Dữ liệu y khoa

Độc tố botulinum nguy hiểm thế nào?

  • Tác giả : BS Thu Nguyệt
Ngộ độc Botulinum hay còn gọi là ngộ độc thịt là loại ngộ độc cực kỳ nguy hiểm, gây liệt trung khu thần kinh tuần hoàn, hô hấp… và cuối cùng thì chết do ngạt. Vậy cơ chế của loại ngộ độc này như thế nào?

Vi khuẩn ngộ độc thịt có ở khắp nơi và trên 1200 độ C mới giết được nha bào Clostridium botulinum (C.botulinum) là một vi khuẩn hình que, Gram dương, sống kỵ khí tuyệt đối, sinh bào tử, gây bệnh bằng ngoại độc tố.

Trong tự nhiên, các bào tử của vi khuẩn C.botulinum phổ biến và có khả năng sống sót cao ở trong đất và bụi, được tìm thấy trong đất vườn, nghĩa trang, bùn, phân động vật tươi hoặc đã ủ, đường tiêu hóa của động vật, gia cầm, cá...

Nha bào có nhiều trong đất và có sức đề kháng cao, đặc biệt chịu nóng > 1000 C vẫn sống, đun nóng ở nhiệt độ 1200 C trong 10 phút mới giết chết được nha bào.

Clostridium botulinum ở điều kiện thích hợp sẽ tạo thành độc tố và sinh 7 typ độc tố A, B, C, D, E, F, G. Hay gây ngộ độc là typ A và B, ít hơn là typ E.

Typ A thường thấy ở Châu Mỹ, typ B thường thấy ở Châu Âu và typ E thường thấy ở Nhật bản.

Độc tố của Clostridium botulinum có độc lực mạnh hơn độc tố của tất cả các vi khuẩn khác. Nó chịu được men tiêu hoá và môi trường axit nhẹ của dạ dày, mất tác dụng bởi kiềm và nhiệt độ cao 1200 C/5 phút hoặc 800 C/10 phút hoặc đun sôi trong vài phút.

Vi khuẩn C.botulinum phổ biến trong môi trường nên có thể lây nhiễm qua các khâu sản xuất, vận chuyển, bảo quản và sử dụng thực phẩm.

Đặc biệt là các loại thực phẩm đóng hộp như: sữa bột, pho mát, xúc xích, lạp xưởng, thực phẩm lên men yếm khí.

Các thực phẩm đóng hộp công nghiệp thường sử dụng nitric để ức chế độc tố botulinum. Các thực phẩm đóng hộp được chế biến thô sơ rất dễ nhiễm khuẩn C. botulinum.

Bệnh nhân ngộ độc botulinum đang được hồi sức tại Bệnh viện Chợ Rẫy

Bệnh nhân ngộ độc botulinum đang được hồi sức tại Bệnh viện Chợ Rẫy

Vi khuẩn có ái tính với hệ thống thần kinh

Cơ thể bị bệnh do ăn phải độc tố có trong thực phẩm và cả độc tố mới tiết ra đường tiêu hoá và các mô do vi khuẩn xâm nhập vào ở dạ dày, ruột, độc tố không bị acid của dịch vị tiêu huỷ, độc tố ngấm nhanh vào máu và phân tán ra toàn cơ thể vào các tế bào của các mô khác nhau.

Trước hết vào các mô của hệ thần kinh trung ương, gắn kết vào các đầu mút thần kinh, rồi gây ra những biểu hiện lâm sàng phát sinh từ hành tuỷ, nôn, buồn nôn.

Độc tố còn ngấm nhanh vào máu qua lớp màng nhầy của đường hô hấp.

Thời gian ủ bệnh từ 8-10 giờ, có trường hợp 4 giờ.

Triệu chứng: vì độc tố vi khuẩn có ái tính với hệ thống thần kinh nên bệnh nhân ngộ độc thì biểu hiện chủ yếu là triệu chứng thần kinh ngoại biên.

- Nôn, buồn nôn, nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, yếu ớt, da khô.

- Đau bụng, bụng chướng, táo bón, thường ít ỉa chảy. - Không sốt hoặc sốt nhẹ, không rối loạn ý thức.

- Sau đó xuất hiện triệu chứng thần kinh điển hình:

+ Liệt cơ mắt: giãn đồng tử, mất phản xạ ánh sáng, liệt cơ tim, liệt điều tiết (viễn thị), liệt cơ vận động nhãn cầu (lác mắt), nhìn đôi.

+ Liệt màn hầu, co thắt họng: nghẹn, sặc đường mũi, doãi cơ hàm, nhai nuốt khó khăn.

+ Liệt cơ thanh quản: nói khàn, giọng mũi, nói nhỏ, nói không thành tiếng. Các triệu chứng liệt có đặc điểm thường liệt cả hai bên đối xứng.

-Triệu chứng tiêu hoá vẫn tiếp tục theo chiều hướng: táo bón, giảm tiết dịch tiêu hoá, khô miệng, khô họng.

Diễn biến: bệnh kéo dài từ 4-8 ngày. Trường hợp nặng thì trung khu thần kinh tuần hoàn và hô hấp bị liệt (khó thở, thở nhanh, nông) cuối cùng thì chết do ngạt.

Ngộ độc do Clostridium botulinum rất hiếm nhưng được biết nhiều vì tiên lượng nặng, tỉ lệ tử vong cao. Bệnh hồi phục tương đối chậm, thường để lại di chứng tương đối dài. Nếu không được điều trị sẽ tử vong sau 3 – 4 ngày.

Ngày nay với các phương pháp điều trị tích cực, nhanh chóng, tỷ lệ tử vong còn khoảng 10%.

BS Thu Nguyệt (Bộ Y tế)

BS Thu Nguyệt