Theo các chuyên gia dinh dưỡng mỗi người nên hạn chế lượng đường bổ sung dưới 10% lượng calo hàng ngày. Những khuyến nghị này không bao gồm đường tự nhiên có trong thực phẩm nguyên chất, chẳng hạn như trái cây, rau củ, sữa... Nếu bạn tiêu thụ quá nhiều đường, dù tự nhiên hay nhân tạo, bạn có nguy cơ mắc bệnh tim, bệnh gan, tiểu đường, béo phì và các tình trạng sức khỏe khác.
Dưới đây là một số lợi ích của việc giảm lượng đường trong chế độ ăn:
Giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính
Lượng đường quá mức có liên quan chặt chẽ đến sự phát triển của các bệnh mạn tính như bệnh tiểu đường loại 2, bệnh tim mạch và một số loại ung thư. Bằng cách cắt bỏ hoàn toàn đường, bạn có thể giảm đáng kể nguy cơ mắc các bệnh này.
Loại bỏ đường giúp ổn định lượng đường trong máu, cải thiện độ nhạy insulin và giảm viêm, đây là những yếu tố quan trọng trong việc ngăn ngừa và kiểm soát các bệnh mạn tính.
Giảm cân
Cắt bỏ đường có thể có tác động đáng kể đến việc giảm cân. Đường bổ sung chứa nhiều calo và cung cấp ít hoặc không có giá trị dinh dưỡng. Bằng cách loại bỏ lượng calo rỗng này, bạn sẽ giảm lượng calo tổng thể, điều này có thể dẫn đến giảm cân.
Hơn nữa, tiêu thụ quá nhiều đường có liên quan đến việc tăng mỡ cơ thể, đặc biệt là mỡ nội tạng xung quanh các cơ quan. Loại bỏ đường có thể góp phần tạo nên thành phần cơ thể khỏe mạnh hơn và giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến béo phì.
Giảm lượng chất béo xấu trong cơ thể
Nếu bạn thừa cân, rất có thể bạn cũng bị cholesterol trong máu cao. Lúc này, nếu bạn giảm lượng đường trong cơ thể, đặc biệt là đường bổ sung sẽ giúp giảm lượng calo và từ đó giảm cân. Kết quả là cholesterol trong máu cũng được cải thiện.
Cải thiện sức khỏe răng miệng
Với một người hảo ngọt, các mảng đường sẽ dính ở trên răng nhiều hơn. Theo thời gian, vi khuẩn trong miệng phân hủy đường để tạo ra axit, phá hủy bề mặt răng, gây sâu răng, viêm nướu.
Theo khuyến nghị của WHO, giảm lượng đường bổ sung trong chế độ ăn uống xuống dưới 10% tổng lượng calo mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ sâu răng.
Hỗ trợ sức khỏe tim mạch
Đường bổ sung có liên quan gián tiếp và trực tiếp đến bệnh tim. Một nghiên cứu ở Mỹ đã kiểm tra mức tiêu thụ đường bổ sung hàng ngày và nguy cơ mắc bệnh tim ở hơn 11.000 người trong khoảng 15 năm. Những người tham gia tiêu thụ 25% hoặc nhiều hơn lượng calo hằng ngày từ đường, có nguy cơ tử vong vì bệnh tim cao hơn gấp đôi so với những người tiêu thụ ít hơn 10% lượng calo từ đường bổ sung.
Các chuyên gia khuyến cáo, ngay cả khi một người có cân nặng khỏe mạnh, việc giảm lượng đường bổ sung có thể giúp ổn định huyết áp, cholesterol và chất béo trung tính, giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
Giảm nguy cơ mắc bệnh gan
Các nghiên cứu cho thấy, người tiêu thụ quá nhiều đường bổ sung có nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ cao. Giảm đường bổ sung là một biện pháp được khuyến cáo có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh gan.
Cải thiện sức khỏe của da
Giảm đường trong chế độ ăn uống có thể cải thiện sức khỏe làn da. Khi bạn ăn quá nhiều đường, cơ thể sẽ tiết nhiều insulin và các hormone giống như insulin.
Những kích thích này có thể kích hoạt những thay đổi liên quan đến da, như sản xuất nhiều nội tiết tố androgen tăng tiết bã nhờn... Cắt giảm lượng đường bổ sung cũng có thể giúp làm chậm quá trình lão hóa da, giảm đàn hồi.
Giảm nguy cơ trầm cảm và suy giảm nhận thức
Sức khỏe tâm lý được cải thiện là một lợi ích khác khi cắt bỏ đường. Điều này là do lượng đường bổ sung hấp thụ cao hơn có liên quan đến khả năng trải qua các giai đoạn trầm cảm, lo lắng và các vấn đề sức khỏe tâm thần khác cao hơn đáng kể. Các nhà nghiên cứu cho rằng điều này xuất phát từ tình trạng viêm trong não được kích hoạt bởi chỉ số đường huyết cao hơn của đường, nhưng điều quan trọng cần chỉ ra là nghiên cứu cho thấy rằng việc tiêu thụ đường bổ sung, không phải đường tự nhiên hoặc tổng lượng carbohydrate, dường như là nguyên nhân chính.
Cắt giảm lượng đường cũng có thể giúp giữ cho trí nhớ luôn nhạy bén khi tuổi cao. Trong một nghiên cứu cắt ngang năm 2020 trên 3.623 người Mỹ từ 60 tuổi trở lên đã tìm thấy mối liên hệ giữa lượng đường ăn vào cao với sự hiện diện và mức độ nghiêm trọng của chứng suy giảm trí nhớ. Một mối liên hệ tương tự cũng được đưa ra với chế độ ăn nhiều chất béo và carbohydrate.
Một số nghiên cứu cho thấy điều này có thể là do tình trạng viêm trong não tăng cao, dẫn đến các vấn đề về trí nhớ. Bệnh đái tháo đường type 2 và bệnh tim mạch - hai tình trạng mà đường cũng có liên quan đến – cũng có liên quan đến sự suy giảm nhận thức.