Giáo dục

"Đi du học, con tôi rất nhớ ngôi trường ở Việt Nam, muốn trở về"...

  • Tác giả : Mai Loan
(khoahocdoisong.vn) - Tại buổi tọa đàm “Giáo dục chất lượng cao – cánh cửa thành công”, chị Kim Khánh, một phụ huynh có 3 con du học ở nước ngoài chia sẻ, con trai chị đã rất nhớ ngôi trường ở Việt Nam, vì ngôi trường đó thậm chí tốt hơn trường nước ngoài.

Mong Việt Nam có thể xây dựng được nhiều trường có “du học tại chỗ”

Tham dự Tọa đàm “Giáo dục chất lượng cao – Cánh cửa thành công” do Báo KH&ĐS tổ chức mới đây, chị Kim Khánh (Phó Tổng Biên tập Tạp chí Thương gia) cũng là một phụ huynh có 3 con du học ở nước ngoài đã chia sẻ câu chuyện từ thực tế những trải nghiệm của chị và các con để cho thấy, giáo dục chất lượng cao của Việt Nam không thua kém nước ngoài, thậm chí còn vượt trội. Và Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng được những cơ sở giáo dục đào tạo chất lượng tốt, để có thể cho học sinh “du học tại chỗ” được.

Chị Khánh tự nhận, chị cũng giống như nhiều phụ huynh thế hệ chị có có tư tưởng rất “lạc hậu”, đó là do trong nhiều năm đã trải qua những năm tháng quá khó khăn, nên luôn mơ ước cho con đi học nước ngoài. Và nếu đi học nước ngoài, sau đó tìm kiếm được một công việc tại nước đó cũng là một niềm mơ ước. Nhưng cho đến bây giờ, chứng kiến những thay đổi mạnh mẽ của Việt Nam về mọi mặt, đặc biệt là kinh tế, cộng với trải nghiệm 3 năm theo con ra nước ngoài, chị nhận ra rằng, tư tưởng của mình cần phải thay đổi.

Điều đầu tiên, khiến chị suy nghĩ đó là một năm học, mỗi học sinh đi du học phải đóng trên dưới 20.000 - 30.000USD. Từ số tiền này, nước Úc hay Canada mỗi năm thu về tới 30 - 50 tỷ USD cho giáo dục. Đây có thể gọi là công nghệ bán giáo dục, ai cần gì thì họ bán cái đó. Ví dụ, khi chưa thông thạo tiếng Anh thì họ bán tiếng Anh. Đủ để sau 1 – 2 kỳ người học đạt được Level 6.5 vào học đại học.

Theo chị Khánh, các bạn du học sinh khi quyết định đi nước ngoài phải suy nghĩ rất kỹ. Bởi khi sang Canada 3 năm chị Khánh đã chứng kiến nếu học đại học sẽ rất tốt, vì được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, khi ra trường dễ tìm kiếm việc làm. Nhưng nếu học cao đẳng thì cần cân nhắc.

Những người học đại học, ra trường với tấm bằng tốt phục vụ cho họ thì đó là nhân sự chất lượng cao, họ rất cần. Tuy nhiên, phần lớn đều trở thành worker. Chưa nói tới nhiều du học sinh sang du học, gia đình điều kiện khó khăn, vừa học phải vừa làm việc kiếm tiền, ví dụ làm nail… Trong số đó, có nhiều em đã phải bỏ học để đi kiếm tiền, đi du học chỉ còn là danh nghĩa. Dù là tiền kiếm được cũng khá, thậm chí là gửi về được cho gia đình, nhưng mục đích du học cuối cùng không đạt được. Hoặc có người ở lại nhưng cả đời đi làm worker, đi làm công nhân ở các nhà máy, đi làm nail…

"Đó là những điều rất phí. Cho nên, nếu như ở trong nước mà có một môi trường đào tạo tốt, đào tạo tại chỗ, mà theo tôi điều đó hoàn toàn có thể làm được thì sẽ rất nhiều ý nghĩa, không chỉ đối với các em sinh viên, mà còn là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Có nhiều cách để làm được điều này, trong đó đó có việc hợp tác với nước ngoài”, chị Khánh chia sẻ.

Nhớ trường phổ thông ở Việt Nam vì tốt hơn trường nước ngoài

Để cho thấy rằng Việt Nam cũng có thể có những môi trường đào tạo rất tốt, không thua kém nước ngoài, thậm chí là vượt trội, chị Khánh chia sẻ câu chuyện từ chính con trai mình. Con trai chị trước đây học ở Trường Phổ thông liên cấp Olympia. Theo chị, các giáo viên trường Olympia có quyền tự hào. Bởi con trai chị cùng nhóm học sinh của trường Olympia khi đi du học thì đều rất nhớ ngôi trường của mình.

Và bản thân con trai chị, dù còn nhỏ tuổi nhưng cũng đã phân tích từ chính trải nghiệm của mình, cho biết: Học ở Olympia vừa được tiếp nhận kiến thức từ nước ngoài vì cũng có trao đổi chương trình (chương trình của Mỹ), nhưng đồng thời được ở tại Việt Nam với văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam, với các thầy, các cô dạy các học trò theo đúng tiêu chí một ngôi trường hạnh phúc giống như thầy giáo Đàm Tiến Nam (Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: Trường chất lượng cao là trường hạnh phúc.

Theo đó, khi học trong một ngôi trường hạnh phúc, các cháu được sống trong một môi trường yêu thương, mà mỗi cá nhân được tôn trọng… Các cháu đã được các thầy cô dạy rằng, phải tôn trọng sự khác biệt, tôn trọng cá nhân.

Khi được sống trong môi trường yêu thương đó, biết giúp đỡ lẫn nhau, giúp đỡ những bạn có hoàn cảnh khó khăn ở vùng núi xa xôi… lại kèm theo nhiều phong trào lôi cuốn, hấp dẫn, thì đó chính là một môi trường giáo dục rất có ý nghĩa, rất tốt.

Cho nên, khi sang nước ngoài, 3 năm là 3 năm chông chênh với con chị và cháu rất nhớ ngôi trường ở Việt Nam. Dù ở nước ngoài, cũng có những chương trình giáo dục rất tốt, quan tâm từ những chi tiết nhỏ trong việc nâng cao đời sống tinh thần cho học sinh. Ví dụ, trường có những chú chó dễ thương, để khi học sinh bị căng thẳng có thể ra vuốt ve chó… Hay luôn có một tổng đài để giải đáp những khó khăn của học sinh để các cháu ổn định tâm lý, không bị ảnh hưởng tới học tập.

Tuy nhiên, có một điều chị thấy các trường Việt Nam nên có sự điều chỉnh. Đó là về mặt kiến thức, các trường nước ngoài dạy vừa phải. Thậm chí, các chương trình chậm hơn Việt Nam. Khi sang đó, con trai chị hầu như không học gì nhiều, nhưng các điểm hầu như đều trên 90%. Từ đó, chị mới hiểu, vì sao các học sinh Việt Nam sang nước ngoài đều ở tốp đầu. Là bởi vì, ở Việt Nam học “đi tắt đón đầu”, học rất nhanh, học ngày học đêm, nhưng có rất nhiều cái thừa. Trong khi đó, ở nước ngoài cho phép học sinh được lựa chọn học những thứ mình thích. Cho nên, học sinh đều đạt kết quả rất cao, chị Khánh chia sẻ.

Mai Loan