Trong nước

Đề xuất giáo viên mầm non được nghỉ hưu trước 5 năm

  • Tác giả : Mai Loan
Theo Dự thảo Luật Nhà giáo trình Quốc hội sáng 9/11, giáo viên mầm non có thể nghỉ hưu trước 5 năm và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ trước tuổi.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 9/11, Quốc hội nghe Tờ trình về Dự án Luật Nhà giáo và thảo luận ở tổ vào chiều cùng ngày. Đây là lần đầu tiên Dự án Luật Nhà giáo được trình tại Quốc hội.
Giáo viên mầm non nghỉ hưu sớm 5 năm không bị trừ lương hưu
Trình bày Tờ trình về dự án Luật Nhà giáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay, Dự thảo Luật Nhà giáo có nhiều điểm mới.
De xuat giao vien mam non duoc nghi huu truoc 5 nam
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trình bày tờ trình về dự án Luật Nhà giáo. Ảnh: QH.
Trong đó, đáng chú ý, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập được bình đẳng với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập về định danh, chuẩn nghề nghiệp, các quyền, nghĩa vụ cơ bản và một số chính sách như đào tạo, bồi dưỡng, tôn vinh, khen thưởng, xử lý vi phạm.
Giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo. Việc tuyển dụng nhà giáo đảm bảo phải có thực hành sư phạm nhằm lựa chọn người có đủ năng lực gắn với chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đáp ứng hoạt động nghề nghiệp nhà giáo theo từng cấp học, trình độ đào tạo.
Chính sách tiền lương của nhà giáo được bố trí ưu tiên. Trong đó, lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nhà giáo tiếp tục được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW.
Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non nếu có nguyện vọng thì có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn, nhưng không quá 5 tuổi so với quy định và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi. Nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc có trình độ tiến sĩ và nhà giáo làm việc trong các ngành, lĩnh vực chuyên sâu đặc thù được hưởng chế độ nghỉ hưu ở tuổi cao hơn.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay, sau khi Luật Nhà giáo được ban hành, ngành Giáo dục sẽ có sự chủ động trong tuyển dụng, sử dụng, phát triển đội ngũ nhà giáo vì có chế tài pháp lý đủ mạnh để tháo gỡ các nút thắt trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo thời gian qua; có cơ chế để thu hút người giỏi đến với nghề dạy học, giữ chân nhà giáo giỏi trong nghề. Từ đó, nâng cao chất lượng của hệ thống giáo dục trên cơ sở chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo về chất lượng.
Nhà giáo sẽ được nâng tầm vị thế, được khẳng định vai trò, được xã hội ghi nhận, tôn vinh, được bảo vệ trong hoạt động nghề nghiệp, được mở rộng cơ hội phát triển nghề nghiệp; các chính sách của Nhà nước tạo điều kiện cho nhà giáo tăng cường tự học, tự bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục và phát triển nghề nghiệp liên tục; các chính sách tiền lương, phụ cấp, hỗ trợ tốt hơn sẽ góp phần nâng cao đời sống, giúp nhà giáo yên tâm công tác và tạo động lực để nhà giáo tận tâm cống hiến với nghề.
Cân nhắc quy định tiền lương với nhà giáo ngoài công lập
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban nhất trí với quy định về tiền lương, phụ cấp đối với nhà giáo trong dự thảo Luật và cho rằng đây là nội dung quan trọng, cần thiết để thể chế hóa kịp thời các chủ trương của Đảng, nhất là Kết luận số 91-KL/TW ngày 12.8.2024 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4.11.2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI.
De xuat giao vien mam non duoc nghi huu truoc 5 nam-Hinh-2
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: QH.
Cùng với đó, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tán thành các chính sách ưu tiên, hỗ trợ, thu hút nhà giáo như quy định tại dự thảo Luật.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, có ý kiến đề nghị nghiên cứu, thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết của Đảng về cải cách chính sách tiền lương; cân nhắc việc quy định chính sách tiền lương đối với nhà giáo ở khu vực ngoài công lập; không quy định lại chính sách thuê nhà công vụ đã được quy định trong Luật Nhà ở; đánh giá tác động kỹ lưỡng để bảo đảm khả thi, nhất là về nguồn lực thực hiện đối với chính sách bảo đảm chỗ ở tập thể cho nhà giáo khi đến công tác tại vùng nông thôn.
Về chế độ nghỉ hưu của nhà giáo, Ủy ban nhất trí quy định nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn (không quá 5 tuổi) so với quy định của Bộ luật Lao động và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ trước tuổi. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cần đánh giá tác động kỹ về nguồn lực bảo đảm thực hiện chính sách này.
Về đào tạo, bồi dưỡng, Ủy ban cơ bản tán thành quy định về đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, không phân biệt nhà giáo khu vực công lập và khu vực ngoài công lập. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc chi trả kinh phí bồi dưỡng đối với nhà giáo khi được cử tham gia các chương trình bồi dưỡng.
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng tán thành quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong quản lý nhà nước về nhà giáo và cho rằng, đây là chính sách mới, tạo điều kiện để ngành Giáo dục chủ động trong việc điều động, luân chuyển, sắp xếp giáo viên giữa các địa bàn; khắc phục tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên.
Tuy nhiên, đề nghị cân nhắc việc giao thẩm quyền cho các cơ quan này trong việc chủ trì, phối hợp điều phối nhà giáo công tác trong trường của lực lượng vũ trang nhân dân.
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tiếp tục rà soát, đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện các chính sách mới, nhất là các điều kiện về nguồn lực tài chính để bảo đảm tính khả thi; nghiên cứu kỹ lưỡng kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng pháp luật về nhà giáo, tham khảo các chính sách, pháp luật đối với nhà giáo để hoàn thiện dự thảo Luật phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Mai Loan