Gia đình mới

Cuộc chiến sinh tử cứu bệnh nhi 11 tuổi "hôn mê" do tai nạn giao thông

  • Tác giả : Thúy Nga
Bệnh nhân hôn mê sâu, đồng tử giãn, khối máu tụ lớn lan rộng hai bên, não bị chèn ép nghiêm trọng... đã được cứu sống, phục hồi kỳ diệu.

Ngày 25/4, Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang cho biết, nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa và sự tập trung cao độ của toàn bộ ê-kíp phẫu thuật đặc biệt, bệnh viện đã giành lại sự sống cho trẻ 11 tuổi bị tổn thương thần kinh nghiêm trọng do tai nạn giao thông.

Kích hoạt báo động đỏ - cuộc chạy đua với thời gian cho cuộc chiến sinh tử

Theo đó, chiều ngày 13/4/2025, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang tiếp nhận ca bệnh nguy kịch do tai nạn giao thông, được chuyển đến từ Bệnh viện Đa khoa Anh Quất.

Bệnh nhi là cháu C.D.A (11 tuổi, trú tại xã Liên Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang), nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, kích thích mạnh, đồng tử hai bên giãn – dấu hiệu cho thấy tổn thương thần kinh nghiêm trọng. Thang điểm Glasgow chỉ còn 6 điểm, tiên lượng cực kỳ xấu.

Ngay sau khi tiếp nhận, cháu A được thăm khám lâm sàng và chụp CT sọ não khẩn cấp. Kết quả khiến các bác sĩ không khỏi lo ngại: Hình ảnh cho thấy khối máu tụ ngoài màng cứng vùng trán – đỉnh hai bên với kích thước lớn, thể tích ước tính hơn 100 gram; vỡ khớp trán – đỉnh hai bên, nghi ngờ tổn thương xoang tĩnh mạch dọc trước – tình trạng cực kỳ nguy hiểm, có thể dẫn đến chết não nếu không được xử trí kịp thời.

Trước tình trạng tối khẩn cấp, quy trình “báo động đỏ” toàn viện được lập tức kích hoạt. Các khoa Cấp cứu, Ngoại thần kinh, Phẫu thuật – Gây mê hồi sức, Huyết học – Truyền máu nhanh chóng hội chẩn liên khoa, đồng thời chuẩn bị đầy đủ cho ca đại phẫu.

Bệnh nhi đã hồi phục kỳ diệu sau cuộc chiến sinh tử - Ảnh BVCC

Bệnh nhi đã hồi phục kỳ diệu sau cuộc chiến sinh tử - Ảnh BVCC

Chỉ trong thời gian ngắn, cháu bé được chuyển lên phòng mổ. Ê-kíp phẫu thuật do ThS.BS Nguyễn Mạnh Tuyên – khoa Ngoại thần kinh – trực tiếp chỉ huy. “Chúng tôi hiểu rằng từng phút trôi qua đều có thể quyết định sự sống của cháu. Khối máu tụ rất lớn, thể tích tăng nhanh, chèn ép mạnh khiến mô não căng cứng, thiếu máu nuôi não nghiêm trọng.

Ca mổ đối diện với nhiều khó khăn, trong đó có nguy cơ mất máu nhiều. Đã từng có bệnh nhân ngừng tim ngay trên bàn mổ vì mất máu quá nhanh. Gây mê – hồi sức cho trẻ em cũng là một thách thức lớn, bởi chỉ cần mất 400–500ml máu là bệnh nhân đã có thể rối loạn mạch và huyết áp”, bác sĩ Tuyên chia sẻ.

Phục hồi kỳ diệu từ ca mổ "cân não"

Ca phẫu thuật kéo dài 3 giờ đồng hồ là một cuộc chạy đua thực sự với tử thần. Với kỹ thuật cao và thao tác vô cùng tỉ mỉ, các bác sĩ đã mở hộp sọ hai bên, tiến hành lấy toàn bộ khối máu tụ – thể tích hơn 100 gram – giúp giải phóng hoàn toàn vùng não bị chèn ép. Đồng thời, công tác cầm máu được thực hiện rất kỹ lưỡng nhằm ngăn ngừa nguy cơ chảy máu tái phát.

Trong quá trình phẫu thuật, cháu A bị mất nhiều máu và được truyền kịp thời 1.050ml khối hồng cầu. Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng giữa các chuyên khoa cùng tay nghề vững vàng của ê-kíp, ca mổ đã thành công. Bệnh nhi được chuyển về khoa Hồi sức tích cực – Chống độc để tiếp tục chăm sóc hậu phẫu.

Bệnh nhi A đã bình phục - Ảnh BVCC

Bệnh nhi A đã bình phục - Ảnh BVCC

Sau 4 ngày hồi sức tích cực, cháu A đã tỉnh táo, cai được máy thở và được chuyển về Khoa Ngoại thần kinh để tiếp tục điều trị. Kết quả chụp sau mổ cho thấy khối máu tụ đã được lấy bỏ hoàn toàn, cầm máu tốt.

Điều kỳ diệu là sau 11 ngày, cháu đã hoàn toàn tỉnh táo, ăn uống bình thường, vết mổ liền tốt và không để lại bất kỳ di chứng thần kinh nào – điều rất hiếm gặp ở những ca chấn thương sọ não nặng tương tự. Dự kiến bệnh nhi sẽ được xuất viện trong 1–2 ngày tới.

Thư cảm ơn của gia đình - BVCC

Thư cảm ơn của gia đình - BVCC

Chị Nhung – mẹ cháu A – xúc động chia sẻ: “Gia đình tôi tưởng như đã mất con. Khi bác sĩ thông báo tình trạng nguy kịch, nguy cơ chết não cao, tôi gần như ngã quỵ. Nhưng chính sự tận tình, quyết đoán và nhanh nhạy của các bác sĩ đã cứu sống cháu.

Trong lúc hoang mang nhất, chính Phó Giám đốc Bệnh viện đã gọi điện động viên, trấn an tinh thần, bảo rằng cứ yên tâm, bệnh viện sẽ làm hết sức để cứu cháu. Gia đình tôi thực sự vô cùng cảm kích và biết ơn, không biết nói gì hơn ngoài hai từ ‘biết ơn’”.

“Đây là một ca rất khó. Bệnh nhân hôn mê sâu chỉ sau hơn một giờ kể từ khi tai nạn xảy ra, khối máu tụ lớn lan rộng hai bên, não bị chèn ép nghiêm trọng.

Tuy nhiên, nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa và sự tập trung cao độ của toàn bộ ê-kíp, chúng tôi đã giành lại sự sống cho cháu", ThS.BS Nguyễn Mạnh Tuyên đánh giá.

Thúy Nga