Chẩn đoán viêm dạ dày, siêu âm phát hiện u buồng trứng
Bé Trân, 15 tuổi bị đau bụng ba ngày, sốt nhẹ, tiêu lỏng đi khám bác sĩ chẩn đoán viêm dạ dày, siêu âm phát hiện u quái buồng trứng.
Gia đình cho biết bé thường xuyên bị đau bụng, tự uống thuốc điều trị tại nhà. Khi thăm khám, ngoài các biểu hiện của bệnh viêm dạ dày, bác sĩ sờ thấy có khối to vùng bụng dưới nên chỉ định siêu âm bụng, phát hiện 2 khối u buồng trứng 2 bên, bên trong chứa nhiều mô xương, tóc răng.
BS.CKI Nguyễn Thanh Sơn Vũ, chuyên khoa Ngoại Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM chỉ định chụp CT chẩn đoán thêm, kết quả có khối u hai bên vùng hạ vị (bụng dưới), kích thước 12×12 cm, chẩn đoán u quái buồng trứng, hay còn được gọi là u bì buồng trứng, u nang bì buồng trứng, có nguồn gốc phát triển phát triển từ tế bào mầm nguyên thuỷ của buồng trứng. Chúng có thể lành tính hoặc ác tính.
“Đối với bệnh nhi này, hình ảnh ghi nhận được là có mô xương tóc răng đã hoàn chỉnh nên khả năng cao là u quái trưởng thành với tiên lượng là lành tính”, bác sĩ Vũ nói. Tuy nhiên, 2 khối u xuất hiện cả 2 bên buồng trứng với kích thước rất lớn nên cần xét nghiệm máu để kiểm tra thêm các dấu hiệu ung thư. May mắn kết quả bình thường, bệnh nhi được bảo tồn buồng trứng để đảm bảo chức năng nội tiết và khả năng sinh sản trong tương lai.
![]() |
Bác sĩ Vũ (thứ hai từ phải sang) phẫu thuật bóc tách khối u cho bé Trân - Ảnh BVCC |
U quái buồng trứng thường được cắt qua phẫu thuật nội soi. Tuy nhiên khi bác sĩ đưa ống kính soi vào ổ bụng, nhận thấy 2 nang buồng trứng kích thước quá lớn, chiếm hết khoảng không gian trong ổ bụng. Để lấy u ra được an toàn, ê kíp phẫu thuật quyết định chuyển sang mổ hở.
Bác sĩ rạch đường mổ như đường mổ lấy thai, sau 120 phút, bác sĩ bóc tách hoàn toàn 2 khối u quái, bảo tồn tối đa mô buồng trứng cho bé. Sau mổ bệnh nhi được ăn uống lại, theo dõi và xuất viện sau ba ngày chăm sóc hậu phẫu. Sau phẫu thuật, khối u của bệnh nhi được gửi đi xét nghiệm để kiểm tra, xác định u lành tính.
Bác sĩ Vũ cho biết buồng trứng ở trẻ có kích thước dài 3 cm, rộng 1,5 cm và bề dày 2,5 cm. Khối u buồng trứng quá lớn có thể chèn ép các cơ quan lân cận hoặc làm cho buồng trứng bị xoắn. Buồng trứng khi bị xoắn nếu không được xử lý kịp thời sẽ hoại tử, không thể phục hồi, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và chức năng nội tiết sau này.
![]() |
Biểu hiện của u quái buồng trứng ở trẻ thường dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý tiêu hóa - Ảnh BVCC |
U buồng trứng có thể gặp ở bất kể lứa tuổi và hay bị nhầm lẫn với các bệnh lý về tiêu hóa khác. Ở trẻ nhỏ triệu chứng thường không rõ ràng nên có một số bé khi buồng trứng bị xoắn không được can thiệp kịp thời.
Ngoài ra u buồng trứng còn có một số dạng ác tính, cần được can thiệp và điều trị sớm để có hiệu quả cao nhất.
Cẩn thận với đau bụng
TS.BS.Phạm Thị Mai Anh, Bệnh viện Phụ sản Hải phòng cho biết, u quái buồng trứng thường xuất hiện ở độ tuổi 20-30 tuổi, hiếm gặp ở trẻ em. Tỷ lệ mắc bệnh ước tính vào khoảng 2,6 trường hợp/ 100.000 bé gái.
U buồng trứng ở bé gái thường khó phát hiện ở giai đoạn mới hình thành hoặc đang phát triển, bởi triệu chứng bệnh âm thầm, dễ nhầm lẫn với bệnh lý khác, do đó, bản thân người bệnh sẽ rất khó phát hiện sớm.
Các bác sĩ Sản phụ khoa khuyến cáo, việc khám phụ khoa tổng quát định kỳ là điều cần thiết đối với các chị em phụ nữ, kể cả bé gái nhằm kịp thời phát hiện ra những dấu hiện bất thường.
Khi trẻ có các biểu hiện đau tức vùng hạ vị, bụng to bất thường nên đưa con đi khám. Nếu phát hiện ra khối u cần phải đến các cơ sở y tế có đủ năng lực để sớm điều trị triệt để, từ đó giúp bảo tồn chức năng sinh sản, tránh nguy cơ biến chứng ác tính về sau.
"Phụ huynh nên cho trẻ đi khám sức khỏe định kỳ để có thể phát hiện sớm khối u qua siêu âm ổ bụng. Khi bé có biểu hiện đau bụng, bụng to dần, cảm thấy nặng vùng hạ vị cần được đưa đến thăm khám và điều trị kịp thời", bác sĩ Vũ khuyến cáo.