Giáo dục

"Đi học là bị nhiễm độc thủy ngân hả mẹ?"

  • Tác giả : Nguyễn Mai
(khoahocdoisong.vn) - “Đi học là bị nhiễm độc thủy ngân hả mẹ, các bạn lớp con bảo thế”, một phụ huynh có con học ở trường Hạ Đình kể lại câu nói của con và chia sẻ, chị rất mong có thông tin chính xác về mức độ độc hại từ vụ cháy để an tâm ổn định cuộc sống.

Vừa cho con đi học, vừa nghe ngóng

Trước cổng Trường tiểu học Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) giờ đưa đón học sinh, các phụ huynh bịt khẩu trang kín mít. Học sinh cũng được bố mẹ trang bị khẩu trang cẩn thận.

Trao đổi với PV KH&ĐS, các phụ huynh cho biết, ngay khi đám cháy xảy ra và đọc các thông tin trên mạng, họ đều rất hoang mang, lo lắng cho sức khỏe của con. Có người đã cho con nghỉ hơn chục ngày, hôm nay mới cho con quay trở lại trường học. Nhưng đa số vẫn cho con đi học.

Chị N.T.H chia sẻ: “Bữa trước, khi chuẩn bị lên xe mẹ chở đến trường, con tôi bỗng hỏi: “Đi học là bị nhiễm độc thủy ngân hả mẹ?”. Tôi giật mình hỏi con: “Sao con lại nói vậy”, thì con đáp: “Các bạn trong lớp con bảo thế”. Tôi đành phải bảo con, các con cứ an tâm đi học, hiện tại, đó chỉ là các tin đồn thổi, không có căn cứ. Mẹ mà biết có thông tin nguy hiểm sẽ cho con nghỉ học ngay”.

Chị H. bảo, tuy chị trấn an con như vậy, nhưng trong lòng rất hoang mang. Hiện tại, chị vừa cho con đi học, vừa nghe ngóng, và cũng nghĩ tới nguy cơ rủi ro sẽ cao.

Trong lớp con chịH. các phụ huynh cũng chia thành hai luồng quan điểm: Một là muốn viết đơn để cho các con nghỉ học. Hai, là vẫn cho các con học bình thường và bố mẹ cũng như nhà trường thực hiện các biện pháp giữ an toàn cho các con.

Bản thân chị H. rất lo lắng cho con, nhưng nhà thì không có điều kiện chuyển đi nơi khác. Còn con nghỉ học thì sau này biết học bù như thế nào? Bởi học sinh toàn trường vẫn học. Giả sử chị cho con nghỉ thì rồi cháu sẽ lại phải học bù để theo cho kịp các bạn? Đặc biệt, là cháu mới vừa vào học lớp 1, vừa mới làm quen đầy bỡ ngỡ.

Cho nên, hằng ngày chị H. vẫn cho con tới trường, lớp con chị đang theo học có 4 bạn nghỉ học. “Cô giáo chủ nhiệm bảo, cô sẽ cố gắng giữ cho các con, hạn chế đi ra ngoài. Mỗi khi các con có ra ngoài đi vệ sinh, cô đều nhắc đeo khẩu trang. Cô cũng mua nước muốn sinh lý, nhỏ mắt cho các con. Nhà trường cũng thực hiện quét dọn, vệ sinh khu vực trường học sạch sẽ”, chị H. chia sẻ.

Một phụ huynh khác ở Trường TH Hạ Đình chia sẻ, sau khi vụ cháy xảy ra, nhà trường cũng đã tổ chức buổi đối thoại, ghi nhận ý kiến của phụ huynh học sinh. Nhà trường nói đối với vấn đề nghỉ học của học sinh thì Trường không tự quyết định được. Trường chỉ có thể cố gắng để đảm bảo sức khỏe cho các con một cách tốt nhất.

Chị định cuối tuần này sẽ cho con tới Bệnh viện Bạch Mai làm xét nghiệm máu, thử nước tiểu để cho đỡ lo. Còn việc cho con nghỉ học, phải là từ chủ trương của nhà trường.

Không có căn cứ để cho học sinh nghỉ học

Giải thích lý do Phòng GD&ĐT Quận vẫn chỉ đạo cho Trường dạy học bình thường, ông Phạm Gia Hữu, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân cho biết,, trước đó Quận đã nhận được thông báo của Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội về kết quả quan trắc không khí không ảnh hưởng đến việc học tập nên không có căn cứ nào để cho HS nghỉ học.

Cụ thể, theo Văn bản số 1062 về kết quả quan trắc môi trường và công tác khắc phục sự cố môi trường do vụ cháy Công ty Cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông của Chi Cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường), vị trí trong sân trường Tiểu học Hạ Đình có khoảng cách 550m đến tường rào Công ty, các chỉ tiêu đều nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép của quy chuẩn chất lượng môi trường.

Ngày 7/9/2019, Chi cục Bảo vệ môi trường đã trưng cầu đơn vị quan trắc lấy mẫu thủy ngân trong không khí ở các khu vực quanh vị trí: tại khu vực cháy, các vị trí  cách vụ cháy 200m, 500m và tại trường tiểu học Hạ Đình. Kết quả phân tích cho thấy hàm lượng  thủy ngân (trung bình 24 giờ) trong không khí dưới ngưỡng quy định tại QCVN 06/2009/BTNMT.

Đối với việc một số phụ huynh có mong muốn chuyển trường cho con sau khi xảy ra vụ cháy do lo ngại không khí ô nhiễm, ông Hữu cho biết, theo quy định, thời gian chuyển trường từ ngày 1/8 đến trước khai giảng.

Cho tới thời điểm hiện tại, thời gian chuyển trường đã hết. Ngoài ra, việc quản lý học sinh hoàn toàn trên phần mềm của Sở GD&ĐT. Do đó, Phòng GD&ĐT yêu cầu các trường thống kê cụ thể, báo cáo Phòng GD&ĐT để tiếp tục báo cáo Sở GD&ĐT xem xét nguyện vọng của phụ huynh học sinh.

Đối với trường hợp các học sinh nghỉ học, Phòng GD&ĐT yêu cầu các trường căn cứ vào số buổi nghỉ học ở mức cho phép của học sinh để xét kết quả học tập cho các em. Các trường cũng cần bố trí công tác dạy bù miễn phí cho học sinh, điều động giáo viên các khu vực lân cận đến hỗ trợ công tác phụ đạo học sinh nghỉ do vụ cháy.

Về vấn đề đảm bảo sức khỏe, an toàn cho học sinh, ông Hữu cho biết, ngay khi xảy ra vụ cháy, Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân cũng đã thường xuyên cử cán bộ của Phòng GD& ĐT xuống các trường kiểm tra công tác dạy và học, đảm bảo vệ sinh, an toàn sức khỏe của học sinh.

Các trường cũng đã thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, tăng cường đảm bảo an toàn, phối hợp với cha mẹ học sinh hướng dẫn các em đeo khẩu trang đi học, súc miệng, rửa mũi bằng nước muối sinh lý, tiến hành vệ sinh rèm cửa, lớp học...

“Tôi và các phụ huynh khác rất mong có một thông tin chính thức nào đó từ phía chính quyền Hà Nội cũng như các cơ quan chức năng để có thể an tâm, ổn định cuộc sống, đặc biệt là việc học hành, sức khỏe của con cái. Chúng tôi đương nhiên hy vọng các chỉ số là an toàn đúng như kết quả quan trắc mà Phòng GD&ĐT đã thông tin. Chỉ sợ nhất hôm nay thì kết quả an toàn, yên tâm cho con đi học. Ngày mai lại thay đổi, bảo nguy hại thì lúc đó không biết làm thế nào nữa”, một phụ huynh phường Hạ Đình chia sẻ.

Nguyễn Mai