Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai Dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác hội chẩn, tư vấn, khám, chữa bệnh từ xa tại các cơ sở trên địa bàn tỉnh” (Dự án Telemedicine) từ năm 2012, tạo ra bước đột phá trong công tác khám chữa bệnh.
Bệnh nhân vượt "cửa tử" nhờ hệ thốngTelemedicine
Bệnh nhân Trần Văn C. (32 tuổi, Bình Liêu, Quảng Ninh) bị đau tức ngực, khó thở do tràn khí màng phổi phải. Bệnh nhân đã được phẫu thuật cấp cứu tuy nhiên tình trạng này lại tái phát với diễn biến phức tạp, khó khăn cho việc điều trị triệt để. Nhận định đây là ca bệnh khó, kíp phẫu thuật của Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã hội chẩn trực tuyến ngay trong phòng mổ với các chuyên gia, giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực ngoại lồng ngực của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để có phương án xử trí tốt nhất cho người bệnh. Với sự hỗ trợ, tư vấn chuyên môn của các chuyên gia đầu ngành, ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi sau một tiếng phẫu thuật. Bệnh nhân sau mổ tỉnh táo, rút ống tự thở ngay, không còn đau ngực và hai phổi nở tốt.
Đây chỉ là một trong hàng trăm bệnh nhân nặng, nguy kịch đã được phẫu thuật thành công nhờ sự hỗ trợ chẩn đoán, điều trị kịp thời với các chuyên gia đầu ngành tuyến trung ương thông qua các phiên hội chẩn trực tuyến từ xa. Người bệnh nhờ vậy được cứu chữa kịp thời, tiết kiệm tối đa chi phí điều trị, chi phí bảo hiểm y tế, các chi phí khác cho người dân. Con số đó khẳng định tính đúng đắn, hiệu quả mà mô hình này mang lại, nhất là trong thời điểm dịch bệnh luôn có những diễn biến khó lường.
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện ca mổ dưới sự tư vấn phẫu thuật từ xa của chuyên gia Bệnh viện Việt Đức qua hệ thống Teleheath. |
Ngoài kết nối với tuyến trung ương, công tác chỉ đạo tuyến cơ sở qua hệ thống Telahealth ở tuyến cơ sở cũng luôn được Ban lãnh đạo bệnh viện đẩy mạnh triển khai. Với trường hợp cấp cứu khẩn cấp, Bệnh viện đã lập zalo nhóm “Khám chữa bệnh từ xa 24/7” để tăng cường kết nối giữa tuyến huyện với chuyên gia đầu ngành tuyến tỉnh, cùng nhau trao đổi nhanh, hỗ trợ hội chẩn và hướng xử trí trong bất kỳ thời điểm nào. Khi có ca bệnh cấp cứu cần xin ý kiến, bác sĩ tuyến dưới sẽ cung cấp các xét nghiệm cận lâm sàng, hình chụp cắt lớp của bệnh nhân lên nhóm zalo và xin ý kiến hội chẩn tuyến tỉnh, nhờ vậy nhiều trường hợp nguy kịch ở vùng biên giới, hải đảo xa xôi vẫn được chẩn đoán chính xác và cứu chữa kịp thời.
Nâng cao tay nghề nhờ khám chữa bệnh từ xa
Không chỉ mang lại lợi ích cho người bệnh, Telehealth còn là phương thức chuyển giao chuyên môn kỹ thuật từ xa hữu hiệu. Trong 9 tháng đầu năm 2022, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã kết nối 50 buổi hội chẩn trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa thường kỳ và đột xuất với các Bệnh viện tuyến TƯ cho gần 400 bác sĩ, điều dưỡng.
35 lượt cán bộ y tế tham gia đào tạo, chuyển giao kỹ thuật trực tuyến từ tuyến Trung ương; 22 buổi hội thảo khoa học, sinh hoạt chuyên môn trực tuyến với hơn 500 lượt cán bộ tham dự. Mô hình đào tạo chuyển giao kỹ thuật từ xa đã giúp cán bộ y tế học hỏi, cập nhật và làm chủ được những phương pháp mới trong chẩn đoán và điều trị.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh đào tạo trực tuyến về công tác hồi sức cấp cứu cho các đơn vị y tế trên địa bàn. |
Bệnh viện cũng thường xuyên tổ chức các buổi đào tạo, chuyển giao kỹ thuật qua phần mềm Zoom và Teleheath với các bác sĩ Trung tâm y tế tuyến huyện; tổ chức đào tạo trực tuyến chuyên ngành nội khoa cho 300 bác sĩ đang công tác tại các đơn vị y tế tuyến miền đông.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả mô hình khám, chữa bệnh từ xa, ThS.BS Nguyễn Bá Việt, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: “Thời gian tới, Bệnh viện sẽ tiếp tục mở rộng kết nối với các bệnh viện đầu ngành trong cả nước, đồng thời huy động các nguồn lực thực hiện đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đồng bộ hóa trang thiết bị để phục vụ công tác khám chữa bệnh từ xa…góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ban đầu, giúp người dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại tỉnh nhà.
Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” của Bộ Y tế là một giải pháp quan trọng, mang đến lợi ích nhân đôi cho cả người bệnh và cơ sở y tế, đóng góp vào tiến trình chuyển đổi số của ngành. Đây được coi là cánh tay nối dài của hệ thống y tế, làm xoá nhoà ranh giới giữa các tuyến, phát huy hiệu quả cao nhất việc chăm lo sức khoẻ cho nhân dân.