Dữ liệu y khoa

Đột quỵ nhiệt: Tổn thương nguy hiểm trong những ngày hè

  • Tác giả : Thúy Nga
Đột quỵ nhiệt là một cấp cứu thường gặp vào mùa hè, có thể giết chết hoặc gây tổn thương não, cơ bắp cũng như các cơ quan nội tạng nếu không được sơ cứu và xử trí kịp thời. Bệnh không chỉ gặp ở người già, trẻ nhỏ mà gia tăng cả ở người trẻ, khỏe không có bệnh lý nền.

Bệnh nhân tăng gấp 3 lần vì nắng nóng

Anh Nguyễn Văn K. (37 tuổi ở Hà Nội) đi ngoài trời nắng về thì thấy mệt mỏi, đau đầu. Chủ quan anh vào phòng bật điều hòa và nằm nghỉ, sau mấy tiếng gia đình vào gọi anh xuống ăn cơm thì anh đã hôn mê không biết gì.

Trao đổi với phóng viên, TS.BS Phan Thảo Nguyên, Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện E cho biết, nắng nóng “sốc nhiệt” làm gia tăng đột quỵ. Khác với đột quỵ vì nắng nóng ở người già thường do các bệnh lý nền như tăng huyết áp, mỡ máu, tiểu đường, tim mạch... thì ở người trẻ (đa phần 25 - 30 tuổi) là do dị dạng mạch máu não.

Triệu chứng của bệnh không điển hình, giống như say nắng, đau đầu nên người bệnh chủ quan mà không biết rằng kiểu đột quỵ này khởi phát với rất ít dấu hiệu cảnh báo nhưng lại gây chết người nếu không được xử lý thật nhanh.

Ghi nhận tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho thấy, đợt nắng nóng kéo dài vừa qua đã khiến số bệnh nhân tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với ngày thường. Đột qụy chiếm 30 - 40% số bệnh nhân nhập viện, tỷ lệ nặng nhiều, do người bệnh chần chừ, đến viện muộn.

nang-nong-dot-quy1.jpg
Đột quỵ nhiệt:  Tổn thương nguy hiểm trong những ngày hè

BS Trần Đình, Khoa cấp cứu bệnh viện Lão khoa cho biết, bệnh nhân nhập viện trong thời gian nắng nóng nặng hơn so với thông thường. Cao điểm có ngày Khoa Hồi sức cấp cứu tiếp nhận gần 30 ca, trong đó, khoảng một nửa cần có can thiệp cấp cứu hồi sức.

ThS.BS Trần Quốc Khánh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, say nóng và nặng hơn nữa là “đột quỵ nhiệt” là một tình trạng chấn thương bởi nhiệt, cơ thể bị rối loạn do tiếp xúc với nhiệt độ cao trong một thời gian, thường kết hợp với mất nước và ở những người lao động quá sức, dẫn đến hệ thống điều hòa thân nhiệt của cơ thể bị tổn thương, mất kiểm soát. Đây là một trong những cấp cứu thường gặp vào mùa nắng nóng ở hầu hết các nước trên thế giới. Đột quỵ nhiệt có thể giết chết hoặc gây tổn thương não, cơ bắp và các cơ quan nội tạng nếu không được sơ cứu và xử trí kịp thời.

Định nghĩa y học về đột quỵ là khi nhiệt độ cơ thể lớn hơn 104 độ F (tức 40 độ C) với các biến chứng liên quan đến hệ thống thần kinh trung ương xảy ra sau khi tiếp xúc với nhiệt độ cao. Những triệu chứng thường bao gồm buồn nôn, co giật, lú lẫn, mất phương hướng và đôi khi mất ý thức hoặc hôn mê, cuối cùng bệnh nhân tử vong.

Thực tế nghiên cứu trên 1.700 bệnh nhân cho thấy, mỗi thay đổi nhiệt độ giảm đột ngột 2,9 độ C làm tăng 11% nguy cơ đột quỵ. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nguy cơ đột quỵ có thể tăng lên đến 30%. Các yếu tố nguy cơ khác đi kèm bao gồm thay đổi đột ngột về độ ẩm và áp suất khí quyển. Các nhóm đối tượng có nguy cơ bị đột quỵ do nhiệt độ thay đổi bao gồm: Người cao tuổi, có bệnh lý tim mạch kèm theo như tăng huyết áp, rung nhĩ, suy tim…

Những thói quen “làm mát” chết người

ThS.BS Phan Thảo Nguyên cảnh báo, người trẻ là đối tượng lao động, vào những ngày nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời có thể lên tới 40 – 50 độ C, trong khi nhiệt độ trong nhà thấp hơn vì có sử dụng điều hòa để làm mát, gây nên sự chênh lệch nhiệt độ cao giữa trong nhà và ngoài trời. Khi di chuyển từ môi trường nắng nóng bên ngoài vào nhà, sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ có thể gây ra mối nguy cơ, hiểm họa khôn lường đối với sức khỏe.

Theo BS Nguyễn Minh Thuận, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn, đột quỵ có thể xảy ra với bất kỳ ai và bất kỳ thời gian nào trong năm nhưng thường gia tăng vào mùa hè khi nhiệt độ cao, trời oi bức. Bởi thời điểm này cơ thể bài tiết nhiều mồ hôi dẫn đến việc mất đi một lượng nước khá lớn khiến nồng độ nước trong cơ thể giảm, độ kết dính trong máu tăng làm tăng huyết áp, tăng nguy cơ đột quỵ.

nang-nong-dot-quy-2.jpg
Chăm sóc bệnh nhân đột quỵ do nắng nóng

Đặc biệt là những thói quen “hạ nhiệt” trong ngày nắng nóng làm tăng nguy cơ đột quỵ. Chẳng hạn, nhiều người hoạt động, làm việc ngoài trời, chơi thể thao… về thấy cơ thể tiết nhiều mồ hôi khó chịu nên tắm ngay khiến nhiệt độ cơ thể giảm xuống đột ngột gây cảm lạnh và đột quỵ. Vì vậy, sau khi đi làm về thì phải ngồi nghỉ từ 15 - 20 phút để thân nhiệt ổn định lại, sau đó lau người trước cho cơ thể thích ứng với nhiệt độ của nước rồi mới bắt đầu tắm toàn thân.

Thói quen ngồi trực tiếp dưới điều hòa hay quạt máy để làm mát nhanh chóng cũng rất nguy hiểm bởi lúc này cơ thể tiết ra mồ hôi khiến các mạch máu dưới da bị giãn nở để tỏa nhiệt. Nếu để những luồng gió lớn thổi trực tiếp vào người thì mồ hôi sẽ càng bốc hơi mạnh, từ đó làm nhiệt độ ngoài da giảm và các mạch máu bị co lại đột ngột trong khi nhiệt độ bên trong cơ thể chưa ổn định. Chính sự mất cân bằng nhiệt độ giữa môi trường trong và ngoài sẽ gây ra hậu quả khi đứng dậy, bạn gặp phải tình trạng hoa mắt, chóng mặt hay đột quỵ tại chỗ.

Tình trạng để nhiệt độ điều hòa quá thấp hoặc uống nước đá lạnh, hay ăn kem… cũng dễ dẫn đến tình trạng sốc nhiệt và đột quỵ. Vì vậy, điều cần làm là ngồi nghỉ và lấy một cốc nước mát uống từ từ để giải khát và trung hòa thân nhiệt.

Phát hiện sớm và sơ cứu rất quan trọng

ThS.BS Trần Quốc Khánh cảnh báo, chúng ta cần phải nghĩ ngay đến đột quỵ nhiệt khi có yếu tố tiếp xúc với nền nhiệt độ cao trong một thời gian (làm việc ngoài trời nắng nóng, đi nắng về, nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao, công nhân làm việc trong hầm lò đốt, đi du lịch đến vùng nắng nóng, lao động nặng vào những ngày hè nóng bức…).

Bệnh nhân có những biểu hiện sớm như đau đầu, chóng mặt, thiếu mồ hôi mặc dù trời nắng nóng, da đỏ, nóng và khô khi sờ vào, yếu cơ hoặc chuột rút, buồn nôn và ói mửa. Nặng hơn nữa là nhịp tim nhanh, có thể mạnh hoặc yếu, thở nhanh và nông, thay đổi hành vi như nhầm lẫn, mất phương hướng hoặc hoảng loạn, co giật bất tỉnh. Cặp nhiệt độ cơ thể lên trên 40 độ C.

Khi nghi ngờ ai đó bị đột quỵ nhiệt, hãy gọi ngay cấp cứu 115 hoặc đưa người đó đến bệnh viện càng nhanh càng tốt. Bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc tìm kiếm trợ giúp y tế đều có thể dẫn đến tử vong.

Trong khi chờ nhân viên y tế đến, cần tiến hành sơ cứu đầu tiên: Đưa người bệnh đến môi trường có máy lạnh, hoặc đưa bệnh nhân vào trong nhà tắm hay ít nhất là khu vực râm mát, cởi bỏ bớt quần áo. Nếu có nhiệt kế thì liên tục cặp nhiệt độ và sơ cứu, làm mát cơ thể đưa nhiệt độ về 38 - 38,5 độ C.

Làm mát cơ thể bao gồm các cách sau: Dùng quạt không khí thổi đều trên người bệnh, làm ướt da bằng khăn ướt, chườm túi nước đá vào nách, cổ và lưng của bệnh nhân vì những khu vực này rất giàu mạch máu gần da, làm mát chúng có thể làm giảm nhiệt độ cơ thể nhanh chóng. Lưu ý, không sử dụng đá lạnh cho bệnh nhân lớn tuổi, trẻ nhỏ, bệnh nhân bị bệnh mạn tính.

Cách tránh đột quỵ do sốc nhiệt:

- Uống đủ nước, làm mát cơ thể khi nhiệt độ cao.

- Cần hạn chế các hoạt động thể chất kéo dài vào những thời điểm nóng nhất trong ngày từ 10 - 16h30. Nếu bạn phải ở ngoài trời thì nên uống đủ nước và nghỉ ngơi thường xuyên.

- Không trực tiếp đi ngay vào phòng có điều hòa, mà phải đi vào phòng đệm trước đó.

- Không nên sử dụng điều hòa với mức nhiệt độ quá thấp, nên duy trì ở khoảng 27 độ C, tránh chênh lệch nhiệt độ quá lớn so với môi trường bên ngoài.

- Che chắn cơ thể khi đi ra ngoài đường để tránh bị tăng thân nhiệt, không tắm nước lạnh ngay khi vừa đi ngoài trời nắng vào…

Thúy Nga