Gia đình mới

Phép màu đến với thai 26 tuần dọa sinh non

  • Tác giả : Thúy Nga
Phép màu vẫn luôn tồn tại trên đời mang lại cuộc sống và sự hạnh phúc đến cho các bé sinh non và gia đình.

Mang thai 27 tuần, dọa sinh non

Chị Linh mang thai 27 tuần, dọa sinh non nên nhập viện nằm giữ thai, được điều trị thuốc để dự phòng cho việc có nguy cơ sinh sớm. Đến 28 tuần thì cơn gò tăng, cổ tử cung mở không thể giữ thêm nữa, em bé chào đời nặng 1000g và được khoa Sơ sinh - Bệnh Viện Phụ Sản Hà Nội nuôi dưỡng thành công.

Từ khi Linh biết tin mang thai đến tuần 25, mọi thứ đều bình thường. Chị theo khám ThS.BS. Tạ Việt Cường, Phó giám đốc Trung tâm khám, điều trị Sản Phụ khoa và Chăm sóc sức khỏe sinh sản Cơ sở 2 - Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội từ đầu thai kì và đã được bác sĩ thông báo trước là chị bị cổ tử cung ngắn nên em bé có thể có nguy cơ sinh non.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Đến tuần 26, chị đau âm ỉ phần bụng dưới và ra dịch nâu, lúc đầu chị chỉ nghĩ đơn thuần là con đạp. Nhưng mấy tiếng trôi qua, dịch vẫn tiếp tục ra nên chị bắt đầu lo sợ. Đêm hôm đó với chị là đêm vô cùng đáng nhớ với chị vì có cảm giác buồn đi vệ sinh nặng liên tục mà không đi được, sau này chị mới hiểu đó là dấu hiệu của cơn co tử cung.

Chị nhanh chóng tới Bệnh viện khám và được phát hiện cổ tử cung đã mở 2 phân, cần nhập viện ngay lập tức để theo dõi. Sau khi được các bác sĩ truyền thuốc giảm co, chị đã cắt được cơn co và chuyển tới khoa Sản bệnh A4 để dưỡng thai.

Chị Linh chia sẻ, chị thực sự rất cảm động vì sự chuyên nghiệp, nhiệt tình của các bác sĩ Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội. “Mọi người chăm sóc hai mẹ con em rất tốt và tình cảm, em luôn biết ơn nơi đây vì mọi người đều coi bệnh nhân là người nhà” – Chị Linh cho hay.

Sau 1 tuần, cơn co tử cung lại xuất hiện, khi này cổ tử cung đã mở 4 phân và ối thõng âm đạo nên chị được chuyển sang phòng đẻ thường cấp cứu. Dù biết là tình trạng nguy cấp nhưng chị vẫn cố gắng hết sức bình tĩnh để giữ sức rặn đẻ em bé ra đời an toàn.

May mắn thay, em bé chào đời chỉ sau 10 phút rặn. Con sinh non ở tuần 27 nặng tròn 1kg và được chuyển tới khoa Sơ sinh để các bác sĩ, nhân viên y tế chăm sóc và điều trị.

“Khi được đẩy về phòng hồi sức sau sinh, nhìn xung quanh các mẹ đều được ôm con, bế con mà em vô cùng tủi thân, nước mắt cứ tự động chảy ra nhưng em luôn tin là con mình sẽ ổn vì đã có sự chăm sóc tận tình của các bác sĩ nơi đây”. – Chị xúc động nhớ lại khoảnh khắc đáng nhớ khi ấy.

Hàng ngày, vợ chồng chị đến viện 2 lần gửi sữa mẹ vào khoa Sơ sinh cho em bé để con có thêm sức đề kháng. Đúng 1 tháng sau sinh, em bé đạt cân nặng 1400g và được ấp Kangaroo cảm nhận hơi ấm trong vòng tay mẹ.

Chị Linh ví phòng ấp Kangaroo như mái nhà thứ 2, chị cảm nhận từ những bệnh nhân xung quanh tới đội ngũ y bác sĩ luôn túc trực, giúp đỡ chị trong quá trình 2 mẹ con ở khoa. Nhờ những sự trợ giúp đó, sau 1.5 tháng điều trị tích cực, bé đã đạt được những tiến triển vượt bậc khi tăng cân lên 2000g và hoàn toàn khỏe mạnh.

Giây phút được ôm con vào lòng, chị đã cảm nhận được hạnh phúc trọn vẹn. Niềm hạnh phúc vỡ òa khi gia đình đón bé về nhà, chị Linh xin gửi lời cảm ơn tới đội ngũ bác sĩ và nhân viên y tế Bệnh viện đã đồng hành cùng 2 mẹ con suốt chặng đường vừa qua.

Những vấn đề về sức khỏe của trẻ sinh non cần chú ý

Theo BS Nguyễn Quỳnh Hương - Khoa Sơ sinh, Bệnh viện phụ sản Hà Nội cho biết, uớc tính mỗi năm, thế giới có khoảng 150 triệu trẻ em được sinh ra, trong đó, có đến 10% trong số này là trẻ sinh non.

Đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em dưới 5 tuổi. Hành động khẩn cấp là ưu tiên hàng đầu trong việc giải quyết tình trạng trẻ sinh non, khi số lượng trẻ sinh non đang tăng lên tại nhiều quốc gia trên thế giới. Vì vậy, giảm thiểu tỉ lệ trẻ sinh non là chỉ tiêu quan trọng trong tiêu chí thứ 4 và thứ 5 của Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG).

Trẻ sinh non là những trẻ sinh ra trước tuần thứ 37 của thai kỳ. Khi ra đời càng sớm, trẻ càng gặp nhiều vấn đề về sức khỏe, ảnh hưởng đến sự phát triển sau này thậm chí là tử vong ngay sau sinh và nhiều năm đầu sau sinh. Tùy từng mức độ sinh non và thể trạng của trẻ sau sinh mà những vấn đề sức khỏe trẻ có thể gặp phải sẽ khác nhau.

- Tai: giảm thính lực, điếc

- Mắt: giảm thị lực, mù

- Hô hấp: loạn sản phế quản phổi, viêm đường hô hấp

- Tim mạch: bệnh còn ống động mạch

- Thần kinh: chậm nhận thức, chậm biết nói, tiếp thu chậm

- Dinh dưỡng: suy dinh dưỡng, còi xương, hấp thụ kém, thiếu hụt vi chất

Những vấn đề về sức khỏe của trẻ đẻ non có thể được phát hiện và can thiệp sớm từ những tháng đầu tiên nếu được theo dõi sát và khám định kỳ.

• Lần 1: 1 tháng tuổi | Khám thể chất, thính lực, thị lực

• Lần 2: 3 tháng tuổi | Khám thể chất, tinh thần – vận động, dinh dưỡng

• Lần 3: 6 tháng tuổi | Khám thể chất, tinh thần – vận động, dinh dưỡng

Thúy Nga