Dinh dưỡng

Dinh dưỡng cải thiện điều trị cho bệnh nhân ung thư thực quản

  • Tác giả : Cử nhân điều dưỡng Nguyễn Thị Thuỷ
Ung thư thực quản là một trong những bệnh ung thư gây tử vong cao nhất trên toàn thế giới. Việc lạm dụng rượu và tiêu thụ thức ăn, đồ uống nóng làm tăng nguy cơ bệnh.... Khi bị bệnh cần biết cách sử dụng đúng thực phẩm. 

Lạm dụng rượu và thức ăn “xấu” là tác nhân gây bệnh

Ung thư thực quản là một trong những bệnh ung thư gây tử vong cao nhất trên toàn thế giới, là loại ung thư đứng thứ chín tỷ lệ mắc trong các bệnh ung thư và đứng thứ sáu về tử vong do ung thư.

Có hai loại mô bệnh học chính của thực quản là: Ung thư biểu mô tế bào vảy và ung thư biểu mô tuyến, mỗi loại trong số chúng có liên quan đến một số yếu tố nguy cơ.

Trong số đó, một số thói quen có thể điều chỉnh được, chẳng hạn như uống rượu, hút thuốc lá, chế độ dinh dưỡng được coi là những điểm chính để ngăn ngừa ung thư thực quản.

Việc lạm dụng rượu và tiêu thụ thức ăn và đồ uống nóng làm tăng nguy cơ ung thư biểu mô tế bào vảy thực quản, trong khi chế độ ăn giàu protein chẳng hạn như thịt đỏ và thịt đã qua chế biến làm tăng nguy cơ ung thư biểu mô tuyến thực quản.

Bệnh nhân ung thư thực quản thường bị suy dinh dưỡng, nguyên nhân chính liên quan đến giai đoạn bệnh và các phác đồ điều trị. Tình trạng sút cân nhanh chóng liên quan tới giai đoạn bệnh (khối u to gây nuốt vướng, nuốt nghẹn, gây cản trở khả năng ăn uống), hay biến chứng sau hóa trị /xạ trị.

Suy dinh dưỡng xảy ra ở 60–85% bệnh nhân ung thư thực quản,là một trong những tỷ lệ được báo cáo cao nhất khi so sánh với các khối u ác tính khác.

Có nhiều cơ chế giải thích cho tình trạng suy dinh dưỡng của bệnh nhân ung thư thực quản như chứng khó nuốt, sự trao đổi chất bị suy giảm và bị ảnh hưởng do cắt bỏ thực quản hoặc điều trị hóa trị / xạ trị…

Tình trạng dinh dưỡng kém của những bệnh nhân ung thư thực quản thường liên quan đến tình trạng suy mòn ở giai đoạn cuối nặng nề hơn so với các loại ung thư khác.

Suy dinh dưỡng ở nhóm bệnh nhân này ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, làm thể trạng bệnh nhân kém khả năng chịu đựng với các liệu trình hóa trị liệu dẫn đến tỷ lệ sống sót thấp hơn.

Do vậy, việc đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng đặc biệt cho nhóm bệnh nhân này đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp cận điều trị đa phương thức giúp cải thiện tình trạng của bệnh nhân ung thư thực quản.

Đảm bảo dinh dưỡng, thay đổi kết cấu thực phẩm tốt cho điều trị ung thư thực quản - Ảnh minh họa

Đảm bảo dinh dưỡng, thay đổi kết cấu thực phẩm tốt cho điều trị ung thư thực quản - Ảnh minh họa

Đảm bảo dinh dưỡng, thay đổi kết cấu thực phẩm tốt cho điều trị

Để đảm bảo dinh dưỡng cần thiết, bệnh nhân ung thư thực quản cần phải thay đổi kết cấu của thực phẩm như thực phẩm cắt nhỏ, xay nhuyễn, dạng nước ép, sinh tố… hoặc phương thức ăn như nuốt hoàn toàn từng miếng thức ăn trước khi ăn tiếp.

Bệnh nhân nên uống nhiều nước mỗi ngày, đặc biệt là nước, để giúp ngăn ngừa sự mất nước. Các nguồn chất lỏng khác bao gồm nước trái cây, súp, sữa, kem que, bánh pudding, sữa chua và kem. Làm đặc chất lỏng có thể giúp bệnh nhân dễ nuốt hơn. Dùng ống hút để uống chất lỏng và thức ăn mềm. Ăn thực phẩm lạnh (để giảm đau) hoặc ở nhiệt độ phòng.

Hạn chế gia vị chẳng hạn như bột ớt, hạt tiêu hoặc cà ri, và thức ăn cay. Thay vì nấu các món ăn có nhiều gia vị, những thứ này có thể gây kích ứng niêm mạc miệng, cổ họng và thực quản, do vậy các món ăn chế biến cho bệnh nhân ung thư thực quản cần nhạt hơn và ưu tiên các món ăn nấu, luộc, hấp hạn chế dầu mỡ và các món chiên xào trong thực đơn của người bệnh ung thư thực quản.

Tránh rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích, nước ngọt có ga..

Tư thế ngồi cần thẳng lưng khi dùng bữa để đảm bảo cho đường tiêu hóa từ thực quản đến dạ dày thông suốt hơn, ngồi nghỉ ngơi ít nhất 10-15 phút.Nếu cảm thấy buồn nôn, người bệnh nên ngồi thẳng và hít thở thật chậm và sâu.

Áp dụng chế độ ăn khoa học và chia nhỏ bữa ăn trong ngày: chế độ ăn uống nhiều rau quả, trái cây sẽ giúp tăng cường miễn dịch. Vì thế cần ưu tiên các thực phẩm chứa nhiều chất xơ, nhiều đạm và giàu protein, rau xanh, ngũ cốc, trà xanh….

Bên cạnh đó, cần hạn chế những thực phẩm chế biến sẵn, chứa nhiều dầu mỡ, đồ chiên rán nhiều lần, đồ cay nóng…cũng giúp ngăn ngừa tổn thương ở thực quản.

Trong trường hợp bệnh nhân có nuốt nghẹn độ III( uống nước nghẹn), chủ động mở thông dạ dày nuôi dưỡng hoặc đặt stent thực quản để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho người bệnh. Dinh dưỡng có thể được đưa vào cơ thể liên tục hoặc chia nhỏ thành 3 – 6 lần/ngày, mỗi lần 1 – 2 chén( súp lỏng, nước hoa quả, sinh tố…).

Dinh dưỡng qua ống thông dạ dày đôi khi được sử dụng khi bệnh nhân có thể ăn một lượng nhỏ thức ăn qua đường miệng nhưng không đủ để duy trì sức khỏe. Chất dinh dưỡng đưa vào cơ thể qua ống thông giúp tăng thêm năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết khác cho sức khỏe.

Ngoài ra, bệnh nhân ung thư thực quản thường xuyên thiếu hụt nồng độ vitamin, đặc biệt là vitamin B1, ferritin, acid folic, vitamin B12 và vitamin D với mức độ khác nhau và đặc biệt tăng lên trong quá trình hóa, xạ trị.

Do đó, Bệnh nhân ung thư thực quản nên có sự tư vấn điều trị dinh dưỡng từ các bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng để có thực đơn ăn uống cụ thể và đảm bảo đầy đủ năng lượng và bổ sung vi chất, vitamin phù hợp đảm bảo tăng khả năng dung nạp thuốc, hiệu quả điều trị và chất lượng cuộc sống người bệnh.

Cử nhân điều dưỡng Nguyễn Thị Thuỷ (Khoa Hoá trị liệu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108)

Cử nhân điều dưỡng Nguyễn Thị Thuỷ