Trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng được quảng cáo rầm rộ phòng ngừa, chữa trị huyết áp, tim mạch, đột quỵ, tiểu đường... Nhiều bệnh nhân không uống thuốc, chuyển sang dùng thực phẩm chức năng theo quảng cáo dù không hiểu rõ về hiệu quả sản phẩm.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch cho biết, hiện có nhiều loại thực phẩm chức năng khác nhau được quảng cáo trên thị trường nhưng chưa có loại nào được chứng minh là mang lại hiệu quả thực sự cho bệnh nhân tim mạch.
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng phân tích, thực phẩm chức năng được người Nhật sử dụng đầu tiên trong những năm 1980 để chỉ những thực phẩm chế biến có chứa những thành phần tuy không có giá trị dinh dưỡng nhưng giúp nâng cao sức khoẻ cho người sử dụng.
Bộ Y tế Việt Nam định nghĩa thực phẩm chức năng: Là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh.
Như vậy, thực phẩm chức năng khác với thuốc, thuốc là những sản phẩm để điều trị và phòng bệnh, được chỉ định để nhằm tái lập, điều chỉnh hoặc sửa đổi chức năng sinh lý của cơ thể. Thực phẩm chức năng được dùng để hỗ trợ điều trị chứ không thể thay thế hoàn toàn thuốc trong các chế độ điều trị bệnh.
Người bị bệnh tim mạch, huyết áp... cần phải điều trị thuốc thường xuyên và liên tục. Các thuốc điều trị bệnh động mạch vành được chứng minh làm giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim, suy tim, đột quỵ, tử vong. Thực phẩm chức năng chỉ có tác dụng hỗ trợ chế độ điều trị không được thay thế thuốc điều trị, đặc biệt là các thuốc tim mạch.
TTND.BS Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam nhấn mạnh, khi có bệnh về tim mạch, huyết áp... bắt buộc phải dùng Tây y điều trị và có thể dùng bài thuốc Đông y hỗ trợ. Thực phẩm chức năng là một dạng thức ăn để bổ sung không có tác dụng chữa bệnh, người dân chớ nên nghe theo quảng cáo mà sử dụng.
TTND.BS Nguyễn Xuân Hướng phân tích, ngay cả sản phẩm nổi tiếng được quảng cáo phòng ngừa và chữa trị đột quỵ cũng chỉ có tác dụng thanh nhiệt, giải khái khiếu, trấn kinh, an thần. Dùng để điều trị: Bệnh nhiệt hãm ở tâm bào lạc (màng tim).
Bệnh nhân sốt cao, tay chân lạnh, co giật, nói nhảm. Trẻ em do sốt cao lên cơn co giật, Đông y gọi là cấp kinh phong, chứ không có tác dụng như quảng cáo. Thậm chí nhiều người đã mất tiền khi mua 3 viên dự phòng để hết hạn và nhiều người tử vong, hôn mê khi dùng an cung ngưu hoàn hoàn không đúng.
Thực tế, chưa có công trình khoa học nào tổng kết một cách đầy đủ về việc dùng an cung ngưu hoàn hoàn đề phòng xuất huyết não mà chỉ là lời đồn thổi. Chúng tôi cũng có gặp và hỏi, một vài giáo sư Trung Y Trung Quốc cũng trả lời: “Chưa có kinh nghiệm trong trường hợp này”. Tục ngữ có câu: “Có bệnh thì vái tứ phương” nhưng phải tìm đúng thầy, đúng thuốc. Xin đừng nghe lời đồn đại mà “tiền mất, tật mang”.