Bình luận

Cần mở rộng đối tượng miễn học phí, không chỉ con giáo viên

  • Tác giả : TS Đặng Văn Cường, Giảng viên Đại học Thủy Lợi
Từ đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo, Nhà nước cần nghiên cứu để ngày càng mở rộng đối tượng được miễn học phí trong xã hội theo tiêu chí từng cấp học và từng đối tượng.
Miễn học phí cho con giáo viên, từ mầm non đến đại học, chi phí dự kiến khoảng 9.200 tỷ đồng mỗi năm, đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang thu hút sự quan tâm từ dư luận.
Là một giảng viên Đại học, tôi cho rằng, miễn học phí từ mầm non đến đại học cho học sinh, sinh viên là những mong muốn, mục tiêu của nhiều người khi xã hội phát triển, nguồn ngân sách nhà nước lớn mạnh, ổn định. Việc miễn học phí cho học sinh sẽ được thực hiện theo từng cấp học, bậc học, từng đối tượng quan từng thời kỳ phát triển của xã hội.
Khong chi con giao vien, can mo rong doi tuong mien hoc phi
Ảnh minh họa. (Nguồn: GD&TĐ)
Trong dự thảo Luật giáo dục, đề xuất miễn học phí cho con giáo viên xuất phát từ quan điểm nhân văn, nhân đạo và sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước đối với hoạt động nghề nghiệp này, đồng thời cũng là cơ sở để thu hút lực lượng lao động trong lĩnh vực giáo dục.
Khi đất nước phát triển, dân giàu, nước mạnh, việc miễn học phí cho học sinh là chuyện hết sức bình thường, thể hiện chính sách an sinh xã hội tốt, không chỉ là con giáo viên mà tất cả học sinh đều có thể được miễn học phí.
Hiện nay, ở nhiều quốc gia phát triển như Châu Âu, Bắc Mỹ nhiều quốc gia đã thực hiện chính sách miễn học phí cho học sinh, thậm chí có những quốc gia miễn học phí cho tất cả các cấp học, bậc học về cho mọi đối tượng…
Việc miễn học phí hay không miễn học phí, miễn cho đối tượng nào trong xã hội sẽ phụ thuộc vào chính sách giáo dục, phụ thuộc vào tìm lực kinh tế của từng quốc gia ở từng thời kỳ, từng giai đoạn.
Bởi vậy, để xuất miễn học phí trong dự thảo Luật Giáo dục là chuyện hết sức bình thường, chúng ta nên nhìn nhận luật này được thực hiện trong khoảng 10 năm, thậm chí lâu hơn nữa chứ không nhìn ở thời điểm hiện tại.
Vấn đề là miễn học phí được thực hiện theo bậc học, cấp học hay đối tượng gia đình chính sách, cần có những cân nhắc để phù hợp với chính sách pháp luật chung, phù hợp với vấn đề an sinh xã hội cũng như thể hiện sự nhân văn, nhân đạo, công bằng bình đẳng trong xã hội.
Về thứ tự ưu tiên, tôi cho rằng, có thể ưu tiên theo từng cấp học ví dụ như sẽ miễn học phí dần dần các bậc học mầm non, tiểu học,THCS, THPT… Làm sao cho học sinh có cơ hội được học tập một cách tốt nhất. Khi xã hội phát triển, kinh tế vững vàng, Nhà nước sẽ miễn học phí cho tất cả các học sinh cho đến khi học hết phổ thông trung học và thậm chí hỗ trợ học phí cho sinh viên đại học.
Trong thời kỳ quá độ, trong từng giai đoạn phát triển, có thể xem xét miễn học phí cho các đối tượng trong xã hội, trong đó sẽ ưu tiên các đối tượng thuộc gia đình chính sách, người có công với cách mạng theo pháp luật về người có công về với những đối tượng đặc biệt trong xã hội như con em lực lượng vũ trang và những ngành nghề công việc đặc thù, những người có hoàn cảnh éo le, khó khăn…
Trong đó, miễn học phí cho con giáo viên cũng có thể là những tri ân đối với các thầy các cô, góp phần tháo gỡ khó khăn về kinh tế cho giáo viên, đồng thời là động lực để khơi gợi những cố gắng, đóng góp, thu hút lao động trong lĩnh vực này.
Việc quy định miễn học phí cho con giáo viên nên đặt trong lộ trình, trong điều kiện cụ thể và có thể gắn với các đối tượng ưu tiên khác trong xã hội.
Quy định về học phí là một trong những vấn đề liên quan đến chính sách giáo dục, bởi vậy phải đặt vấn đề này trong bối cảnh chung, căn cứ vào các tiêu chí để xem xét đánh giá, để quy định và tổ chức thực hiện cho phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội trong từng thời kỳ, từng giai đoạn.
Nghề giáo viên là nghề rất quan trọng trong xã hội, quyết định trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực và thể hiện bản chất nhân văn trong xã hội. Việc đổi mới chính sách về giáo dục trong thời kỳ mới là đòi hỏi tất yếu sao cho người giáo viên xứng đáng với vị trí quan trọng trong xã hội, được xã hội tôn vinh.
Những chính sách pháp luật về giáo dục phù hợp sẽ thu hút được nhân tài, đào tạo nhân lực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực và đảm bảo kinh tế xã hội phát triển.
Hiện nay, đời sống của đại bộ phận giáo viên là chưa cao, áp lực ngày càng nhiều và nhiều người không thiết tha với nghề giáo viên. Bởi vậy, đổi mới chính sách giáo dục phải đi kèm với đổi mới cơ chế chính sách để thu hút nhân tài, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo ra cơ chế cởi mở để động viên kịp thời những người có trình độ cao, có năng lực hoạt động trong lĩnh vực này.
Quan điểm cá nhân tôi là Nhà nước cần nghiên cứu để ngày càng mở rộng đối tượng được miễn học phí trong xã hội theo tiêu chí từng cấp học từ nhỏ đến lớn và từng đối tượng trong xã hội, trong đó thứ tự ưu tiên theo các đối tượng chính sách và mức độ đóng góp của ngành nghề, lĩnh vực đó đối với xã hội làm sao đảm bảo nhân văn, nhân đạo, công bằng và khuyến khích, tạo ra được động lực trong xã hội.
Đối với ngành giáo viên, đây là ngành nghề đặc biệt, đặc thù, cần có sự quan tâm hơn nữa của Đảng và Nhà nước để thu hút được nhiều nhân tài, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, sao cho nghề giáo được luôn được xã hội tôn vinh, kính trọng gìn giữ truyền thống tôn sư trọng đạo trong xã hội.

>>> Mời độc giả xem thêm video Đà Nẵng miễn 100% học phí từ mầm non đến lớp 12


TS Đặng Văn Cường, Giảng viên Đại học Thủy Lợi