Theo y học cổ truyền, chắp, lẹo có tên gọi là "thâu châm", "châm nhãn", "thổ âm", "thổ dương", "nhãn đơn", "mạch lạp thủng"... Bệnh thường do nhiệt độc gây ra, do ăn uống đồ cay nóng thái quá làm kinh vị hoá nhiệt gây tổn hại mi mắt. Bệnh rất hay tái phát. Còn theo y học hiện đại thì chắp, lẹo là do viêm tuyến Myebomius và tuyến Ziei ở mắt.
Phương pháp áp dụng châm huyệt nhĩ trên loa tai đã áp dụng điều trị cho bệnh nhân tại khoa Y học cổ truyền Bệnh viện Quân y 109 quân khu II, Bệnh viện đa khoa Hùng Vương tỉnh Phú Thọ đều đem lại kết quả tốt. Kỹ thuật này đơn giản, dễ thực hiện hơn kỹ thuật châm huyệt phế du, can du.
Chỉ định: Chắp, lẹo mới, chưa hóa mủ, “ chưa chín”, chưa có chỉ định ngoại khoa.
Cách lấy huyệt: Nắm giữa vành tai gấp về phía trước, lấy huyệt ở chỗ nhọn nhất của hai nửa vành tai gấp vào nhau, đỉnh vành tai là huyệt nhĩ cần lấy để điều trị.
Thực hiện: Sát trùng huyệt theo đúng kỹ thuật. Dùng kim hào châm, châm vào huyệt sâu khoảng 02mm (chú ý không được châm vào sụn vành tai). Rút kim ra nặn 1,2 giọt máu. Sát trùng lại. Ngày châm 1 đến 2 lần, cách nhau 6 giờ. Liệu trình 1 đến 2 ngày. Thông thường 2 ngày là khỏi. Phối hợp với thuốc nhỏ mắt như: Natriclorid 0,9% hoặc Cloramphenicol 0,4%, nhỏ theo chỉ dẫn trên bao bì.
Phòng bệnh: Giữ vệ sinh mắt, nhắm mắt day xoa (mát xa) bờ mi mắt. Hạn chế ăn đồ ngọt.
Chú ý: Vành tai chỉ có da, sụn, mạch máu, thần kinh rất dễ bị nhiễm trùng. Do vậy việc vô trùng là rất quan trọng, nếu nhiễm trùng bệnh sẽ không khỏi.
BSCKII Nguyễn Kim Hùng, (Phó Trưởng khoa Nội Nhi - Đông y, BVĐK Hùng Vương tỉnh Phú Thọ