Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số y tế thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Bệnh nhân được tư vấn, khám sức khỏe 24/7
Sau giai đoạn căng thẳng chống đại dịch Covid-19, ngành y tế tiếp tục là điểm sáng về chuyển đổi số, nhằm thúc đẩy việc số hóa thông tin chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân thông tin khám, chữa bệnh để hình thành kho dữ liệu quốc gia về y tế, phục vụ chuyển đổi số ngành y tế.
Chuyển đổi số y tế là một trong những ưu tiên hàng đầu của 8 lĩnh vực ưu tiên của chuyển đổi số quốc gia được quy định trong Quyết định 749 của Chính phủ về phê duyệt chuyển đổi số quốc gia đến 2025 -2030.
Theo đó, các nền tảng số y tế thuộc chương trình phát triển nền tảng số quốc gia bao gồm: Nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử; Nền tảng quản lý tiêm chủng; Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa; Nền tảng trạm y tế xã… và một số nền tảng khác.
Chuyển đổi số y tế: Chủ động chăm sóc sức khỏe nhân dân |
Nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử sẽ là một y bạ điện tử cho mỗi người dân ghi lại quá trình chăm sóc sức khỏe từ lúc sinh ra cho đến khi mất đi. Khi đi khám bệnh, thông qua hồ sơ sức khỏe điện tử, người dân cung cấp tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh tật và quá trình khám chữa bệnh một cách nhanh chóng, chính xác, đầy đủ, tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị. Đây là thành phần cốt lõi nhất trong phát triển y tế thông minh, thúc đẩy chuyển đổi số ngành Y tế.
Nền tảng quản lý tiêm chủng cung cấp công cụ, dịch vụ cho mọi cơ sở tiêm chủng trên toàn quốc, cho phép người dân đăng ký tiêm chủng trực tuyến, cho phép cơ sở tiêm chủng lập kế hoạch tiêm, lập danh sách tiêm, thực hiện tiêm và tổng hợp thông tin sau tiêm. Nền tảng quản lý tiêm chủng sẽ tích hợp dữ liệu với Nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử.
Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa sẽ cung cấp dịch vụ hỗ trợ, tư vấn hội chẩn từ xa giữa các cơ sở y tế, bác sĩ tuyến trên và tuyến dưới, đồng thời tư vấn sức khỏe từ xa cho người dân qua ứng dụng di động và các phương tiện công nghệ khác; Tích hợp công nghệ số vào dịch vụ theo dõi chăm sóc sức khỏe tại gia đình; theo dõi hàng ngày các chỉ số đo mà không cần thường xuyên đến phòng khám của bác sĩ, không phải đến bệnh viện, không phải xếp hàng, chờ đợi để được khám chữa bệnh; tư vấn sức khỏe 24/7.
Theo đó, 100% các cơ sở y tế có bộ phận khám chữa bệnh từ xa giúp người dân tiếp cận được dịch vụ khám chữa bệnh có chất lượng hơn, giảm tải cho các cơ sở y tế tuyến trên.
Nâng cao năng lực cho nhân viên y tế
Trong kế hoạch chuyển đổi số trong đào tạo, hơn 20.000 nhân viên y tế trên cả nước sẽ được nâng cao năng lực trong năm 2022-2023. Chương trình Nâng cao năng lực y tế cơ sở sẽ là bước khởi đầu cho việc ứng dụng chuyển đổi số trong đào tạo liên tục tại Việt Nam.
Hơn 20.000 nhân viên y tế trên cả nước sẽ được nâng cao năng lực trong năm 2022-2023 |
Ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Chủ tịch thường trực, Tổng Thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết, y tế cơ sở là tuyến trực tiếp gần dân nhất, có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, tạo điều kiện cho nhân dân dễ dàng tiếp cận với chi phí thấp, góp phần thực hiện công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo.
Chuyển đổi số sẽ cung cấp dịch vụ hỗ trợ, tư vấn hội chẩn từ xa giữa các cơ sở y tế |
Chương trình Nâng cao năng lực y tế cơ sở dự kiến được tổ chức trong vòng 03 năm, thí điểm giai đoạn 1 từ 2022-2023 nhằm tập trung vào đào tạo theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến, với các nội dung như: quản lý các bệnh lý thường gặp; chăm sóc sức khỏe ban đầu và sơ cấp cứu; tiêm chủng vắc xin dự phòng và vấn đề tư vấn cho người dân; dự phòng cho những tình huống khẩn cấp trong tương lai…
Chuyển đổi số ngành y hướng tới mục tiêu từ nay đến năm 2030 hoàn thiện số hóa dữ liệu sức khỏe người dân, hình thành kho dữ liệu quốc gia về y tế gồm: hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử, hình ảnh số y khoa ... Người dân có thể thực hiện đăng ký khám và đăng ký tư vấn, khám chữa bệnh từ xa…