Ý kiến bạn đọc

Đơn thuốc trái tuyến có được thanh toán ở bệnh viện?

  • Tác giả : Thúy Nga
Theo quy định của Luật BHYT, bạn sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT khi:  Đi khám chữa bệnh đúng nơi đăng ký ban đầu trên thẻ BHYT; Thực hiện chuyển tuyến đúng quy định...

Hỏi: Bệnh của tôi không ổn định, các con khuyên đi khám ở tuyến Trung ương. Tôi không rõ mang đơn thuốc về bệnh viện đăng ký khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế (BHYT) ban đầu có được quỹ BHYT chi trả không?

Nguyễn Thị Hằng (Hà Nội)

Đơn thuốc trái tuyến có được thanh toán ở bệnh viện? - Ảnh minh họa

Đơn thuốc trái tuyến có được thanh toán ở bệnh viện? - Ảnh minh họa

Trả lời: Theo quy định của Luật BHYT, bạn sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT khi:

- Đi khám chữa bệnh đúng nơi đăng ký ban đầu trên thẻ BHYT.

- Xuất trình đầy đủ thủ tục (thẻ BHYT cùng giấy tờ chứng minh nhân thân có ảnh).

- Thực hiện chuyển tuyến theo đúng quy định (nếu có).

Khi đó, bạn sẽ được bác sĩ có chuyên môn chỉ định khám, thực hiện các dịch vụ kỹ thuật cần thiết để chẩn đoán và kê đơn thuốc điều trị (thuốc trong phạm vi chi trả của quỹ BHYT sẽ được bệnh viện cấp sau khi hoàn thành quy trình khám bệnh).

Như vậy, bạn không thể tự đi khám sau đó mang đơn thuốc được kê đến nơi đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu để được cấp thuốc theo chế độ.

Trường hợp bạn được cơ sở khám, chữa bệnh tuyến trên chẩn đoán, kê đơn thuốc điều trị, sau đó chuyển về để quản lý, theo dõi, cấp phát thuốc tại trạm y tế xã (ví dụ thuốc điều trị HIV, Lao, một số thuốc điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường… theo nội dung tại cột ghi chú Phụ lục I ban hành kèm Thông tư 20/2022/TT-BYT ngày 31/12/2022 của Bộ Y tế), thì được quỹ BHYT chi trả trong phạm vi được hưởng và mức hưởng quy định trên thẻ BHYT.

Bà Nguyễn Thị Ngọc (Cán bộ Bảo hiểm Xã hội Hà Nội)

Thúy Nga