci ở Budapest (Hungary), các hoạt động thương mại ở những khu vực nhộn nhịp nhất của châu Âu hầu như đìu hiu kể từ khi mở cửa trở lại do thiếu khách du lịch.

Đặc biệt, thiếu khách du lịch Trung Quốc. Châu Âu có thể dẫn đến thiệt hại khoảng 10 tỷ euro.

khong-con-canh-nay.jpg
Các cửa hàng hiệu xa xỉ ở châu Âu thiếu vắng khách du lịch Trung Quốc. Nguồn: Melanie Pongratz qua Unsplash

Các nhà phân tích, những người trong ngành du lịch và các hãng lữ hành cho biết sự vắng mặt của du khách Trung Quốc đã gây ra tổn thất lớn cho ngành du lịch châu Âu.

"Không có du khách Trung Quốc, ngành du lịch châu Âu sẽ bị thiệt hại về kinh tế,” Jiang Yiyi, giáo sư tại Trường Thể thao và Du lịch Giải trí thuộc Đại học Thể thao Bắc Kinh, nói.

Lấy Tây Ban Nha làm ví dụ. Trong những năm gần đây, khách du lịch Trung Quốc không được xếp hạng trong top 10 du khách phổ biến nhất đến Tây Ban Nha theo quốc tịch, nhưng chi tiêu của họ đã đứng đầu, Jiang cho biết.

Theo một báo cáo của Ủy ban Du lịch Châu Âu, Pháp là điểm đến phổ biến nhất bên ngoài châu Á đối với khách du lịch Trung Quốc trong những năm gần đây.

Năm 2018, 2,2 triệu du khách Trung Quốc đã đến thăm Pháp và chi tổng cộng 4 tỷ euro (4,58 tỷ USD). Năm 2019, hơn 2,4 triệu người Trung Quốc đã đến Pháp.

Theo Ủy ban Du lịch châu Âu, các điểm đến phổ biến khác ở châu Âu đối với khách du lịch Trung Quốc bao gồm  Anh, Áo, Đức, Hà Lan, Hy Lạp, Nga, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, và Ý.

Chi tiêu trung bình từ 1.500 đến 3.000 euro cho mỗi chuyến đi đến châu Âu, tùy thuộc vào điểm đến và khách du lịch Trung Quốc đã chi khoảng 180 euro mỗi ngày ở Pháp vào năm 2019.

1/3 chi tiêu của họ dành cho việc mua hàng hóa bán lẻ, đặc biệt là các mặt hàng xa xỉ, với mức tăng trưởng hàng năm là 9%.

Áo, Hungary và Cộng hòa Séc là những điểm đến phổ biến nhất ở Trung và Đông Âu đối với khách du lịch Trung Quốc, chiếm 50% tổng số khách du lịch ở các nước này.

Mặc dù, Hungary đã mở cửa 1/3 các ngành nghề dịch vụ vào giữa tháng 6/2021, hầu hết các cửa hàng miễn thuế, nhà hàng và khách sạn tư nhân nhỏ vẫn đóng cửa vì thiếu khách châu Á.

Du lịch là một trong những ngành công nghiệp trụ cột của châu Âu, đóng góp 3,9% vào GDP của EU năm 2018 và chiếm 5,1% tổng lực lượng lao động, tương đương 11,9 triệu việc làm, dữ liệu từ Nghị viện châu Âu cho thấy.

Trung Quốc đã trở thành thị trường du lịch lớn nhất trên thế giới. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), tổng cộng 149,7 triệu người Trung Quốc đã đi du lịch nước ngoài trong năm 2018, chi 277,3 tỷ USD và chiếm 20% chi tiêu du lịch quốc tế toàn cầu.

"Khoảng 5 triệu du khách Trung Quốc đến thăm châu Âu mỗi năm. Nhưng do chính sách thị thực Schengen, nhiều chuyến đi xuyên biên giới không được hải quan Trung Quốc ghi nhận, khiến con số thực tế cao hơn nhiều", Jiang nói.

Dự báo, trong hai năm tới, lượng khách du lịch Trung Quốc đến Trung và Đông Âu có thể sẽ không trở lại mức trước đại dịch.

Tuy nhiên, đại dịch coronavirus sẽ không thể “ngăn cản” sự thèm muốn đi du lịch và chi tiêu của thế hệ giàu có sinh sau những năm 90 của Trung Quốc.

Một cuộc khảo sát vào tháng 4/2021 cho thấy gần 60% nhóm này đã trì hoãn kế hoạch mua hàng và lên kế hoạch “chi tiêu trả thù” sau khi dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc kết thúc.

An Quý